Nơi tuổi xuân còn ở lại...

08:05, 31/05/2016

Mỗi lần gặp các sinh viên tham gia mùa hè xanh ở huyện Cát Tiên, trong câu chuyện, các em thường kể về mẹ đỡ Nguyễn Thị Tâm - Trưởng Trạm y tế xã Đồng Nai Thượng bằng sự trân trọng khác thường, các em còn bật Smart phone cho tôi xem ảnh bà mẹ đỡ này...

Mẹ đỡ Nguyễn Thị Tâm
Mẹ đỡ Nguyễn Thị Tâm
Mỗi lần gặp các sinh viên tham gia mùa hè xanh ở huyện Cát Tiên, trong câu chuyện, các em thường kể về mẹ đỡ Nguyễn Thị Tâm - Trưởng Trạm y tế xã Đồng Nai Thượng bằng sự trân trọng khác thường, các em còn bật Smart phone cho tôi xem ảnh bà mẹ đỡ này. Đó là một phụ nữ trên 40 tuổi, gương mặt phúc hậu và đôi mắt đượm buồn như có một niềm riêng.
 
Mẹ đỡ của vùng đất xa xôi
 
Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi mới đi hết con đường gần 30 cây số từ trung tâm huyện Cát Tiên lên xã Đồng Nai Thượng (ĐNT). Bởi con đường độc đạo này có đoạn đã đổ bê tông nhựa nóng, có đoạn rải đá lởm chởm, có nơi chỉ là nền đất chạy trên những đồi dốc quanh co.
 
Đứng trên cứ điểm cao nhất của Đồng Nai Thượng, mới nhận ra vùng đất này được bao bọc bởi đồi núi. Nam giáp với Đồng Nai, Tây giáp Bình Phước và phía Tây Bắc giáp với Đắk Nông. Đây là vùng rừng cấm thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, bây giờ gọi là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi chỉ có đồng bào Mạ, K’Ho, Stiêng... sinh sống bao đời nay. Dọc trên con đường độc đạo ven triền núi này, xuất hiện những người mẹ trẻ địu con trên lưng, những đứa trẻ chân trần hồn nhiên chạy bên cạnh người mẹ đang rập rình từng bước. Đặc biệt, những người đàn ông gồng mình trên chiếc xe máy già đầu trụi như gà chọi, trông như những anh chàng cao bồi ở viễn Tây ngồi trên lưng ngựa. 
 
Anh K’Lâm dân tộc Mạ, người đồng hành với tôi giải thích “Từ ngày tỉnh mình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm, đời sống bà con đỡ hơn, chứ trên chục năm trước, cuộc sống bà con ở đây khổ lắm. Có buôn còn nhiều hủ tục, nhất là việc sinh con hay chăm sóc bà đẻ”.
 
Nhớ đầu năm 2015, tình cờ gặp K’Lâm tại Lộc Bắc (Bảo Lâm) nhưng gia đình anh ở buôn Bù Sa và là công an viên xã Đồng Nai Thượng. Khi được hỏi về bà mụ Tâm, anh nói thật lòng: Mỗi lần đi ngang trạm y tế đều gặp chị ấy, anh còn hứa sẽ dẫn tôi đi hết xã Đồng Nai Thượng để chụp ảnh mấy đứa cháu người Mạ, Stiêng, K’Ho mà anh biết chính xác chị Tâm đã đỡ đẻ trong thời gian ở đấy. Tuy nhiên, lần lên này, bà “Mẹ đỡ” đã được điều về Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên sau hơn 10 năm sống chung với bà con để chăm lo sức khỏe cho đồng bào bản địa. Hôm ấy, ông công an xã dẫn tôi đi một vòng, chụp một số ảnh, gặp gỡ vài nhân chứng rồi vội vã chia tay ngược ra thị trấn, mục đích tránh những cơn mưa rừng xối xả làm con đường trở nên trơn trợt. 
 
Cũng thật may mắn, trên đường quay trở lại trung tâm huyện, tình cờ gặp anh Điểu K’Giá 42 tuổi dân tộc Mạ, đang về trường chính trị. Anh Giá nguyên là Chủ tịch Đồng Nai Thượng từ 2009 đến 2013, hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.
 
Trên đường đi, biết tôi đang đi tìm bà mụ Nguyễn Thị Tâm, ông cựu chủ tịch xã vui vẻ: “Bà con ở xã tui, ai cũng biết bà mụ này. Riêng tui quen với chị Tâm từ lúc làm bí thư xã đoàn. Hồi đó, bên đoàn cùng với các anh chị ấy đi vận động mấy bà bầu vào trạm xá sinh chứ không nên sinh em bé tại nhà hay chòi rẫy ven theo bờ suối. Lúc đầu không phải “dễ ăn” đâu ông ơi. Tui nhớ anh em đoàn viên ở xã cùng với trạm y tế đi không biết bao nhiêu đêm, ghé bao nhiêu nhà và trèo lên bao nhiêu ngọn đồi, trong khi mỗi buôn cách nhau vài cây số chứ ít đâu. Chị Tâm là cán bộ y tế tận tình hết lòng với bà con. Thời buổi hiện nay, tìm được người như chị ấy khó lắm đó! Bây giờ mà chị Tâm trở lại, tui dám chắc đi tới thôn nào cũng có những đứa trẻ chạy ù ra gọi là “Mơi Tâm”. Suy cho cùng, làm người được người ta nể trọng khó lắm ông ơi! Vì vậy, ông cố mà viết một điều gì đó về bà mụ này để thế hệ Con Chao (người dân tộc thiểu số) sau này còn nhớ công lao của chị ấy nhé!”. Ông Điểu K’Giá cười khặc khặc chào tôi, chỉ đường vào nhà chị Tâm rồi rẽ sang trường chính trị huyện.
 
Tuổi xuân gửi lại…
 
Tiếp tôi tại nhà riêng là mẹ đỡ Nguyễn Thị Tâm, một phụ nữ 43 tuổi dáng vẻ phúc hậu. Tuy đường nét không thay đổi nhiều so với tấm ảnh mà các em sinh viên chụp ngày trước, nhưng dáng vẻ và gương mặt tròn hơn vì có em bé. Ngôi nhà của chị được xây và lợp tôn tuy nhỏ nhắn nhưng rất dễ thương. Ngoài sân, phơi đầy quần áo trẻ con phấp phới theo từng cơn gió. 
 
Với cách nói chuyện của người có tuổi, từng lăn lộn ở vùng sâu vùng xa, chị nhỏ nhẹ “Em được huyện điều động về trung tâm y tế được vài tháng nay. Hơn 10 năm gắn bó với Đồng Nai Thượng, biết bao kỷ niệm vui buồn. Anh biết, nơi ấy ngày trước có gần 100% là đồng bào gốc Tây Nguyên, còn những tập tục ăn sâu vào đời sống. Thời sinh viên mới ra trường, biết về vùng này là gian khổ, nhưng chúng em vẫn háo hức lên đường, nhưng sự thực thì trên mức mình nghĩ. Nhớ những ngày đầu tiên vào năm 2002, mỗi khi có ca sinh khó phải chuyển lên tuyến trên. Thời đó chỉ có đi bộ, đi cả đoàn gồm cán bộ y tế và 4 - 5 người nhà cố gắng thay nhau khiêng cáng đưa sản phụ xuống trung tâm huyện, nhưng cố gắng gì cũng phải mất cả ngày mới tới nơi. Anh biết! Đi bộ một ngày trời trên đường dốc và đá, lúc nhìn lại thấy hai bàn chân mình bè ra tím bầm hết sức đau thương”. Chị quay mặt dùng ngón tay xoa xoa những giọt nước mắt đang lăn tròn khi nhớ lại một thời ký ức.
 
Đã quá giờ cơm, tôi xin phép mời chị đi tìm món gì “bỏ vào bụng”. Khi đến quán nhìn thức ăn dọn lên bàn, chị nhớ lại “Những năm ấy, cán bộ y tế bọn em còn lâm vào cảnh thiếu thốn. Suốt mấy tháng mùa mưa tắc đường, cộng với mưa dầm ẩm ướt, nhiều khi gạo, cá khô cũng lên mốc xanh. Lúc ấy bọn em chỉ còn cách cố rửa cho sạch rồi nấu lên ăn, nhiều lúc đi hái rau rừng ăn trừ bữa”. Chưa hết, theo tập tục xưa kia của đồng bào dân tộc nơi đây, người phụ nữ sắp sinh con phải ra ở một túp lều riêng trong vườn, không cho ai nhìn thấy, sau một tuần lễ mới được vào nhà và phải tự đỡ đẻ cho mình. Trước năm 2002, tập tục này vẫn còn rất phổ biến. “Lần đầu tiên ở Đồng Nai Thượng, chúng em đã phát hoảng vì chứng kiến một phụ nữ đã trùm váy ngồi tự đỡ cho mình. Không một ai được lại gần lúc đó. Những phụ nữ ở đây không ai chịu tới trạm y tế để sinh mà “cố thủ” ở những chiếc chòi lá bên suối. Chứng kiến những điều không có trong giáo trình học tập, bọn em tự động viên mình phải cố làm gì đó để thay đổi nhận thức của đồng bào nơi đây”.
 
Hai em bé K’Ho ở Đồng Nai Thượng
Hai em bé K’Ho ở Đồng Nai Thượng

Buổi trưa ở Cát Tiên trời nắng và nóng muốn rám da mặt, tôi gọi cà phê đá để giảm nhiệt cả câu chuyện và thời tiết. Tuy nhiên “bà mụ” vẫn xoay xoay ly đá, đưa lên đưa xuống mấy lần nhưng không uống nổi. Có lẽ cả một thời gian khó, sống chết hiện về cả chuỗi dài không dứt. Chị trải lòng “Trước những cái chết thương tâm của những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời trong chiếc chòi lá bên suối, Trạm Y tế đã tìm đủ cách để thay đổi những tập tục của bà con. Nhưng rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, bà con ở đây nhiều năm sống biệt lập với cuộc sống bên ngoài nên họ không biết tiếng Kinh. Thế là, chúng tôi nhờ cán bộ xã làm phiên dịch đến từng nhà vận động, trong đó có Bí thư xã đoàn Điểu K’Giá người vừa dẫn anh đến nhà em”.
 
Cuối cùng thì chị cũng uống được vài hớp cà phê. Chị tiếp tục “Để thay đổi tập tục thì không chỉ đi một vài lần mà phải rất nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Từ đó, bọn em cứ đi bộ hết buôn này qua buôn khác, ai ốm đau bệnh tật gì, dù ở xa xôi đến mấy bọn em cũng tìm đến để cứu chữa. Phải mất trên 5 năm bà con mới tin tưởng vào cán bộ y tế rồi dần bỏ đi những tập tục lạc hậu. Khi sinh nở, nếu không đến được trạm y tế, người nhà sản phụ cũng tới báo để cán bộ y tế đến tận nhà đỡ đẻ. Hàng tháng, bà con cũng đưa trẻ tới tiêm chủng theo đúng định kỳ. Bên cạnh việc sinh đẻ, hàng tháng các cán bộ của trạm đến từng nhà tuyên truyền cho bà con nhận thức về việc phòng chống dịch bệnh bằng giải pháp ăn chín uống sôi”.
 
Hiện nay, trạm y tế xã hàng ngày không chỉ các chị em có mang đến khám định kỳ mà còn là nơi gởi gắm tình trạng sức khỏe của mọi người. Có được thành công như ngày hôm nay, ngoài khả năng chuyên môn của các cán bộ y tế, còn có sự quyết tâm vào cuộc của Đảng ủy, Ủy ban và các ban, ngành. Vì tập tục không phải một sớm một chiều có thể từ bỏ được. Nhớ buổi sáng gặp được chị Ka Nhen, người có khung chậu hẹp không sinh được nên bà con cáng ra thị trấn cả ngày đường. Tôi hỏi “Lúc 22 tuổi chị sinh ra bé Ka Nhàn phải nhờ bà con khiêng cáng ra huyện, chị còn nhớ không”. “Nhớ chớ, không có bà mụ Tâm đề nghị khiêng đi, chắc hồi đó chết rồi còn đâu!”.
 
Trong thời gian 10 năm vợ cùng chồng là y sỹ Lê Văn Hùng sống và làm việc tại Đồng Nai Thượng, cả anh lẫn chị đã đỡ không biết bao nhiêu đứa trẻ chào đời mạnh khỏe, cứu sống bao sản phụ nhờ bàn tay mềm mại của chị và sự quyết đoán của anh. Tuy nhiên, không ít lần khi đỡ đẻ xong, nhìn sản phụ bế con về, chị lại thấy buồn. Vì ngôi nhà riêng của mình vẫn vắng tiếng khóc cười của trẻ con. 
 
 * * *
 
Trước lúc chia tay, tôi xin phép hỏi về chuyện riêng. Chị đưa mắt nhìn xuống đất trong khắc khoải “Vợ chồng em đã chia tay, anh Hùng cũng có người cùng chia sẻ nhưng vẫn không có con. Em cũng đã làm mẹ đơn thân, có một cháu. Dù vậy, nhiều đêm dài, em vẫn trằn trọc về hạnh phúc dang dở, thầm mong giá như có thể có cơ hội hàn gắn lại... Ở mảnh đất Đồng Nai Thượng, chúng em đã chia sẻ biết bao buồn vui, đã cùng đón bao đứa trẻ - con của đồng bào chào đời. Nơi ấy, một thời tuổi xuân của chúng em vẫn còn ở lại...”.
 
Phóng sự: Trần Đại