Bưu điện Lâm Đồng "vượt lên chính mình"

08:05, 30/05/2016

Tập thể cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh đã hợp lực thích nghi với thị trường, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kinh doanh có lãi.

Nỗ lực vượt qua khó khăn kể từ khi chia tách khỏi Viễn thông vào năm 2008, tập thể cán bộ, công nhân viên Bưu điện Lâm Đồng đã hợp lực thích nghi với thị trường, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kinh doanh có lãi.
 
Khách hàng đến giao dịch tại Bưu điện Lâm Đồng. Ảnh: VĂN BÁU
Khách hàng đến giao dịch tại Bưu điện Lâm Đồng. Ảnh: VĂN BÁU

Theo bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, năm 2008 có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Bưu điện khi Bưu chính và viễn thông chia tách và Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cũng không là ngoại lệ. Bởi ở thời điểm đó, lao động của Bưu điện chiếm 50%, nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 5-7% tổng doanh thu của ngành. Trước khó khăn này, tinh thần vượt lên chính mình của mỗi một cá nhân được coi là quan trọng nhất. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bưu điện đã mời các chuyên gia đến nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm giúp cán bộ, nhân viên của toàn cơ quan vững vàng, không dao động. Đồng thời, Đảng ủy Bưu điện tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng việc chỉ đạo cho các chi bộ phân công đảng viên, chuẩn bị nội dung các mẩu chuyện về Bác để kể chuyện và tổ chức trao đổi, thảo luận trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, đặc biệt chú trọng đến việc liên hệ qua thực tiễn công việc hàng ngày của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên, gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. 
 
Chính vì vậy, nếu như thời gian đầu khi mới chia tách, Nhà nước phải hỗ trợ hầu như toàn bộ chi phí thì 5 năm trở lại đây, đơn vị đã dần “đứng trên đôi chân của mình”, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 2011, doanh thu đạt 123 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm; năng suất lao động bình quân đạt 171 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3% so với năm 2010. Năm 2015, doanh thu đạt 131 tỷ đồng, bằng 104,7% kế hoạch năm; năng suất lao động bình quân đạt 218 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6% so với năm 2014... Bên cạnh đó, Ban giám đốc cũng bắt tay vào sắp xếp đội ngũ sản xuất, tinh giản đội ngũ quản lý chỉ còn một nửa bằng cách nhập bưu điện khu vực vào thời điểm ấy (hiện do nhu cầu thị trường và dịch vụ, bưu điện được tổ chức lại theo từng địa phương) và tăng cường tiết giảm các chi phí bằng việc tổ chức họp trực tuyến, tập huấn chuyên môn qua mạng... Đồng thời, đa dạng hóa dịch vụ ở cả hai mảng là chuyển phát và tài chính. Về chuyển phát, Bưu điện đẩy mạnh các dịch vụ hành chính công như chuyển phát các loại giấy tờ: CMND, cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ lý lịch tư pháp, hồ sơ Bảo hiểm xã hội... không chỉ giúp góp phần tăng doanh thu cho đơn vị mà còn giúp nhân dân giảm chi phí và thời gian đi lại. Cùng đó, ở mảng tài chính là việc đa dạng hóa các dịch vụ như: cho vay hưu trí; chuyển tiền; gửi tiết kiệm bưu điện; cung cấp lịch, sách giáo khoa, bán bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm y tế... 
 
Song song với đó, phong trào thi đua yêu nước cũng luôn được Đảng ủy Bưu điện chú trọng đẩy mạnh. Theo đó, đơn vị thường xuyên phát động thi đua theo chuyên đề và mang tính định kỳ như thi đua về đích trong các đợt cao điểm, tính hiệu quả về năng suất hay thời gian thực hiện của nhân viên về dịch vụ cụ thể... Ngoài thưởng “nóng”, việc “Nêu tên bảng vàng” đối với CBCNV có thành tích xuất sắc đã kịp thời động viên những cá nhân có nhiều cố gắng trong công tác, trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống và tạo điều kiện để đảng viên, quần chúng tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 
 
Về việc phát hành báo, tạp chí - một kênh truyền thống của Bưu điện, theo bà Phạm Thị Ngọc, cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy từ Chỉ thị số 32- CT/TU “Về việc nâng cao hiệu quả mua và đọc báo, tạp chí của Đảng” (ban hành ngày 27/5/2015), lượng phát hành báo, tạp chí đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đó, chỉ có dưới 60% số tổ chức cơ sở Đảng đặt mua báo thì đến nay, sau 1 năm, tỷ lệ này đã tăng lên trên 80%. Mục tiêu mà cơ quan chức năng đưa ra là đến hết năm 2016, sẽ có 100% tổ chức cơ sở Đảng đặt mua báo, tạp chí của Đảng. Ngành Bưu điện đang nỗ lực đưa báo đủ với thời gian sớm nhất đến tay bạn đọc, kịp thời chuyển thông tin đến với đông đảo độc giả.
 
Nhờ chú trọng sử dụng chi phí hợp lý, hiệu quả, qua 5 năm, Bưu điện tỉnh đã tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng chi phí sản xuất tăng. Các loại chi phí giảm mạnh nhờ tiết kiệm được là: Chi phí lễ tân, khánh tiết, văn phòng phẩm, điện, nước, công tác phí... Các chế độ chính sách đối với người lao động luôn được Đảng ủy Bưu điện chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống CBCNV, người lao động được cải thiện và nâng cao, thu nhập duy trì ổn định và có mức tăng trưởng qua từng năm. Các hoạt động xã hội, từ thiện cũng được đẩy mạnh như: phụng dưỡng mẹ VNAH, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ công nhân lao động nghèo, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa... với tổng số tiền ủng hộ, đóng góp trên 3 tỷ đồng... 
 
Bưu điện Lâm Đồng cũng là đơn vị đi đầu trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Hệ thống các điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn toàn tỉnh luôn được Đảng ủy chỉ đạo tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp với các điểm giao dịch, bưu cục đáp ứng và đảm bảo tốt nhất các điều kiện phục vụ, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân... 
 
Giai đoạn 2011-2015, Bưu điện Lâm Đồng được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước, được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ thi đua xuất sắc và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đảng bộ Bưu điện cũng liên tục được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh ủy, Đảng ủy khối tặng bằng khen, giấy khen... Và năm 2013, Đảng ủy Bưu điện tỉnh đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với thành tích trong việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Thy Vũ