Nữ cán bộ làm tốt công tác dân vận

08:05, 30/05/2016

Về thôn Liên Hòa, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà ai cũng biết đến người nữ cán bộ làm dân vận khéo Hoàng Thị Mòi. Bởi chị Mòi luôn thể hiện tinh thần gương mẫu, trách nhiệm và đặc biệt luôn lấy tư tưởng, tấm gương của Bác làm nòng cốt trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Bà Hoàng Thị Mòi - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Liên Hòa
Bà Hoàng Thị Mòi - Trưởng Ban
công tác Mặt trận thôn Liên Hòa
Về thôn Liên Hòa, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà ai cũng biết đến người nữ cán bộ làm dân vận khéo Hoàng Thị Mòi. Bởi chị Mòi luôn thể hiện tinh thần gương mẫu, trách nhiệm và đặc biệt luôn lấy tư tưởng, tấm gương của Bác làm nòng cốt trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
 
Do địa bàn thôn có nhiều con suối đi qua khu dân cư và khu sản xuất, nên việc đi lại vào mùa mưa rất vất vả đối với đồng bào Tày, Nùng, Thái… nơi đây. Không thể cứ trông chờ mãi vào ngân sách nhà nước được, chị Hoàng Thị Mòi - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã bàn bạc với các đồng chí trong ban, các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân thống nhất xin ý kiến cấp ủy địa phương và lên kế hoạch vận động nhân dân. 
 
Bước đầu chị Mòi cùng anh em cán bộ trong thôn đi vận động bà con góp gỗ làm cầu, nhưng gỗ lâu ngày vẫn bị mục nát, hư hỏng nhanh do mưa gió, bão. Chị lại tìm cách vận động nhân dân góp tiền xây cầu bằng bê tông, sắt thép với số tiền vận động được trên 164 triệu đồng. Từ số tiền ít ỏi này, cộng với ngày công lao động của bà con nhân dân trong thôn, Liên Hòa đã hoàn thành được 3 cây cầu (một cây cầu nội thôn và 2 cây cầu dẫn vào khu sản xuất). Từ đây, việc vận chuyển phân bón và nông sản đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Bà con rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.  
 
Thôn Liên Hòa là một thôn nghèo đặc biệt khó khăn của huyện, nhưng những năm gần đây do công tác tuyên truyền, vận động tốt nên đã phát huy được tình đoàn kết giữa các dân tộc nơi đây. Bà con nhân dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây ngắn ngày sang cây lâu năm, từ cây kém năng suất, chất lượng sang cây trồng chủ lực là cà phê và dâu tằm. Đến nay, năng suất cây trồng ngày một tăng lên, đời sống nhân dân ngày một ổn định và đi lên, nhiều hộ trở thành khá, giàu.
 
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Mòi cho biết: Dự án xây hội trường thôn đã được Nhà nước đầu tư, tuy nhiên, chưa có đường dẫn vào hội trường thôn. Đây là cái khó của thôn, vì nhân dân đã hiến đất làm hội trường rồi. Lúc này, chúng tôi lại vận dụng cách làm sáng tạo bằng cách quyên góp vận động tiền để mua đất làm đường dẫn vào hội trường thôn. Bằng cách vận động tuyên truyền cụ thể, chủ yếu là khơi dậy tình đoàn kết như Bác Hồ vẫn từng mong muốn: “… chúng ta đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lai hay Ê Đê… đều có chung một dòng máu và phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau”. Vì vậy, lâu dần bà con cũng hiểu và nhận thức rõ nên đều tự nguyện đóng góp được trên 30 triệu đồng vừa mua đất làm đường dẫn vào hội trường, vừa mua bàn ghế để phục vụ cho nhân dân sinh hoạt, hội họp vào những ngày trọng đại của đất nước. Tất nhiên, mọi cơ sở vật chất chỉ là tương đối, đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt thôi. Điều tôi cảm nhận rõ hiệu quả trong cách vận động, tuyên truyền nơi đây, chính là ở sự chân thành, ở tinh thần trách nhiệm vì dân của người cán bộ Hoàng Thị Mòi. Việc tuyên truyền, vận động tốt còn được thể hiện ở việc tiết kiệm nước ngay chính tại một thôn nghèo của xã Phi Tô. Tuy có nhiều con suối chảy về thôn, nhưng với trên 90% diện tích cà phê nên việc thiếu nước còn xảy ra vào mùa khô. Việc nạo vét kênh mương, xây dựng ao hồ trữ nước, chia sẻ nguồn nước với nhau giữa các hộ dân trong mùa khô được bà con nơi đây thực hiện rất tốt. 
 
Không dừng lại ở đó, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do đặc điểm của thôn có nhiều ngõ hẻm và khu vực sản xuất đi xa nhà, nền đất yếu đi lại khó khăn. Ban công tác Mặt trận thôn cùng các đoàn thể chính trị đã vận động từ năm 2014 đến nay được 182 triệu đồng, với sự đóng góp 380 ngày công lao động nên đã hoàn thành việc tu sửa, mở rộng tuyến đường, ngõ hẻm trong thôn. Đến nay, cơ bản các tuyến đường nội thôn đã đảm bảo điều kiện đi lại thuận tiện hơn trước.
 
Tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Tày, Nùng, Thái nơi đây đã được thể hiện rõ nét trong mọi hoạt động từ sản xuất đến sinh hoạt hàng ngày. Đấy chính là niềm tự hào của Liên Hòa hôm nay, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nữ cán bộ dân vận khéo Hoàng Thị Mòi. Chị đã vinh dự được Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tuyên dương khen thưởng nhiều năm liền vì thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận. Và, mới đây chị cũng là điển hình của tỉnh trong thực hiện tốt lời dạy của Bác trong “Thư chung Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, năm 1946”.
 
HÀ NGUYỆT