Sơn Ca vẫn hát

08:06, 21/06/2016

Đảo Sơn Ca nằm giữa muôn trùng sóng Biển Đông, cách đất liền hơn 300 hải lý. Đảo chỉ có nắng rát mặt người, rát cả những đôi vai trần, rát làn da sạm màu gió muối. Các phóng viên đã đến với đảo bằng cả tấm lòng để sẻ chia…

Đảo Sơn Ca nằm giữa muôn trùng sóng Biển Đông, cách đất liền hơn 300 hải lý. Đảo chỉ có nắng rát mặt người, rát cả những đôi vai trần, rát làn da sạm màu gió muối. Các phóng viên đã đến với đảo bằng cả tấm lòng để sẻ chia…
 
Đêm văn nghệ ở đảo Sơn Ca
Đêm văn nghệ ở đảo Sơn Ca

Tác nghiệp ở Sơn Ca
 
Đảo Sơn Ca nằm trong khu vực “căng thẳng”, gần đảo Ba Bình (đảo lớn nhất Trường Sa) đã bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp từ thập niên 40-50, bên cạnh là đá Ga Ven bị Trung Quốc chiếm đóng vào thập niên 80. Đảo Sơn Ca cùng Đá Thị, Nam Yết đã tạo thành thế “kiềng 3 chân” vững chắc ở quần đảo Trường Sa. 
 
Vào những ngày cuối năm, gần 100 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí khắp cả nước, đã tham gia đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức làm nhiệm vụ thay thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2015. Đây là chuyến công tác được tổ chức đều đặn hàng năm. Đoàn công tác chia làm 3 hướng đến với các đảo ở tuyến Bắc, tuyến Nam và tuyến giữa của quần đảo Trường Sa. Đoàn phóng viên Báo Lâm Đồng có mặt trong đoàn đi tới các đảo ở tuyến Bắc của quần đảo này. Qua Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, chúng tôi có mặt ở Sơn Ca. Những chiếc xuồng chuyển tải đưa phóng viên vào đảo. Máy quay, máy tính, máy ảnh được bọc kỹ càng trong các bao tải để tránh nước biển. Các phóng viên “ôm” máy móc như chiến sỹ ôm súng,  đi trên cầu cảng và hân hoan, xúc động trong tiếng gọi, nụ cười và cả những cái vẫy tay của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. 
 
Vừa lên tới đảo, chưa kịp nghỉ ngơi, các phóng viên đã nhanh chóng tác nghiệp bởi chúng tôi chỉ nán lại ở hòn đảo này trong vòng 2 ngày. Cuộc họp quán triệt nội dung làm việc của đoàn công tác, với phóng viên và chỉ huy đảo nhanh chóng được tổ chức. Những đề tài được các phóng viên nhanh chóng đăng ký. Nếu như đoàn phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam say sưa với mảng đề tài tăng gia sản xuất, thì phóng viên Báo Quân đội Nhân dân quan tâm tới công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phóng viên Báo Khánh Hòa tìm hiểu về tổ tư vấn tâm lý, phóng viên Báo Lâm Đồng lại khai thác đề tài về bác sỹ quân y ở Sơn Ca... Những người lính ở Sơn Ca vẫn mệt mài huấn luyện chiến đấu, xây dựng công sự, tăng gia sản xuất... Các phóng viên nhà báo say sưa tác nghiệp. Mỗi người một nhiệm vụ song vẫn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong tình cảm và kỷ luật. Hai ngày trôi qua nhanh như chớp mắt, khi những người làm báo và những người chiến sỹ kịp hiểu nhau hơn thì cũng đã đến lúc đoàn công tác phải rời đảo để đảm bảo hải trình. Trước đêm chia tay, đảo Sơn Ca đã thực sự có tiếng sơn ca. Tiếng sơn ca ấy chính là lời ca tiếng hát đầy tâm tình của cán bộ chiến sỹ trên đảo và các phóng viên báo chí.
 
“Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”
 
Theo đề nghị của các phóng viên, đoàn công tác đã lên kịch bản cho đêm ca nhạc. Chỉ trong một ngày, mọi việc đã được hoàn thành. Chị Ánh Hồng - đoàn Báo Gia Lai đảm nhận nhiệm vụ dẫn chương trình. Chị vừa tác nghiệp, vừa tranh thủ viết kịch bản dẫn và tập dẫn. Phóng viên các báo vừa tác nghiệp vừa hội ý chọn bài và vừa tranh thủ tập hát những khi có thể. “Mọi công tác chuẩn bị đều diễn ra tranh thủ nhưng ai cũng háo hức mong chờ đến đêm diễn để nhà báo và chiến sỹ cùng hát cho nhau nghe”, Vĩnh Thành - phóng viên Báo Khánh Hòa cười, tâm sự. 
 
Đêm văn nghệ bắt đầu lúc 19 giờ. Sân khấu được dựng ngay cột mốc chủ quyền. Trước sân khấu, đông đủ cán bộ, chiến sĩ chỉnh tề trang phục, háo hức chờ đợi chương trình. Đúng tác phong quân nhân, các chiến sỹ đã mở màn trước. Những ca khúc trầm hùng như “Vì nhân dân quên mình”, “Tổ quốc gọi tên mình” hay những tình khúc ngọt ngào như  “Nơi đảo xa”, “Trường Sa đó là nhà”... lần lượt được cất lên để khẳng định “biển này là của ta, đảo này là của ta”. 
 
Những người lính ngày cầm súng đứng gác, cầm xẻng đào hầm hào công sự đêm về cứ ca hát say mê. Hình ảnh ấy của những người chiến sỹ tựa như lời thơ “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. 
 
“Không cầm nổi lòng mình rồi”, anh Phương - đoàn Truyền hình Gia Lai thốt lên. Những người lám báo - vốn hiên ngang đối đầu trên mọi mặt trận giờ lại bối rối, thấp thỏm không yên, hồi hộp, háo hức đợi đến phần biểu diễn của mình. Họ bên nhau hát chung bài “Đồng đội” hay hát những ca khúc riêng của quê hương mình. Phóng viên Báo Thái Bình như tâm tình qua bài hát “Nắng ấm quê hương”, phóng viên Đài Truyền hình Bình Định nồng nàn trong ca khúc “Bình Định quê hương tôi”, “Nha Trang ngày về” của phóng viên Báo - Đài truyền hình Khánh Hòa như lời động viên hẹn ngày gặp lại đối với những người con xứ biển đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa...
 
Anh Ma Ngọc Hưng - phóng viên Báo Tuyên Quang nói: “Mình từ phía Bắc của tổ quốc ra đây với các chiến sỹ Trường Sa, chẳng có gì làm quà nên mang lời ca tiếng hát để các anh cảm thấy hơi ấm quê hương, cho vơi nỗi nhớ nhà. Phóng viên trong phút chốc đã trở thành “ca sĩ”. Họ say mê hát, ngập tràn trong tình cảm chân thành. Nhưng bài hát kết thúc, họ vẫn không quên trở về với máy quay, máy ảnh để tác nghiệp và để hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình cũng có cơ hội được hát. 
 
Và có lẽ, những người lính Trường Sa, các anh cũng cảm nhận được nhiều hơn những tình cảm sâu đậm của đất liền. Tình cảm đó sẽ làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biển của Tổ quốc. Ai cũng muốn đêm kéo dài để bên nhau hát mãi, nhưng nhiệm vụ canh giữ biển đảo là thiêng liêng nhất. Các chiến sỹ trở về làm nhiệm vụ. 
 
Đêm Sơn Ca, những chiến sỹ đứng trong màn đêm ôm súng giữ biển trời tổ quốc. Và những người làm báo cũng chưa ngủ. Họ vẫn chong đèn, gõ từng con chữ để chuyển về đất liền tình cảm của Trường Sa. Lúc này đây, những người làm báo ngập trong thực tiễn và cảm xúc để kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa đảo với bờ...
 
Ngọc Ngà