Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ở Lâm Đồng

08:07, 25/07/2016

69 năm qua, kể từ ngày 27/7/1947 - Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta...

69 năm qua, kể từ ngày 27/7/1947 - Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta. Các chính sách này đã đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Tưởng nhớ các liệt sỹ. Ảnh: Phan Nhân
Tưởng nhớ các liệt sỹ. Ảnh: Phan Nhân
Lâm Đồng hiện có gần 40.000 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách người có công, trong đó có 5.050 gia đình liệt sĩ, 275 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (có 43 mẹ còn sống), 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (còn sống 3), 3.939 thương binh, 1.976 bệnh binh, 94 cán bộ lão thành cách mạng, 120 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.101 người có công với cách mạng, 20.500 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 2.555 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 845 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. 
 
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, địa phương đã quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, động viên được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách. Trước hết là việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang. Đến nay, toàn tỉnh có 3 nghĩa trang liệt sĩ; trong đó có 1 nghĩa trang cấp tỉnh, 2 nghĩa trang cấp huyện với tổng số gần 3.500 mộ liệt sĩ và hàng chục nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã anh hùng trong toàn tỉnh. Các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Lâm Đồng được xây dựng khang trang, là những công trình văn hóa, lịch sử của địa phương. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét giải quyết việc xác nhận liệt sỹ, thương binh, thanh niên xung phong, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, lập thủ tục đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chế độ thờ cúng liệt sĩ, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, giảm nghèo... đã thực sự động viên, hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng... 
 
Thực hiện chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với nguồn lực từ các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH đã cùng các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thực hiện và vận dụng các chính sách như: ưu tiên trong việc thuê hoặc mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp đất sản xuất, đất thổ cư, mặt bằng kinh doanh, miễn giảm thuế nhà đất, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế... nhằm tạo điều kiện cho các gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời thực hiện nội dung này trong triển khai thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội hàng năm. 
 
Đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước. Mỗi năm, Lâm Đồng thực hiện việc chi trả định suất và các khoản trợ cấp khác cho các gia đình thuộc diện chính sách và người có công trên 238 tỷ đồng/năm, trong đó: chi trả trợ cấp hàng tháng trên 197 tỷ đồng/năm (bình quân khoảng 16,4 tỷ đồng/tháng). Công tác này được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, chưa để xảy ra sai sót. Nhân các ngày lễ, tết trong năm, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên các đối tượng có công với đất nước từ nguồn ngân sách của tỉnh, bình quân khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm. Hoạt động nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Lâm Đồng thời gian qua chính là việc vận động nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể của tỉnh, với UBND các huyện, thành phố vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa mỗi năm được trên 4 tỷ đồng để xây dựng mới từ 100 đến 120 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa trên 100 căn nhà tình nghĩa mỗi năm. 
 
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể, địa phương đã có nhiều hình thức giúp đỡ các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống như: trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị, địa phương nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời và hỗ trợ thêm ngoài tiêu chuẩn của nhà nước từ 1.000.000 đồng/tháng/mẹ trở lên. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh đến cơ sở cũng đã thực hiện tốt các chế độ ưu đãi khác cho đối tượng, gia đình chính sách như: hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo, mỗi năm bình quân chi trả cho khoảng 2.200 học sinh, sinh viên với số tiền trên 10 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục đào tạo đều thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, thi tuyển. Các tổ chức kinh tế - xã hội đều có các hình thức thăm hỏi, tặng quà nhân Ngày Thương binh liệt sĩ, lễ, tết. Thực hiện mua Bảo hiểm y tế cho hơn 10.000 đối tượng, với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng/năm. Trang bị, cung cấp dụng cụ chỉnh hình hàng năm cho trên 200 đối tượng thương binh.
 
Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng được Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công với quy mô 80 giường, ở một không gian đẹp tại thành phố Đà Lạt, đã đáp ứng được nhu cầu điều dưỡng luân phiên của các đối tượng trong tỉnh và thu hút nhiều đối tượng chính sách của các tỉnh lân cận về nghỉ dưỡng, kinh phí điều dưỡng chi cho người có công hàng năm trên 6 tỷ đồng. Riêng năm 2015 tổ chức điều dưỡng cho 41 đoàn, điều dưỡng tổng số 2.654 người. Trong đó: đối tượng ngoài tỉnh 2.254, đối tượng trong tỉnh 400. Các đối tượng điều dưỡng tại Trung tâm đều đánh giá tinh thần thái độ phục vụ tốt; đảm bảo khẩu phần ăn cũng như được tham quan, khám sức khỏe theo quy định và được chăm sóc tận tình, chu đáo. Để nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác điều dưỡng, chăm sóc người có công và thân nhân được tốt hơn, Bộ Lao động đã phê duyệt dự án đầu tư Trung tâm Điều dưỡng người có công giai đoạn 2 thêm 4 khối nhà với tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2016.
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó đối với đất nước, nhân dân và dân tộc ta nói chung, với các đối tượng chính sách nói riêng còn rất nặng nề. Những tồn đọng về chính sách cần phải tiếp tục giải quyết sau chiến tranh còn rất lớn; tính chất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng; tiếp tục nghiên cứu một cách cụ thể, tỉ mỉ và có những chủ trương, giải pháp thực hiện khoa học nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước.
 
LÊ VÂN