Để đội ngũ trí thức phát huy năng lực

09:07, 13/07/2016

Với sự có mặt của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, nhiều cán bộ được đào tạo bài bản…; Lâm Đồng có một đội ngũ trí thức đông đảo sinh sống và làm việc trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đội ngũ trí thức này phát huy được vai trò và năng lực của mình trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

Với sự có mặt của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, nhiều cán bộ được đào tạo bài bản…; Lâm Đồng có một đội ngũ trí thức đông đảo sinh sống và làm việc trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đội ngũ trí thức này phát huy được vai trò và năng lực của mình trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
 
Sản xuất Đông trùng hạ thảo ở một trung tâm thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng
Sản xuất Đông trùng hạ thảo ở một trung tâm thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng
Mới chỉ tập hợp được 1/4 trí thức trên địa bàn
 
Theo ông Ngụy Xứng Hùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Lâm Đồng, Lâm Đồng hiện đang có một đội ngũ trí thức khá hùng hậu, vượt trội hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, trừ Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng - các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Trong số này, trí thức hoạt động ngoài nhà nước chiếm 59%, kể cả trí thức đã về hưu.
 
Đội ngũ này có được là do đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng. Đà Lạt từ lâu vốn đã là một thành phố qui tụ đông đảo trí thức đến sinh sống và làm việc với rất nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo lớn của phía Nam đặt tại đây. Hiện nay, Lâm Đồng - Đà Lạt có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng đang hoạt động, cùng đó là rất nhiều viện nghiên cứu lớn của Trung ương và khu vực đóng trên địa bàn, hàng năm, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu đào tạo hàng chục nghìn nhân lực và sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học và các bậc học sau đại học rất nhiều người đã chọn ở lại làm việc, sinh sống tại Lâm Đồng, bổ sung đáng kể vào đội ngũ trí thức của tỉnh.
 
Có thể kể đến nhiều lĩnh vực trí thức Lâm Đồng đóng góp công sức không nhỏ vào sự thành công của tỉnh như hôm nay. Tiêu biểu như trong lĩnh vực khoa học cơ bản, đội ngũ cán bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu sản xuất thành công trên 30 loại đồng vị phóng xạ phục vụ trong nhiều lĩnh vực công nông nghiệp, y tế với trên 25 bệnh viện trong nước sử dụng hóa dược phẩm của Viện cho cuộc chiến chống ung thư. Viện Pasteur Đà Lạt (nay là Cty TNHH MTV Văc - xin Pasteur Đà Lạt) cũng nghiên cứu điều chế nhiều loại văc xin mới cho y học…
 
 Đặc biệt, trong nông nghiệp công nghệ cao, một lĩnh vực mà Lâm Đồng đang đi đầu trong cả nước hiện nay, đội ngũ trí thức địa phương đã phát huy vai trò của mình rất tốt khi nghiên cứu, lai tạo hàng trăm loại hoa, rau các loại, nhiều giống chè cao sản, giống tằm mới, các giống nấm mới… có giá trị cao trong sản xuất. Toàn tỉnh hiện có trên 43 nghìn ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 58 cơ sở sản xuất nuôi cấy mô hầu hết do các trí thức tư nhân đầu tư, hằng năm sản xuất trên 32 triệu cây giống cho nhà vườn. Nhiều trí thức đầu tư xây dựng trang trại trồng rau, hoa, cà phê, cây công nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống trước đây.
 
Liên hiệp Hội, theo ông Hùng, trong nhiều năm liền với vai trò của mình đã làm công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến nay, Liên hiệp Hội đã tập hợp hơn 40 tổ chức thành viên, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp nhà nước; tham gia tư vấn phản biện xã hội; biên soạn tài liệu phổ biến kiến thức khoa học công nghệ (KHCN), tổ chức các cuộc thi KHCN, tổ chức giải thưởng KHCN cấp tỉnh hằng năm…
 
“Đội ngũ trí thức Lâm Đồng có rất nhiều hoạt động, đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, trong truyền bá tri thức, trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, trong đào tạo nhân lực, cung cấp nhiều luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương” - ông Hùng đánh giá. 
 
Tuy nhiên như ông Hùng thẳng thắn, số lượng trí thức KHCN của tỉnh do Liên hiệp Hội tập hợp đến nay cũng mới chỉ đạt khoảng 26% trên tổng số trí thức toàn tỉnh.
 
Để đội ngũ trí thức phát huy năng lực 
 
Trước nhất, theo ông Hùng, tỉnh cần đổi mới phương thức tập hợp, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, từng lĩnh vực; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp của trí thức, đặc biệt là vai trò của Liên hiệp Hội và Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng trong vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy đội ngũ trí thức; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội. Cùng đó, tỉnh cũng cần rà soát lại các chính sách hiện có, ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp để trí thức phát huy khả năng lao động sáng tạo của mình; định kỳ xét chọn và khen thưởng kịp thời, xứng đáng các công trình khoa học công nghệ mang lại giá trị lớn cho tỉnh; trọng dụng và tôn vinh trí thức có nhiều đóng góp thiết thực hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
 
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, theo ông Hùng tỉnh cần tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức khoa học kỹ thuật; chú ý đến đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số địa phương; ưu tiên công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, cán bộ phục vụ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình trọng tâm phát triển KT- XH của địa phương trong điều kiện mới.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Mão, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nhân lực nhân tài Lâm Đồng, tỉnh nên khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ các hội KHCN chuyên ngành hoạt động, vì chính các hội sẽ là nơi tập hợp, đoàn kết vận động, phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức về hưu. Sự ủng hộ này cần được bắt đầu từ thay đổi nhận thức, quan điểm và các chính sách cụ thể trong đó có vấn đề công bằng, dân chủ. 
 
Cũng theo ông Mão, tỉnh cũng nên mạnh dạn đặt hàng nghiên cứu, yêu cầu Liên hiệp Hội và các hội thành viên tư vấn phản biện về các vấn đề tỉnh quan tâm và có nhu cầu; ủng hộ và tạo điều kiện cho các hội chuyên ngành đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học. Việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh hằng năm cần công khai, minh bạch, các hội cần được biết vì sao đề xuất của mình không được chấp nhận.
 
VIẾT TRỌNG