Mối tình thầm lặng của "Người con gái Việt Nam"

08:07, 27/07/2016

Tháng Bảy không giống với những tháng khác trong năm, đó là khi hầu hết mọi vùng quê, thành thị trên dải đất chữ S đều nóng rẫy. Cái nóng đến từ thiên nhiên của những ngày cuối hè. Còn có những cháy bỏng khác từ một ngày đặc biệt - Ngày Thương binh, liệt sỹ. 

Tháng Bảy không giống với những tháng khác trong năm, đó là khi hầu hết mọi vùng quê, thành thị trên dải đất chữ S đều nóng rẫy. Cái nóng đến từ thiên nhiên của những ngày cuối hè. Còn có những cháy bỏng khác từ một ngày đặc biệt - Ngày Thương binh, liệt sĩ. Và những ngày này, tôi được nghe một câu chuyện thật đẹp về thương binh - AHLLVT Trần Thị Lý - nhân vật trong bài thơ xúc động “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu.
 
Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây, là mây hay là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông. Thịt da em hay là sắt là đồng?” - Là những câu thơ cảm động về chị Lý mà nhiều thế hệ trẻ Việt Nam thuộc nằm lòng với nhiều xúc cảm đặc biệt.
 
Tình yêu thầm lặng bên án tử
 
Bác Lê Quang Vịnh
Bác Lê Quang Vịnh
Tôi có dịp được gặp bác Lê Quang Vịnh, nguyên “thủ lĩnh” sinh viên học sinh Sài Gòn Gia Định trước năm 1975, nghe bác kể về mối tình thầm lặng của chị Lý và bác. Vào năm 1958, chị Lý bị bắt ở Quảng Nam, được bí mật đưa vào Sài Gòn. Trong những ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, chị làm công tác giao liên của Liên khu 5, nhận lệnh từ cấp trên, tìm gặp Lê Quang Vịnh để bắt mối kết nối cho các cán bộ tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh, sinh viên. Trong một chuyến Lê Quang Vịnh đi họp, chị Trần Thị Lý tìm tới gặp. Hai người quen biết nhau trong quá trình công tác. 
 
Đó là thời gian sau khi chị Lý bị giặc bắt, tra tấn bằng những đòn dã man tới mức “thân tàn ma dại”. Hơi thở chị yếu tới mức, nhìn qua tưởng như đã tắt thở. Chị bị vứt ra bãi nghĩa địa bên nhà xác của địch. Đồng đội chị tranh thủ buổi tối đến đánh cắp cái xác ấy về. Chị chỉ còn nặng 26 kg ở tuổi thanh xuân. Chính đồng đội chị là những người đầu tiên chăm từng muỗng cháo, hớp nước, kéo Người con gái Việt Nam “Từ cõi chết, em trở về, chói lọi”.
 
Về sau, chị Lý được đồng đội đưa vòng qua Campuchia để ra Bệnh viện Việt Xô chăm sóc sức khỏe (Nơi nhà thơ Tố Hữu gặp chị và viết bài Người con gái Việt Nam). Chỉ một thời gian ngắn gặp mặt, chị đem lòng quý mến người thanh niên Lê QuangVịnh, lúc ấy vừa là một giáo sư (dạy ở Trường Petrus Ký - Sài Gòn) ngoài 20 tuổi, nổi tiếng về hoạt động đấu tranh trong giới trí thức trẻ ở Sài Gòn. Lê Quang Vịnh còn là người hiểu biết rộng, lịch lãm, có nhiều biệt tài như viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc… Lê Quang Vịnh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành, Trưởng Ban cán sự sinh viên. Lực lượng vũ trang thanh niên, sinh viên đã tiến hành nhiều trận đánh như ném lựu đạn MK2 vào xe tuần tiễu giết chết 8 tên lính dù ngụy; đốt cháy một kho xăng của quân đội ngụy, ném thủ pháo vào xe chở Đại sứ Mỹ Nolting, giết hụt tên này; đánh vào cư xá Mỹ; phục kích diệt tên đại tá cố vấn chỉ huy xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất . Năm 1962, ông bị kết án tử hình và đưa ra Côn Đảo, chị Lý đã đưa tấm hình chân dung Lê Quang Vịnh cho bác Phạm Văn Đồng xem, nói: “Đây là người con thương”. Phía sau tấm hình ấy ghi: Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh”. Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi. Tình yêu thương ấy bất chấp án tử hình dành cho người trai trẻ, cùng chị Lý qua những ngày thanh xuân gian truân khắc nghiệt nhất. 
 
Tấm hình đặc biệt
 
Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị tòa án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. May thay, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Nhờ chị Lý giữ tấm ảnh, và nhờ trí nhớ tuyệt vời của bác Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Ảnh Lê Quang Vịnh được đăng lên báo, minh chứng một việc thật, người thật, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới. 
 
Tấm hình và câu chuyện về anh Lê Quang Vịnh đặc biệt gián tiếp truyền thêm lửa đấu tranh trong phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên, thanh niên trong nước và góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực với phong trào phản chiến của thanh niên quốc tế. Tác động tích cực nhất là, dù mang án tử tù, nhốt vào chuồng cọp  - Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian nhưng chính quyền Sài Gòn không thể xử bắn anh Lê Quang Vịnh mà để anh mang án tử cho tới hơn 10 năm sau đó, sau Hiệp định Giơ - ne - vơ, anh được trao trả về. 
 
Chị Trần Thị Lý (tên thật Trần Thị Nhâm) sinh năm 1933, tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - mất năm 1992 tại Đà Nẵng. Chị tham gia từ kháng chiến chống Pháp qua kháng chiến chống Mỹ, là nữ tù chính trị và là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Chị là một nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, gan dạ, dũng cảm, đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man, vô nhân đạo trong các nhà tù mà vẫn bất khuất, không khai báo, kiên trì chịu đựng, không khuất phục. Chị trở thành biểu tượng “Người con gái Việt Nam” trong kháng chiến chống Mỹ.
Có nhiều câu chuyện được xem như “giai thoại” kháng chiến xung quanh bức hình nhỏ này. Bức ảnh ấy là ảnh anh Vịnh chụp cuối những năm 50 thế kỷ trước để làm thẻ sinh viên. Một lần ra bưng họp, Lê Quang Vịnh có mang theo tập ảnh gia đình trong người, trong đó có bức ảnh ấy. Anh Vịnh có đưa cho các bạn gái trong bưng xem. Tấm ảnh đó đã bị (được?) một người “ém nhẹm” cho riêng mình mà anh không hay. 
 
Bằng cách nào đó, bức hình lại có trong tay của chị Trần Thị Lý, một cô gái tận sông Thu Bồn. Mãi sau này anh mới biết chị Lý luôn mang theo tấm hình ấy bên mình như một báu vật của đời. Lê Quang Vịnh nói, có thể bức hình ấy được trao về cho các anh cán bộ của chị Lý, và vì có nhiệm vụ kết nối với Lê Quang Vịnh, phải tìm được chính xác người cần kết nối mà chị Lý có tấm hình ấy.
 
Sau này, qua nhiều năm tù đày, lưu lạc, anh Lê Quang Vịnh chỉ biết tới tình cảm của “Người con gái Việt Nam” dành cho mình khi anh đã đính hôn với một cô gái đồng hương, là em gái của bạn tù Côn Đảo. Chính chị Lý đã kể hết tâm tình, nỗi lòng mình với vợ chưa cưới của anh Lê Quang Vịnh lúc ấy. Nói về tình cảm này, Lê Quang Vịnh tới giờ vẫn bùi ngùi cảm động về sự chân thành, thuần khiết của một cô gái hồn hậu, mạnh mẽ dành cho mình.
 
Sau đó, chị Lý có tình cảm với một thương binh đồng hương và có một đám cưới giản dị. Sau nhiều cuộc hành hình, tra tấn khắc nghiệt, chị mất khả năng sinh nở nên có nhận một người con gái nuôi. Hình ảnh anh Lê Quang Vịnh và chị Trần Thị Lý từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu viết về chị Lý và bài hát Lê Quang Vịnh, người con quang vinh của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
 
Ở Đà Nẵng từng có cây cầu mang tên chị Trần Thị Lý. Đến nay, sau thời gian xuống cấp, cây cầu đã bị dỡ bỏ và được thay thế bởi một cây cầu dây văng hiện đại mang tên Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý.
 
VÕ THU HƯƠNG