Xanh màu trà trên vùng đất sỏi

08:07, 11/07/2016

Quảng Lâm là vùng sỏi đá, thuộc huyện Bảo Lâm, nay là xã Lộc Quảng. Thời đổi mới, Lộc Quảng được các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư trồng trà Ôlong, từ đó, biến vùng đất "chó ăn đá, gà ăn muối" xưa kia trở thành cánh đồng trà xanh mướt. Diện mạo xóm làng cũng thay đổi...

Quảng Lâm là vùng sỏi đá, thuộc huyện Bảo Lâm, nay là xã Lộc Quảng. Thời đổi mới, Lộc Quảng được các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư trồng trà Ôlong, từ đó, biến vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối”xưa kia trở thành cánh đồng trà xanh mướt. Diện mạo xóm làng cũng thay đổi, đã xóa đi khu rừng lùn heo hút, còi cọc, ngày nào.
 
Thu hoạch chè
Thu hoạch chè

Vùng đất được đánh thức
 
Mới đây, tôi theo thầy Nguyễn Đức Thiết, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đi tiền trạm tại các công ty trồng, chế biến và xuất khẩu trà Ôlong tại Quảng Lâm để chuẩn bị cho sinh viên thực tập. Lúc chúng tôi đến, màu xanh của loại trà mới này đã phủ lên những ngọn đồi sỏi đá. Thấy Quảng Lâm có gì đó giống với tên ghép Lâm Hà xưa, nên hỏi ông Lại Thế Cần, một chủ doanh nghiệp trà Ôlong người Việt duy nhất ở chuỗi đất sỏi này và được ông cho biết “Năm 1972, chiến sự ở Miền Nam trở nên khốc liệt, là mùa hè đỏ lửa. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân ở các vùng chiến sự, chính quyền chế độ cũ sơ tán một số nơi, trong đó có dân Quảng Nam vào định cư nơi đây do Cha Giáo (Linh Mục) dẫn vào bằng máy bay C130 xuống sân bay Lộc Phát. Vài tháng sau đưa thêm dân Bình Long cũng bằng loại máy bay này. Sau ngày giải phóng, một số bà con tự trở về quê cũ, số còn lại vẫn bám trụ. Đối với bà con dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh (Bình Phước), họ tự đi bộ về quê đúng 1 tháng đó, ông ạ!”.
 
Cũng trong chuyến đi trên tại thôn 7, tôi được gặp một vị trung niên người Hoa tên Lý Hoa Long 36 tuổi, trợ lý giám đốc cho Công ty trà Trường Thái (Đài Loan). Tuy chức danh là trợ lý, nhưng ông Long tất bật từ vùng nguyên liệu đến các hoạt động trong nhà máy. Trợ lý Hoa Long không giỏi tiếng Anh nhưng nói tiếng Việt khá thành thạo. Ông cho biết, “Những công ty có vốn đầu tư nước ngoài làm chè Ôlong ở Lộc Quảng hầu hết là của Đài Loan, bao gồm khu nguyên liệu và nhà máy như: Công ty Triệu Minh, Trường Thái, Tam An. Tiền thân của các công ty này xuất thân từ tập đoàn TFB (Tea-Flower-Beverage: Trà, Hoa và Nước giải khát) ở Đài Loan, Singapore. Ngoài ra, ở Lộc Quảng còn có thêm một công ty của người Việt tên là Tam Dương của ông Lại Thế Cần - một doanh nhân trồng và chế biến trà chuyên nghiệp ở B’Lao. Đối với Trường Thái, trước đây ông Hu Ming Tung là chủ doanh nghiệp, nhưng từ khi bị tai nạn ông Tung đã ủy quyền cho vợ là là Teng Yu Sin quản lý. 
 
Câu chuyện về trà Ôlong ở Lộc Quảng được bắt đầu sau khi nhà nước kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2000, ông Hu Ming Tung đã đi khảo sát nhiều nơi trong tỉnh và cuối cùng ông chọn xã Lộc Quảng, nơi có đất đồi cao thoáng, gần với nguồn nước từ suối Dambri để lập dự án trồng trà Ôlong. Tháng 5 năm 2004, ông xin thành lập công ty trà mang tên Trường Thái với vốn điều lệ 2 triệu đô la để xây dựng nhà xưởng và trồng mới 34 hecta trà theo Luật Đất đai ở Việt Nam. Đến nay đã có trên 10 năm hoạt động, Trường Thái đã trở thành một trong những vệ tinh chính cung cấp trà nguyên liệu cho Đài Bắc để xuất khẩu đi các nước. Và ông cũng cho biết, hiện nay, hầu hết các công ty trà Ôlong có vốn đầu tư nước ngoài tại Bảo Lâm chủ yếu xuất khẩu về nước chứ không phục vụ cho thị trường nội địa Việt Nam. 
 
Được hỏi về sự khác biệt về trà truyền thống Việt Nam và trà Ôlong, ông Long giải thích: “Ở Đài Loan, loại trà này được biết đến trên 400 năm trước, nhưng sau năm 1945 mới đưa vào khai thác theo một dây chuyền công nghệ. Dầu vậy, Đài Loan là quốc đảo có nhiều núi đồi, đất đai chật hẹp nên việc phát triển, mở rộng diện tích không thuận lợi như ở Việt Nam”. Trà Ôlong mang hương liệu đặc trưng, mùi thơm của trà quyết định bởi quá trình cọ sát lên men. Hương trà có đi vào tâm thức người sử dụng hay không chính là do chất đất và đầu tư đúng cách tại vùng nguyên liệu, có nghĩa là từ giống, trồng chăm sóc và phân bón là chính, còn chế biến chỉ là thao tác cuối cùng chứ không quyết định toàn bộ. Tại Lộc Quảng, 1 hecta trà Ôlong phải đầu tư khoảng 150 triệu đồng chưa kể tiền thuê đất. Quá trình thu hoạch xử lý phải theo trình tự nhiều khâu như: hái, phơi, lên men, xào, định hình, đóng cục... Sau 12 năm ổn định tại xã Lộc Quảng, Công ty Trường Thái đã xây dựng được 1.500 m2 nhà xưởng, giải quyết được 200 lao động cho địa phương và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ hàng tháng. Tính từ năm 2008 khi vùng nguyên liệu ổn định, hàng năm, công ty đã xuất 40 tấn thành phẩm sang Đài Loan để chuyển đi các nước khác.
 
Đời trà, đời người
 
Tôi biết ông Lại Thế Cần lần đầu tiên khi đi theo ông Hiệu trưởng Thiết vào nông trại trà Ôlong của ông. Ông Cần 60 tuổi, da ngăm đen, cao to như một võ tướng. Ông là con ruột của ông Cai Liêm, một trong những ông cai đồn điền chè có tên tuổi vào đầu thập niên 40 tại B’Lao xưa. Ông Cần sinh ra tại B’Lao và lớn lên theo nghề chè của bố. Tuổi thơ của ông đã từng theo cha mẹ đi quanh xứ trà Bảo Lộc, ông thuộc lòng từng mùa vụ cũng như hương vị chè từng vùng trong tỉnh.
 
Lâm Đồng là dải đất cuối cùng ở Nam Tây Nguyên, nơi người Pháp trồng chè trên diện rộng. Cho đến thập niên 30 của thế kỷ trước tại B’Lao đã có 2.170 ha, điều ấy có nghĩa là nghề chè tại đây đã có bề dày 80 năm.
“Trà Việt mình hiện nay đã vượt ra lãnh thổ, hội nhập với thế giới rộng lớn. Bao đời nay thương trường là chiến trường, mà đã là chiến trường phải có kẻ thắng người thua. Đối với các nhà doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà của mình mới là nỗi đau” - ông Lại Thế Cần hiện là chủ doanh nghiệp trà Tam Dương ở Lộc Quảng tâm sự khi hai anh em song hành trong trang trại của ông ven theo triền đồi gió lộng. 
 
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH trà Ôlong Tam Dương
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH trà Ôlong Tam Dương

Ông Cần sinh năm 1957, là người yêu B’Lao đến kỳ lạ. Ông kể cho tôi nghe vanh vách từng sự kiện trên các con đường, từng đồi chè cũng như từng ông chủ đồn điền đã thành công và thất bại. Có thể nói, dải đất cao nguyên này, nơi đâu cũng đầy ắp kỷ niệm từ thời ông bà nội đến bố mẹ và tuổi thơ của ông. Mỗi lần đi qua khu Cầu Trắng, ông nghĩ về bà nội ông đang quỳ đội đơn giữa đường xin tha tội chết cho cha ông (ông Cai Liêm từng tham gia Vệ quốc Đoàn, trực tiếp lãnh đạo một đơn vị vũ trang tại B’Lao, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh bất ngờ tiêu diệt và làm thương vong đội quân viễn chinh Pháp ở địa phương. Năm 1948, ông bị bắt rồi bị chính quyền Pháp ở Đồng Nai Thượng kết án tử hình. Bà nội đã khẩn cầu viên khâm sứ Pháp chuyển án thành tù giam). Khi đi Lộc Thành, ông mơ hồ nhìn thấy bố đang cưỡi ngựa vào buôn làng để thuê mướn nhân công. Vào Lộc Nga, lại nhìn thấy mẹ đang hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho cư dân bản địa... Đất và chè B’Lao đã trở thành máu thịt của ông. Sau ngày đất nước thống nhất, 100 ha đất trồng chè của gia tộc họ Lại chuyển sang sở hữu toàn dân, ông chuyển sang làm xà bông mang tên B’Lao, rồi chuyển sang nuôi heo, làm việc cho công ty lâm sản. Vào thời bao cấp, cho dù làm việc gì để kiếm sống, nhưng khi có dịp đi ngang vườn chè, ông vẫn đau đáu mong được trở về nghề của gia tộc mình như một khát vọng cháy bỏng đời người. Với ý chí vươn lên, ông vừa làm vừa học rồi tốt nghiệp đại học kinh tế. 
 
Sau năm 1990, tỉnh Lâm Đồng cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư nghề chè. Hầu hết các doanh nghiệp đến từ Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đều chỉ thuê đất để xây dựng xưởng và trồng chè Ôlong trên đồi cao. Là dân trồng trà chuyên nghiệp, ông Cần luôn trăn trở tại sao các nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến loại trà Ôlong trên vùng đất sỏi? Vậy việc chế biến và thị trường tiêu thụ khác với loại trà truyền thống của Việt Nam như thế nào? Vào thời điểm đó, mặt hàng trà Ôlong tại Lâm Đồng chưa phổ biến. Vì vậy, để có kiến thức loại cây trồng mới này, ông lao vào tìm hiểu nghiên cứu, phân tích. Ngày ấy, chưa có mạng toàn cầu nên ông phải tự thân lặn lội tìm tư liệu trong và ngoài nước. Hiện nay, trong nhà xưởng ở giữa rừng của ông có cả một thư viện đến vài ngàn đầu sách về nghề chè bằng tiếng Việt, Hoa, Anh và Pháp. Từ kiến thức của nhân loại về trà Ôlong, ông xác định việc chọn giống, phân loại đất, từ trồng, chăm sóc đến chế biến và thị trường..
 
Trà Ôlong xuất hiện tại Việt Nam từ sau cuối những năm 80 được trồng từ Mộc Châu, Hà Giang, Lào Cai...; giống do người Đài Loan mang đến, nhưng tại Lâm Đồng loại trà này phát triển tốt và có vị rất đặc trưng đúng với nguồn gốc là người xuất thân từ một gia tộc có bề dày về nghề chè, ông Cần trăn trở rồi quyết định chuyển sang trồng chè mới này. Dựa vào năng lực kinh tế và kiến thức nghề nghiệp, năm 2003, ông chọn xã Lộc Quảng nơi vùng đất đồi khô thoáng để trồng thực nghiệm 4ha. Ông tập họp vài người có chút ít kinh nghiệm và sống chết với nghề vào làm việc. Những công nhân này được ông khoán quỹ lương và quản lý lao động theo cung cách của các công ty Nhật và kết quả cuối cùng về năng suất và chất lượng trà như ông mong đợi. Đến năm 2005, Trung tâm Thực nghiệm chè Lâm Đồng thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng đã sản xuất được giống trà Ôlong chất lượng không kém gì Đài Loan. Việc nghiên cứu thành công giống trà mới của Lâm Đồng đã chắp cánh cho ông phát triển mạnh hơn theo xu thế hàng Việt Nam chất lượng cao.
 
Đến năm 2010, Công ty TNHH trà Ôlong Tam Dương đã trồng được 50 ha chè, đồng hành với các công ty trà Đài Loan và Trung Quốc tại Bảo Lâm. Và để quản lý đến sản phẩm cuối cùng của mình, năm 2011 ông Cần xây dựng khu nhà xưởng ngay tại nông trại chè . Đó là một trong những nhà máy chè Ôlong tư nhân của người B’Lao đầu tiên trên quê hương mình bên cạnh những công ty nước ngoài đã có bề dày với lượng khách hàng bền vững.
 
Lần cuối vào đầu tháng 7/2016, tôi trở lại Lộc Quảng thăm khu liên hợp chè của ông. Lần này diễm phúc gặp được cả gia đình. Anh chị giới thiệu các con của mình là Lại Thế Cảnh, Lại Thị Quỳnh Giao, Lại Thế Quang, Lại Thế Phong. Trong đó có hai cháu tốt nghiệp cao đẳng hóa sinh và kinh tế, riêng cháu Quỳnh Giao được học thêm nghề trà tại Đài Loan, cháu Giao nói viết thông thạo tiếng Hoa và tiếng Anh. Tôi hỏi con trai trưởng dòng họ Lại, cháu Lại Thế Cảnh, đang lúc kéo bạt ngoài sân, được cháu cho biết “Nghề trà của dòng họ nhà cháu đã sang thế hệ thứ ba, tính từ thời ông nội, bây giờ là nghề gia truyền. Anh em tụi cháu cố gắng giữ gìn và phát huy thêm. Thời buổi thông tin toàn cầu này thương trường còn quyết liệt hơn thời của ông và bố cháu”. 
 
Lúc chia tay, ông Cần dẫn tôi đi thăm khu nhà ở của công nhân. Đó là những gian phòng nối liền với nhau thành từng dãy. Tại đây công nhân sử dụng không phải trả tiền kể cả điện nước và ăn uống hàng ngày. Ông cho biết “Người làm công chỉ hết lòng với chủ khi cuộc sống ổn định không phải chân trong, chân ngoài. Với mức lương trung bình từ 3 triệu rưỡi trở lên, người làm có thể sống được”. 
 
* * *
 
Rời Lộc Quảng vào lúc hoàng hôn tím ngắt, ngồi nhâm nhi ly trà Ôlong, nhìn những đồi chè xanh thẫm, xa xa ẩn hiện dãy núi Đại Bình với ánh tà dương mờ nhạt. Từ một vùng đất sỏi “chó ăn đá, gà ăn muối” chuyển thành những đồi trà đầy triển vọng. Nếu ngày ấy, lãnh đạo tỉnh mình không thay đổi cây trồng, nếu Tiến sĩ Phạm S (nay là Phó Chủ tịch tỉnh) không mạnh dạn lai ghép loại trà Ôlong mới để trồng đại trà thay giống Đài Loan, thì Lộc Quảng cũng lặng lẽ âm thầm như Quảng Lâm ngày xưa xa xôi ấy.
 
Phóng sự: Trần Đại