Sôi nổi phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo Đức Trọng

09:07, 13/07/2016

Thời gian qua, đồng bào công giáo ở Đức Trọng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Sống tốt đời, đẹp đạo", góp phần cùng nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, đồng bào công giáo ở Đức Trọng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần cùng nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Xây dựng nếp sống văn minh từ vệc cưới, việc tang
 
Là thôn có tỷ lệ người theo đạo chiếm 97%, trong những năm qua, các giáo dân ở thôn Kim Phát (xã Bình Thạnh) luôn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQVN phát động và hưởng ứng phong trào của Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh về “Thi đua đổi mới, sống tốt đời, đẹp đạo ở khu dân cư”, cụ thể là quyết tâm đổi mới việc ma chay, cưới hỏi trong phạm vi giáo xứ. Và, sau một thời gian kiên trì đổi mới, đến nay, việc ma chay, cưới hỏi trong giáo xứ đã được tổ chức văn minh, lịch sự và không còn rườm rà nhiều thủ tục cũng như tốn kém tiền bạc như trước đây, góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh ở khu dân cư. Đối với việc ma chay, khi có người chết, mọi việc sẽ do Ban tang lễ của Giáo xứ đứng ra lo liệu, Thánh lễ an táng sẽ được tổ chức sau 24 giờ khi người quá cố, không tổ chức ăn uống linh đình; mọi chi phí tổ chức tang lễ cũng do Giáo xứ lo liệu miễn phí. Đối với việc cưới hỏi cũng được tổ chức ngắn gọn, văn minh theo trình tự định sẵn. Mỗi ngày chỉ có một lễ cưới, công tác tổ chức cũng do Giáo xứ đứng ra thành lập… Cùng đó, những năm qua, Giáo xứ Kim Phát cũng xây dựng được một thư viện nhằm phục vụ nhu cầu của các giáo dân, đổ bê tông đường nghĩa trang và vận động các mạnh thường quân xây dựng Trường Mầm non Thông Xanh nhằm phục vụ nhu cầu học tập của các cháu trong thôn.
 
Chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương
 
Theo Linh mục Đinh Văn Đông - Trưởng Ban đoàn kết công giáo huyện Đức Trọng, trên địa bàn huyện hiện có khoảng gần 31 ngàn giáo dân, 22 linh mục, 44 nữ tu và 4 tu sĩ nam thuộc các dòng tu. Những năm qua, không riêng Giáo xứ Kim Phát mà các giáo dân cư trú trên địa bàn huyện Đức Trọng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng nhân dân huyện nhà thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: Phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề” gắn với chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới; tham gia tích cực các hoạt động từ thiện… Trong phong trào phát triển kinh tế, đồng bào công giáo không chỉ làm giàu cho bản thân mà luôn giúp nhau phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững với nhiều mô hình: sản xuất kết hợp với chế biến tiêu thụ; mô hình kinh tế trang trại ngày càng được nhân rộng, điển hình như: Trang trại ươm Phong Thúy (Giáo xứ Nghĩa Lâm), trang trại phúc bồn tử của Huỳnh Trung Quân (Giáo xứ Bắc Hội), trang trại lạnh của ông Nguyễn Công Khanh (Giáo xứ Thanh Bình)… Ngoài ra, tại Giáo xứ Liên Khương đã dùng quỹ đất chia cho 10 hộ nghèo có xác nhận của chính quyền địa phương để sản xuất trong thời gian là 3,5 năm, nhằm giúp giáo dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Với nhiều việc làm thiết thực, hầu hết đồng bào công giáo hiện không có hộ đói, số hộ khá, giàu tăng nhanh. 
 
Song song với hoạt động trên, các hoạt động khác như từ thiện, giáo dục cũng luôn được Giáo xứ và đồng bào giáo dân quan tâm thực hiện. Hơn 5 năm trở lại đây, tổng cộng các công trình hoạt động từ thiện nhân đạo, giáo dục và xây dựng nông thôn mới của toàn Giáo hạt ước tính khoảng gần 2 tỷ đồng, với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong các dịp lễ, tết tại các giáo xứ, dòng tu thường xuyên hỗ trợ hàng ngàn suất quà để người nghèo ăn tết; trong các giáo xứ, tình làng nghĩa xóm được phát huy, không phân biệt tôn giáo, thường xuyên thăm hỏi giúp đỡ lẫn nhau. Có thể kể đến như Giáo xứ Ninh Loan có phòng tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp các loại thuốc cho nhân dân không phân biệt tôn giáo; Giáo xứ Tùng Nghĩa cấp cho các em thiếu nhi trong giáo xứ mỗi em một con heo đất, hướng dẫn các em tiết kiệm trong chi tiêu, bớt ăn quà vặt, để dành tiền “nuôi” heo. Và cứ nửa năm, những chú heo đất này lại được mang lên nhà xứ đập để lấy tiền ủng hộ người nghèo… Công tác giáo dục cũng luôn được các linh mục, tu sĩ phối hợp với chính quyền các cấp chú trọng, chăm lo. Nhiều lớp học tình thương được các dòng tu bảo trợ vẫn duy trì thường xuyên; các trường mẫu giáo, mầm non tư thục do các dòng tu đảm trách luôn được ngành giáo dục đánh giá cao và đều có một chế độ miễn giảm cho các em có hoàn cảnh khó khăn…
 
THY VŨ