Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Rô Men

08:08, 08/08/2016

Xung quanh cũng núi đồi bao bọc, cũng màu xanh trải rộng khắp làng, thôn; con đường rải đá cấp phối ngày nào giờ đã được nhựa hóa; hai bên đường nhà cửa không to rộng, bề thế nhưng khang trang. 

Đã lâu rồi tôi mới về lại Rô Men, xung quanh cũng núi đồi bao bọc, cũng màu xanh trải rộng khắp làng, thôn. Con đường rải đá cấp phối ngày nào giờ đã được nhựa hóa; hai bên đường nhà cửa không to rộng, bề thế nhưng khang trang. Rô Men vẫn thanh bình như trước nhưng no ấm, đủ đầy hơn.
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo xã Rô Men
Đồng chí Trần Văn Hiệp - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc
với lãnh đạo xã Rô Men

Rô Men là một xã thuộc huyện Đam Rông, có diện tích tự nhiên 125,64 km², dân số trên 6.000 người, sinh sống ở 5 thôn, trong đó có tới 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có trên 1.000 ha cà phê, 104 ha lúa nước; hơn 200 ha cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, mít, xoài, bơ, ca cao, mắc ca và 12 ha cây tiêu... Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện Đam Rông, thời gian qua, Rô Men đã thực hiện chuyển đổi một số cây trồng, trong đó hơn 50% cà phê ghép giống mới, nâng năng suất lên từ 1,5 đến 2 lần so với giống cũ, thu nhập của người dân Rô Men từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn mới (NTM) bắt đầu khởi sắc.
 
Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Rô Men Nguyễn Minh Thắng cho hay: Chủ trương xây dựng NTM là chương trình vì cuộc sống tốt đẹp cho người dân, với những cán bộ xã như chúng tôi thì đây còn là “liều thuốc” kích thích trí tuệ, vận động tư duy lãnh đạo, chúng tôi buộc phải tìm ra những giải pháp khả thi để thực hiện các tiêu chí NTM mà với xã nghèo như Rô Men thật không dễ chút nào. Và trong “cái khó ló cái khôn”, Rô Men xây dựng NTM theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau; những hạng mục, công trình nào phù hợp với đặc điểm của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thì kiên quyết làm; chưa bức xúc, chưa cần thiết thì làm sau. Vì vậy, các tiêu chí về NTM như: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội… được Rô Men ưu tiên thực hiện. Rô Men không chủ trương “giục tốc” mà chú trọng sự vững bền; Rô Men không “cờ giong trống mở”, nhưng toàn bộ hệ thống chính trị phải nhập cuộc; cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên của văn phòng Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể phải đến với dân, nghe dân nói, để biết dân cần gì...; các tổ chức đoàn thể như nông dân, phụ nữ và đoàn thanh niên phải xây dựng được phong trào tiêu biểu gắn với việc xây dựng NTM. Chính sự đồng bộ nhập cuộc đó, đã góp phần tích cực đem lại những kết quả đáng mừng. Đến nay, xã Rô Men đã đạt 12 tiêu chí, được xếp vào loại khá trong huyện với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm, tăng 9 triệu đồng so với cách đây 5 năm. Bây giờ Rô Men tuy chưa giàu nhưng cũng không còn nghèo như trước. Toàn xã chỉ còn 98 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,68% (theo tiêu chí cũ). Người dân thực sự được hưởng lợi từ các chương trình xây dựng NTM cũng như các chương trình giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh. Hơn 70% đường nông thôn đã được bê tông hóa dẫn tới tận ruộng, vườn. Gần 100% hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ được sử dụng nước an toàn. Toàn xã có 5 trường học được xây dựng khang trang; viễn thông và truyền hình đã phủ sóng hoàn toàn, đời sống tinh thần của bà con trong xã đã được cải thiện rất nhiều, nhận thức của bà con về chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đã được nâng lên rõ rệt. Xã không tệ nạn xã hội, không cờ bạc, chích hút. Đặc biệt, thôn 3 với 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số người Mông đã trở thành thôn mạnh về kinh tế; thôn không rượu, không thuốc lá; thôn duy nhất không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ. Con cái trong thôn được ăn học đến nơi, đến chốn, trong đó không ít con em của đồng bào bước đầu đã công thành, danh toại. Có thể nói, đây là nơi đất lành, và cũng chính vì đất lành nên Rô Men đã trở thành điểm đến của nhiều dân tộc thiểu số từ núi rừng Tây Bắc vào lập nghiệp. Chính vì thế mà việc giảm nghèo ở Rô Men được coi như một kỳ tích.
 
Phó Chủ tịch xã; Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rô Men rất vui khi báo cáo những gì mà xã đạt được, nhưng không hề giấu giếm những nỗi lo: 
 
Nỗi lo thứ nhất, đó là nếu tính hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2021 với những tiêu chí mới, thì toàn xã còn trên 400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27% số hộ trong toàn xã, trong đó, có rất nhiều hộ không nghèo với mức thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/năm nhưng vẫn phải là hộ nghèo chỉ vì họ không chịu làm nhà kiên cố như tiêu chí mới đề ra. Đây sẽ là một cuộc vận động không dễ chút nào khi mà quan niệm của đồng bào “ăn chắt, ở tạm” chưa thay đổi.
 
Nỗi lo thứ hai là ngoài cây trồng chính là cây cà phê, còn lại những loại cây trồng khác chưa thực sự định hình mà nguyên nhân cơ bản là do bà con lo ngại sự bất ổn về đầu ra sản phẩm. Sự lo ngại này đã làm cho Rô Men sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ mà chưa thể hình thành được những vùng chuyên canh. Chính vì vậy, dù cây trồng cho năng suất cao nhưng sản lượng thì lại quá thấp dẫn đến khó tiêu thụ. Tình trạng sầu riêng không ai mua; mít chín không ai đặt hàng; cây mắc ca, cây ca cao phù hợp thổ nhưỡng nhưng cũng cùng chung cảnh ngộ; cây điều đã đến lúc cần chuyển đổi nhưng chưa dám quyết chuyển đổi cây gì; cây xoài cho năng suất, hiệu quả cao với 8 sào, chi phí đầu tư rất thấp, cho thu nhập 120 triệu đồng nhưng chưa dám phát triển đại trà vì sợ “sáng nắng, chiều mưa” của thị trường; cây tiêu một ha cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng nhưng cũng cùng nỗi lo chung về sự bấp bênh của thị trường...
 
Nỗi lo thứ 3 là tuy giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nhưng quan niệm “đóng ngỏ” trong hôn nhân, phụ nữ trong thôn không được giao du với đàn ông thôn khác, con gái trong thôn không được lấy chồng ngoài thôn đã làm cho tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với đó là tình trạng sinh con thứ 3 với quan niệm “đông con, đông của” chưa được thay đổi. Dù không phải là tất cả, chủ yếu ở những hộ đồng bào dân tộc Mông nhưng đây lại là vấn đề hết sức khó khăn cho cán bộ xã, các đoàn thể trong công tác vận động, giáo dục tuyên truyền.
 
Mục tiêu trong năm 2016 này, Rô Men tiếp tục hoàn thành thêm 3 chỉ tiêu xây dựng NTM; năm 2018 cơ bản cán đích các chỉ tiêu và thời gian chậm nhất để Rô Men đạt chuẩn NTM là vào năm 2020. Lộ trình này sẽ không phải quá khó bởi Rô Men có đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn kết và năng động, được sinh ra và trưởng thành ngay trên vùng đất này; Rô Men đất rộng, phù hợp với nhiều loại cây trồng; Rô Men có được cộng đồng dân cư đa sắc, chịu khó, chịu làm; có khát vọng. Vấn đề còn lại là xã phải tìm ra giải pháp an toàn cho đầu ra sản phẩm để Rô Men định hình các vùng chuyên canh, sản xuất đại trà những loại cây ăn trái chủ lực, đồng thời trải thảm kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, biến sản phẩm đơn thuần của nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Minh Thắng quả quyết: Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể trong xã sẽ quyết tâm vượt khó, chỉ mong rằng tỉnh và huyện Đam Rông sớm có giải pháp tích cực trong công tác quản lý di cư tự do, giúp vùng đất chưa giàu này giảm tải những nỗi lo “ngoài kế hoạch”.
 
Văn Tòa