Làm sạch môi trường, diệt loăng quăng là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, lâu dài

08:08, 15/08/2016

Bảo Lộc là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất trong toàn tỉnh. Trước tình hình SXH gia tăng tại Bảo Lộc, PV Báo Lâm Đồng đã có phỏng vấn nhanh BS Nguyễn Minh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Bảo Lộc về các biện pháp can thiệp hiện tại và trong thời gian tới.

Bảo Lộc là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất trong toàn tỉnh. Trước tình hình SXH gia tăng tại Bảo Lộc, PV Báo Lâm Đồng đã có phỏng vấn nhanh BS Nguyễn Minh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Bảo Lộc về các biện pháp can thiệp hiện tại và trong thời gian tới.
 
BS Nguyễn Minh Hòa - Phó Giám đốc TTYT Bảo Lộc
BS Nguyễn Minh Hòa -
Phó Giám đốc TTYT Bảo Lộc
PV: Thưa ông, tình hình SXH trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện nay như thế nào?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: Tình hình SXH trên địa bàn TP Bảo Lộc từ đầu năm 2016 gia tăng. Đặc biệt là kể từ tháng 6, tháng 7; cho đến ngày 10/8 (tuần 33) toàn thành phố có 272 ca, tình hình SXH ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
 
1 tỷ đồng cho 2 đợt phun hóa chất và diệt loăng quăng diện rộng
 
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Công điện khẩn của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống SXH sáng 11/8 tại Sở Y tế. Qua 20 ngày triển khai 2 đợt phun hóa chất trên diện rộng tại 5 xã, phường và chiến dịch diệt loăng quăng trên toàn địa bàn TP Bảo Lộc dưới sự giám sát theo quy trình của Viện Pasteur TP HCM, ngành y tế đã sử dụng 200 lít hóa chất và các chi phí nhân công cho hoạt động phun thuốc, giám sát, vãng gia (thăm, vận động tại hộ gia đình) với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. 
 
Kết quả diệt loăng quăng đợt I tại 160 tổ/thôn với 1.274 nhân lực tham gia chia thành 488 nhóm. Có 35.780 /39.145 hộ đã được vãng gia, trong đó phát hiện 9.718 hộ có loăng quăng, xử lý 12.155/12.347 dụng cụ chứa nước có loăng quăng (còn 239 dụng cụ có loăng quăng cần xử lý). Đợt II triển khai tại 148 tổ/thôn với 1.202 người chia thành 477 nhóm can thiệp. Vãng gia 33.500 /39.145 hộ, phát hiện 4.842 hộ có loăng quăng, xử lý 6.200 /6.240 dụng cụ chứa nước có loăng quăng. 
 
Ths Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết việc phun hóa chất trên diện rộng để phòng chống sốt xuất huyết chỉ có tác dụng diệt muỗi, loăng quăng trong vòng 1 tuần, chi phí rất tốn kém. Vì vậy, giải pháp lâu dài vẫn là vận động người dân tự diệt muỗi, loăng quăng, làm sạch môi trường. Khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc, nhang, vợt bắt muỗi hoặc hun khói chống muỗi, mặc quần áo dài tay, đi ngủ nằm màn để hạn chế tối đa muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt đến ngay trạm y tế, không được tự ý mua thuốc điều trị bởi SXH khi không điều trị đúng bệnh, kịp thời sẽ biến chứng nặng (suy gan, suy thận…), gây nguy hiểm tính mạng.                                                           DH

PV: Được biết, TP Bảo Lộc là địa phương đứng đầu tỉnh về số ca bệnh SXH, địa phương đã có những biện pháp gì để chủ động phòng chống SXH?

BS Nguyễn Minh Hòa: Ngay từ đầu năm, chúng tôi (TTYT Bảo Lộc - PV) đã tham mưu cho Phòng Y tế và UBND thành phố ra nhiều văn bản chỉ đạo xuống từng địa bàn tại Bảo Lộc trong công tác phòng chống SXH và đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống, làm sạch vệ sinh môi trường, cũng như tổ chức diệt loăng quăng trên toàn thành phố. 
 
PV: Thưa ông, khó khăn nhất của địa phương trong công tác phòng chống SXH thời điểm này là gì?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: Cái khó nhất hiện nay trong công tác phòng chống SXH là diệt loăng quăng, làm sạch môi trường, chúng ta phải có những biện pháp nâng cao nhận thức của từng người dân cùng tham gia làm sạch môi trường, diệt loăng quăng.
 
PV: Trước những khó khăn như vậy, ông có kiến nghị gì với Sở Y tế Lâm Đồng và UBND TP Bảo Lộc?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: Công tác làm sạch vệ sinh môi trường và diệt loăng quăng phải là công tác lâu dài chứ không phải chỉ làm trong vài tuần. Do đó, làm sao chúng ta phải tăng cường truyền thông để từng người dân trên địa bàn TP Bảo Lộc, cũng như toàn tỉnh, có được ý thức nâng cao trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng ở mỗi gia đình. 
 
PV: Thưa ông, nguyên nhân vì sao chúng ta triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch SXH nhưng số ca mắc vẫn cứ tăng lên?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: Có 2 vấn đề là: khí hậu mưa, nắng thất thường, hiện chúng ta vào đầu mùa mưa - đây là yếu tố ảnh hưởng đến diệt loăng quăng. Thứ hai là truyền thông chưa sát tới từng hộ dân và người dân chưa có ý thức để diệt loăng quăng thường xuyên.
 
Để nâng cao nhận thức của người dân thì tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để truyền thông tới người dân về các biện pháp dân gian trong công tác làm sạch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng.
 
PV: TP Bảo Lộc đã triển khai chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng tại 5 phường, xã và chiến dịch diệt loăng quăng trên toàn địa bàn, ông có thể cho biết những ghi nhận về kết quả bước đầu?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: TP Bảo Lộc đã triển khai phun hóa chất diện rộng, cộng với chiến dịch làm sạch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng trên 11 xã, phường trong thời gian từ ngày 23/7 - 10/8. Đánh giá ban đầu, hiện nay chúng tôi đã “khống chế” được tình hình SXH và loăng quăng trên địa bàn TP Bảo Lộc ở ngưỡng cho phép. Sau khi chúng tôi phun hóa chất, đặc biệt ở tuần thứ 33 này thì số ca mắc trên toàn địa bàn Bảo Lộc đã giảm 3 ca; đặc biệt hơn nữa ở khu vực 5 xã, phường chúng tôi triển khai phun diện rộng thì chưa thấy xuất hiện ca bệnh mới. 
 
PV: Như vậy, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của chiến dịch diệt loăng quăng và phun hóa chất trên diện rộng phòng chống SXH tại TP Bảo Lộc. Vậy chúng ta làm thế nào để tiếp tục duy trì thành quả này?
 
BS Nguyễn Minh Hòa: Chúng ta thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống SXH, đó là nếu toàn bộ các cấp chính quyền địa phương, các ban - ngành - đoàn thể cùng ngành y tế tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng thì rõ ràng đây là biện pháp lâu dài, tích cực. Đây là biện pháp tốt nhất trong phòng chống SXH. 
 
PV: Xin cảm ơn những nội dung ông đã cùng trao đổi!
 
DIỆU HIỀN (thực hiện)