Rộn ràng lớp học xóa mù

09:08, 18/08/2016

Sau thành công của lớp học xóa mù được mở ở thôn Kom Pang, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà vào năm 2015, đầu năm 2016, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng tiếp tục mở thêm 2 lớp ở thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh. Sự háo hức mong chờ sau những giờ đến lớp được biết đọc, biết viết của bà con là niềm động viên để những trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP Lâm Đồng cháy hết mình trên bục giảng. 

Sau thành công của lớp học xóa mù được mở ở thôn Kom Pang, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà vào năm 2015, đầu năm 2016, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng tiếp tục mở thêm 2 lớp ở thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh. Sự háo hức mong chờ sau những giờ đến lớp được biết đọc, biết viết của bà con là niềm động viên để những trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP Lâm Đồng cháy hết mình trên bục giảng. 
 
Thượng tá Phan Thanh Lịch, Chính trị viên Đoàn KTQP Lâm Đồng cho biết: “Đa số các học viên trong lớp là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía bắc vào như Mông, Dao và đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó cao nhất là 60 tuổi. Ban đầu chúng tôi dự định mở 1 lớp, nhưng vì số học viên đông quá nên phải mở 2 lớp với tổng số trên 50 học viên”. Được mở từ tháng 4 năm 2016, lớp học xóa mù do các bạn Trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đội sản xuất số 3 - Đoàn KTQP Lâm Đồng đảm trách. Yêu cầu đặt ra không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết mà những bài học phải gần gũi, thân thuộc với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào, lồng ghép với các chiến dịch: tuyên truyền pháp luật, kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm sóc cây cà phê… “Mình rất thích đi học, vì đi học mới biết chữ, đi chợ, đi tàu xe còn biết để mà trả tiền, giờ thì mình cũng biết đọc rồi, nếu mà chịu khó học thì biết nhiều” - bà Ka Song, thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà nói.
 
Tất cả với đồng bào ở thôn Tân Hợp, cũng bởi niềm đam mê và tình yêu con chữ. “Mưa to, mưa nhỏ gì bà con cũng chịu khó đi hết, ấn tượng nhất là chị Vui, mắt rất kém, phải soi đèn pin sát vào mới thấy, hôm rồi chị đọc được chị nói: Cô ơi vui lắm, biết được đọc chữ rồi, rất thỏa nguyện. Điều đó làm cho chúng em rất vui và xác định càng phải cố gắng nhiều hơn để giúp bà con” - bạn Đàm Thị Hồng, Trí thức trẻ tình nguyện - Đoàn KTQP Lâm Đồng chia sẻ. 
 
Những con chữ hôm nay chưa mang đến sự đổi thay gì nhiều cho cuộc sống của bà con đồng bào. Nhưng bước đầu đã thay đổi tư duy, nhận thức về giá trị của con chữ để rồi khi kết thúc lớp học vào cuối năm nay bà con đồng bào ở thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà sẽ có thể biết đọc, biết viết. Đó là cơ hội để họ cập nhật và nắm bắt nhiều hơn những thông tin bổ ích, vận dụng vào quá trình lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no… Và từ đây, hy vọng về một ngày mai tươi sáng cũng bắt đầu.
 
 THẾ ANH