Thay đổi nhận thức người dân để xóa bỏ tập tục lạc hậu

08:08, 15/08/2016

Trong những năm qua, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong nếp nghĩ và cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đơn Dương. Để giải quyết tình trạng này, Đảng bộ và nhân dân huyện Đơn Dương đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm tác động vào nhận thức của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Trong những năm qua, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong nếp nghĩ và cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đơn Dương. Để giải quyết tình trạng này, Đảng bộ và nhân dân huyện Đơn Dương đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm tác động vào nhận thức của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
 
Những hủ tục lâu đời
 
Với đặc thù của địa phương có tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30% tổng số dân cư, Đơn Dương là nơi còn lưu giữ nhiều tập tục truyền thống phong phú và đa dạng của nhiều dân tộc như Chu Ru, Cil, Cơ Ho, Tày, Nùng... Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và phát huy, trong cộng đồng dân cư ở đây vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ như: tục thách cưới; tục nối dòng; tục tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con hoặc không đăng ký kết hôn; tin vào bùa ngải ma lai, thầy mo, thầy cúng khi ốm đau; tổ chức ăn uống linh đình khi có đám tang gây tốn kém cho gia đình... Những hủ tục này trở thành một thói quen sinh hoạt không dễ xóa bỏ của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt phổ biến là nạn tảo hôn.
 
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện Đơn Dương đã xảy ra 45 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều nhất ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ka Đơn, Lạc Xuân, Tu Tra. Điều đáng nói là trong những năm gần đây, tệ nạn tảo hôn không còn là chuyện riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Vũ Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch xã Lạc Xuân cho biết, tính đến tháng 6/2016, toàn xã đã xảy ra 7 trường hợp tảo hôn, trong đó có 3 trường hợp là người Kinh. Do chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nên sau khi có thai, các em chủ yếu ai về nhà nấy như trường hợp của Lâm Viên Đa N. (SN 1992) và Ma L. (SN 1999) cùng ở thôn Tân Hiên. Thậm chí, có nhiều em đã làm vợ, làm mẹ khi chỉ mới 15 tuổi như trường hợp của em Ma Y. (SN 2001) ở thôn Hawai, xã Tu Tra hay em Ka T. (SN 2001) ở thôn 2, xã Đạ Ròn. 
 
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Trung tâm Dân số & Kế hoạch hóa gia đình huyện Đơn Dương, tệ nạn tảo hôn không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến Luật Hôn nhân và gia đình, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như hạnh phúc gia đình của các em, khi các em chưa đủ hoàn thiện cả về tâm lý và sinh lý để trở thành vợ chồng, người cha, người mẹ. Thực tế đã chứng minh điều này, tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục lạc hậu và tệ nạn đó thì không phải là chuyện một sớm một chiều.
 
Từng bước thay đổi nhận thức
 
Xác định việc thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số về xóa bỏ hủ tục lạc hậu là vấn đề gấp rút và lâu dài, theo hướng “mưa dầm thấm lâu”; Huyện ủy Đơn Dương đã đề ra nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chính quyền các cấp vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, tiệc tang và lễ hội, từ đó góp phần tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, chú trọng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.
 
Vai trò của người tiêu biểu, già làng, phụ nữ, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo... trong cộng đồng cũng được phát huy trong việc tham gia tuyên truyền, vận động, giáo dục bà con dân tộc thiểu số học tập, làm theo nếp nghĩ văn minh, tiến bộ, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Từ đó từng bước xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.
 
Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền trong các dịp lễ, tết đã được huyện Đơn Dương vận dụng có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, từ đầu năm đến nay, phòng đã kết hợp với các ban ngành, đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công an,... tổ chức 2 đợt tuyên truyền tại 2 xã Pró và Ka Đô. Tại các buổi tuyên truyền này, các tiểu phẩm theo từng chủ đề như tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông; các chính sách ưu đãi về nghĩa vụ quân sự... được lồng ghép một cách khéo léo, nhẹ nhàng nhưng có sức tác động lớn đến nhận thức của bà con. Ngoài ra, các buổi tuyên truyền này còn khuyến khích người dân đặt câu hỏi thông qua những phần quà, đồng thời đặt ra những câu hỏi tình huống, qua đó giải thích cặn kẽ những điều bà con chưa hiểu rõ, nhất là về các chính sách pháp luật. Chính những hoạt động thú vị này đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, nhất là chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó dần tạo ra những thay đổi trong nhận thức của bà con.
 
Chị Nông Thị Duyên, thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô hào hứng nói: “Các tiểu phẩm do chính các chị em trong xã đóng nên vừa vui, vừa gần gũi. Nhờ xem những tiểu phẩm này mà mình và chồng mình đã biết thêm nhiều quy định của pháp luật để tránh không vi phạm, cũng chú ý hơn đến con cái trong nhà, không cho chúng lấy vợ, lấy chồng trước tuổi”.
 
Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết thêm, chính những buổi tuyên truyền này đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra chuyển biến nhận thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng chứng cụ thể là các hủ tục lạc hậu đã phần nào giảm về số lượng, người ốm đau đã biết tìm đến trạm xá gặp bác sĩ thay vì tìm thầy mo, thầy cúng. Trong thời gian tới, chương trình này sẽ tiếp tục được tổ chức tại các xã còn lại, với hy vọng tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
 
VIỆT QUỲNH