Bác Hồ với người cao tuổi

08:09, 29/09/2016

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những người cao tuổi, Người dành cho thế hệ "cây cao bóng cả" của dân tộc một sự kính trọng và niềm tin sâu sắc. Bởi đây là thế hệ có vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ, phát huy, kết nối các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống; những người "giữ hồn cho dân tộc". 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những người cao tuổi, Người dành cho thế hệ “cây cao bóng cả” của dân tộc một sự kính trọng và niềm tin sâu sắc. Bởi đây là thế hệ có vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ, phát huy, kết nối các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống; những người “giữ hồn cho dân tộc”. 
 
Với sự quan tâm sâu sắc, tình cảm sâu nặng của mình, trong những bài viết, bài nói chuyện, Người nhiều lần nói đến vai trò, vị trí quan trọng của người cao tuổi đối với cách mạng Việt Nam.
 
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, đầu năm 1941, Bác Hồ về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau khi ổn định tình hình, Người tự tay viết thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Mặt trận Việt Minh; trong thư, đối với người cao tuổi, Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy tồn, phụ lão đều gánh trách nhiệm hết sức nặng nề… Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui… Những hành động, nghĩa cử cứu nước từ trước đến nay đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới lên…”.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong niềm hân hoan của toàn dân tộc; từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập, tự do. Nhưng một lần nữa, kẻ thù không muốn chúng ta được hưởng trọn vẹn niềm vui ngày độc lập, cách mạng Việt Nam buộc phải bước vào một giai đoạn mới với nhiều thử thách, chông gai, thù trong giặc ngoài đe dọa, nền độc lập vừa mới giành được đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, một cuộc chiến đấu mới bảo vệ những thành quả của cách mạng buộc phải tiến hành. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân để khắc phục khó khăn, Bác đánh giá cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong kiến thiết và bảo vệ nền độc lập nước nhà, trong đó có vai trò của lớp người cao tuổi. Theo Bác, để lớp người cao niên trong xã hội phát huy được vai trò của mình thì việc tiên quyết là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định và khi đó tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” đã ra đời.
 
Người kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”. Đồng thời, Người khẳng định “người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Khi đã là Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn luôn dành cho các bậc phụ lão những tình cảm đặc biệt, sự cổ vũ, động viên kịp thời, trân trọng. Cứ mỗi khi nhận được tin tức về những việc làm có ý nghĩa, những thành tích trong kháng chiến và sản xuất của các cụ phụ lão, Người đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi, lời chúc mừng, tặng Huy hiệu, tặng lụa...
 
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Bác thường nhắc: “Càng già càng anh hùng”, “Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai”. Với nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng vậy, Bác Hồ nói: “Tuổi già nhưng chí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”. Bác vô cùng quý mến, kính trọng người cao tuổi và nhắc nhở mọi người: “Với cụ già phải cung kính”. Trong Đảng, Bác cũng xác định các “đồng chí già” là rất quý, là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ.
 
Đối với người cao tuổi là vậy, còn đối với bản thân mình, dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng Người chưa bao giờ nghĩ rằng mình được phép dừng lại để nghỉ ngơi:
 
“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già…”
hay:
“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên”
 
Ở tuổi 78, trước khí thế tổng tiến công như vũ bão của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Bác cảm hứng viết bài thơ về tuổi tác của mình với một tinh thần lạc quan cách mạng:
 
“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm
Vẫn giữ hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước! Ta cùng con em ta”.
 
Những vần thơ hào sảng của Bác đã cho chúng ta thấy một tấm gương sáng về tinh thần lạc quan, yêu đời, cống hiến không mệt mỏi vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng quên tuổi già, quên cả bản thân…
 
Những quan điểm nhất quán, có tính hệ thống của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí xã hội, vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi đối với Tổ quốc cũng như những tình cảm mà Người dành cho người cao tuổi thể hiện rõ nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam - văn hóa Hồ Chí Minh.
 
Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm của Bác đối với người cao tuổi vẫn luôn sống mãi với thời gian và người cao tuổi Việt Nam luôn nguyện sống, học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức của Bác. Cùng với đó, thực hiện di huấn của Bác, ngày nay, Đảng, Nhà nước có nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với người cao tuổi, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, sự biết ơn của đất nước đối với những đóng góp của người cao tuổi đối với độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và hạnh phúc của nhân dân. Một trong những việc làm mang tính “đền ơn đáp nghĩa” đó là việc cho thành lập Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương để người cao tuổi có nơi sinh hoạt, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và là đầu mối chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người cao tuổi. Biết ơn Đảng, Nhà nước, đã có hàng triệu tấm gương người cao tuổi phát huy truyền thống “Tuổi cao chí càng cao” có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, thật sự là những gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Càng tự hào với truyền thống tốt đẹp của người cao tuổi Việt Nam và càng biết ơn sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, của Đảng, của Nhà nước đối với người cao tuổi, những người cao tuổi hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau luôn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống để mãi mãi là gương sáng cho thế hệ trẻ muôn đời!     
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH