Cải cách thủ tục hành chính: Từ trách nhiệm của người đứng đầu

09:09, 12/09/2016

Sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã tạo ra những chuyển biến mới từ việc đơn giản hóa những thủ tục không cần thiết và xây dựng những nội dung cấp thiết theo nhu cầu thực tế.

Ngày 10 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Sau thời gian triển khai thực hiện nội dung này, cải cách hành chính (CCHC) được đánh giá vận hành thông suốt hơn, tạo ra những chuyển biến mới từ việc đơn giản hóa những thủ tục không cần thiết và xây dựng những nội dung cấp thiết theo nhu cầu thực tế.
 
Thực hiện hồ sơ tại Trung tâm Hành chính tỉnh
Thực hiện hồ sơ tại Trung tâm Hành chính tỉnh
Mạnh mẽ trong cải cách
 
Từ năm 2010, Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực. Phiếu Lý lịch tư pháp rất cần thiết cho các trường hợp như: tuyển dụng công chức, cấp chứng chỉ hành nghề, thành lập doanh nghiệp, xuất cảnh… Trước đây, việc cấp phiếu được thực hiện theo phương thức thủ công là người dân đến trực tiếp tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp, được công chức hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, sau đó chuyển đến bộ phận Hành chính tư pháp thẩm định lại hồ sơ và lập phiếu yêu cầu xác minh tra cứu thông tin gửi đến cơ quan công an, cơ quan công an trả kết quả lại đơn vị tư pháp bằng văn bản. Nếu người dân cư trú nhiều nơi thì thời gian xác minh kéo dài và thời gian trả kết quả sẽ dài tương ứng, dẫn đến tình trạng trễ hẹn, nhất là với một địa phương có nhiều cư dân đến từ nhiều nơi như Lâm Đồng.
 
Nhiều sở, ngành và địa phương tích cực tham gia đối thoại cải cách hành chính 
 
Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, trong những tháng đầu năm nay, nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành trong tỉnh đã tích cực tham gia chương trình Gặp gỡ, đối thoại về cải cách hành chính (CCHC) do tỉnh tổ chức trên sóng phát thanh - truyền hình (PT-TH) Lâm Đồng.
 
Theo kế hoạch trong năm 2016 này, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nội vụ Lâm Đồng phối hợp với Đài PT-TH Lâm Đồng cùng các sở, ngành, các huyện, thành trong tỉnh thực hiện 11 chuyên mục trực tiếp trên sóng PT - TH, định kỳ vào chủ nhật tuần thứ hai hằng tháng. 
 
Đến thời điểm này, rất nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành trong tỉnh đã tham gia chương trình như UBND huyện Đức Trọng, UBND huyện Đạ Huoai, UBND thành phố Đà Lạt, UBND huyện Lạc Dương, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch, Chi cục Hải quan Đà Lạt…  
 
VIẾT TRỌNG

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật, kết quả cho thấy, tình trạng trễ hẹn giải quyết hồ sơ vẫn xảy ra. Tháng 1 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19 phê duyệt Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến với sự tham gia của 5 tỉnh, thành. Dù là tỉnh không thuộc thành phần thực hiện đề án thí điểm nhưng nhận thấy sự cấp thiết đối với địa phương, ông Nguyễn Tạo, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng đã chủ động đề xuất với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (TTLLTPQG) trong dịp đoàn công tác đến Lâm Đồng vào cuối năm 2015 và đã nhận được đồng tình, hỗ trợ. Tháng 2 năm 2016, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 210/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Từ đó, việc đăng ký cấp phiếu qua hệ thống các bưu cục tại 12 huyện, thành phố đã được triển khai từ tháng 4/2016. Tiến thêm một bước, triển khai song song với kế hoạch tích hợp dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu LLTP thông qua dịch vụ bưu chính với cấp phiếu LLTP trực tuyến đang được tiến hành; Sở Tư pháp Lâm Đồng còn áp dụng giải pháp “kiềng ba chân” trong thực hiện tra cứu hồ sơ với sự phối hợp giữa TTLLTPQG (Bộ Tư pháp) - Sở Tư pháp và C53 (Bộ Công an). 

Theo đó, Sở Tư pháp gửi các tập tin hồ sơ điện tử về TTLLTPQG, từ đó chuyển dữ liệu về C53 và kết quả tra cứu được TTLLTPQG thông tin về Sở Tư pháp bằng văn bản điện tử, quy trình thực hiện trong vòng 5 ngày. Với sự nhanh chóng này, kết quả cấp phiếu LLTP cho người dân đã diễn ra rất kịp thời chính xác. Tính đến tháng 9 này, Sở Tư pháp giải quyết khoảng 2.500 hồ sơ để cấp phiếu và theo thống kê thì từ khi triển khai các giải pháp mới đã không còn tình trạng trễ hẹn. Chị Phạm Tường Vy (Lộc Phát, Bảo Lộc) nhận xét, so với trước đây, chị thực hiện thủ tục và hoàn thành trong vòng 7 ngày, rất minh bạch, dịch vụ đạt chất lượng cao. 
 
Sau khi Chỉ thị 13 được ban hành vào tháng 6 năm 2015, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị này với nội dung gồm 16 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, có phân công cụ thể trách nhiệm đến tận từng cấp, từng ngành; đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm của lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
 
Đến nay, hàng loạt các sở, ban, ngành, địa phương khác đã vào cuộc trong công tác CCHC với tinh thần quyết tâm, bắt đầu từ vai trò mạnh dạn của lãnh đạo đầu ngành. Đó là ngành Giao thông với phần mềm Quản lý giấy phép lái xe. Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội với phần mềm Quản lý người có công, Quản lý lao động nước ngoài. Ngành Thanh tra ứng dụng phần mềm Tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại…
 
Cải cách qua truyền thông  
 
Từ năm 2012, chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp gỡ, đối thoại cải cách hành chính” do Đài PT-TH Lâm Đồng cùng Sở Nội vụ Lâm Đồng thực hiện đã ra mắt. Đây là một chương trình được tổ chức theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh với những nội dung liên quan đến công tác CCHC của các ngành, các địa phương có mối liên hệ thường xuyên với người dân và doanh nghiệp. Thành phần tham gia là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các địa phương. Chương trình mang tính dài hơi này được đánh giá đã tạo ra một luồng sinh khí đối thoại khá cởi mở, đầy tính tương tác để đẩy mạnh CCHC.
 
Sau khi Chỉ thị 13 ra đời, nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc đối thoại với người dân, tháng 1 năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tham gia chương trình này, nếu không thể tham gia chương trình phải có văn bản báo cáo và cử cấp phó phụ trách lĩnh vực thường phát sinh vướng mắc, kiến nghị của người dân tham gia… Có thể nói, từ những quy định nghiêm túc đó, chương trình đã xây dựng được nhiều nội dung sinh động và mang tính thực tiễn. Tháng 4/2016, chương trình tập trung giải đáp những thắc mắc của người dân và các thành phần kinh tế về công tác CCHC tại hai địa phương gồm thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương với hai khách mời là ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt và ông PhạmTriều - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương.  Đến tháng 5 là những nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính của hai ngành Hải quan và Thuế với những giải đáp từ ông Nguyễn Văn Từa - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng; ông Nguyễn Vĩnh Quảng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt… Những nội dung chính sách mới, những vấn đề dân sinh đang diễn ra, những kiến nghị… đều được đi sâu với tinh thần thẳng thắn, trọng tâm để đem lại hiệu quả cao hơn. 
 
Đi sâu vào cải cách TTHC, việc nắm bắt xác thực và kịp thời ý kiến của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ hành chính công được ghi nhận tại địa chỉ http://khaosatdichvucong.lamdong.gov.vn. Cùng với quá trình đẩy mạnh mạng hóa, số hóa; hiện trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cung cấp hầu như toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 và 33 thủ tục thuộc mức độ 3 như đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế, cấp phép xuất bản tin và tài liệu không kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe…Hệ thống một cửa điện tử hiện đại thông qua motcua.lamdong.gov.vn đang được mở rộng. 
 
Theo kết quả tổng hợp, tỷ lệ hồ sơ TTHC sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 13 tại Lâm Đồng  được giải quyết đúng hạn đạt 99,22%... Nhiều cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn 100% như: Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Thanh tra tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ… Thực hiện thủ tục chuyển đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Hành chính Lâm Đồng, chị Trần Thị Khuyết làm công việc buôn bán nhỏ (sống tại 13/9 Nguyễn An Ninh, phường 6, Đà Lạt) cho rằng, với nhiều cải cách về TTHC, người dân không ngại đến hai từ “thủ tục” nữa bởi quy trình đều rõ ràng và thuận lợi.
 
HẢI YẾN