Ấp Nghệ Tĩnh ngày ấy và bây giờ

09:09, 12/09/2016

Là người Nghệ Tĩnh, cư ngụ thành phố Đà Lạt gần ba chục năm, nhiều lần tôi và một số bạn bè trong giới nghiên cứu muốn viết về ấp Nghệ Tĩnh ở thành phố Đà Lạt. Mãi năm nay, đúng dịp kỉ niệm 86 năm Ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, duyên mới đến, dâng đầy những cảm xúc tự hào về một vùng quê... 

Là người Nghệ Tĩnh, cư ngụ thành phố Đà Lạt gần ba chục năm, nhiều lần tôi và một số bạn bè trong giới nghiên cứu muốn viết về ấp Nghệ Tĩnh ở thành phố Đà Lạt. Mãi năm nay, đúng dịp kỉ niệm 86 năm Ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, duyên mới đến, dâng đầy những cảm xúc tự hào về một vùng quê... 
 
Đình Nghệ Tĩnh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2008
Đình Nghệ Tĩnh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2008
Theo sử liệu, chỉ còn mấy tháng nữa là tròn 90 năm, tính từ khi những người Nghệ An, Hà Tĩnh đầu tiên rời xứ sở miền Trung của nắng nóng như ấp mặt vào chảo rang di cư vào nơi cao nguyên quanh năm lạnh này lập nghiệp. Họ là con dân của vùng “địa linh” lao động cần cù, thông minh và “gàn” là thuộc tính. Khi định cư nơi xứ sở mộng mơ, thư thái này, những phẩm chất và đặc điểm Nghệ Tĩnh phát huy ở một tầm cao... 
 
Tôi rất may mắn được tiếp cận những tư liệu quý của các tác giả cư ngụ thời kỳ đầu tiên ở ấp, đặc biệt còn gặp được những nhân vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển ấp Nghệ Tĩnh. Đó là cụ Nguyễn Thái Huyền, nay đã 89 tuổi, sinh ra ở huyện Đô Lương, theo bố mẹ vào thị xã Đà Lạt năm 1935. Cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia giành chính quyền tại Đà Lạt năm 1945. Năm 2016, cụ Huyền vinh dự nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Một nhân vật khác - anh Nguyễn Thái Mai, thông qua giới thiệu của lãnh đạo Đảng ủy phường 8. Anh Mai sinh tại Đà Lạt năm 1959, là Khu phố trưởng Nghệ Tĩnh kể từ năm 1993, giờ là tổ trưởng dân phố Nghệ Tĩnh 3. Năm 2013, Đà Lạt kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển, công dân Nguyễn Thái Mai được vinh danh là Gương điển hình tiên tiến của thành phố. Xâu chuỗi cùng những tư liệu quý của các tác giả khác, tôi hình dung một dáng vóc ấp Nghệ Tĩnh xưa và nay. 
 
Ngày xưa ấy…
 
Năm 1893, sau kết quả khám phá của bác sĩ Alexandre Yersin, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và phát triển. Năm 1923, đồ án quy hoạch Đà Lạt của Ernest Hésbrad hoàn thành. Năm 1927, lớp người đầu tiên ở Nghệ An và Hà Tĩnh có mặt tại Đà Lạt, đó là các ông: Nguyễn Thái Hiến, Nghiêm Trang, Phan Văn Lưu, Ngô Đức Thận, Phan Diệm… Tháng 8 và 9 năm 1930, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, hàng ngàn nông dân, công nhân vùng lên bằng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đánh dấu son chói lọi trong sử vàng của Việt Nam. Người Nghệ An, Hà Tĩnh lên Đà Lạt ngày càng đông, trong đó có một số đã tham gia phong trào này. Họ thành lập các Hội đồng hương, Hội Ái hữu, Hội tương tế… nhằm đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ nhau tìm việc làm, xây dựng cơ sở cách mạng. Họ không chỉ là lực lượng chủ yếu trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, tham gia nhiều vị trí chủ chốt trong Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên, mà còn ghi nhiều dấu ấn khác trong trang sử của thành phố Đà Lạt. Ví dụ, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Lâm Viên; xây dựng Đình Nghệ Tĩnh làm nơi hoạt động cách mạng (Đình này trở thành Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008); tham gia anh dũng các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Riêng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ấp Nghệ Tĩnh đã có 11 người hy sinh, 19 người bị địch bắt giam và 16 người vào chiến khu…
 
Năm 1940, người Pháp tăng cường khai phá, lập đồn điền, xây dựng công sở, biệt thự… do đó thực hiện quy hoạch dân cư, ấp Nghệ Tĩnh được thành lập. Là vùng đất hoang vu, khai phá được 70 ha, chia lô cho 70 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu. Trong đó khoảng 40 ha sản xuất nông nghiệp. Cụ Nguyễn Thái Huyền nhớ lại: Hồi đó, đời sống của người dân Nghệ Tĩnh hết sức khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là rau và hoa nhưng không đủ nhân lực phải thuê lao động bản địa. Giống cây mua của người Pháp, phân cá mua tại Phan Rang… Cụ Huyền chậm rãi: “Đà Lạt rất rét, luôn có tuyết rơi. Tôi rất nhớ vì có chuyện thế này, tuyết phủ rọ ươm (cây giống) bông đóng kín, bà con nấu nước ấm đổ lên cho tan tuyết… Thế rồi chết luôn cây”. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cuộc sống, người dân Nghệ Tĩnh “dần dần đủ ấm”. Năm 1944, người Nhật có mặt ở Đà Lạt, từ 1.000 sau đó lên 2.000 người. Vì thế, rau trở nên khan hiếm. Nhà cửa của dân chỉ lợp tôn, xung quanh thưng bìa gỗ. “Cả làng không có chiếc xe đạp. Bây giờ anh thấy đấy, nhà nào cũng xe máy, toàn nhà xây kiên cố… Dọc đường từ nhà tôi đây lên đến ngã 5 kia (Ngã 5 Đại học) 250 mét, hồi đó chỉ có 6 hộ bây giờ có hơn 60 hộ”, cụ Huyền so sánh.  
 
Hoa salem cao cấp của nhà anh Mai luôn thu hút mạnh thị trường thành phố Hồ Chí Minh
Hoa salem cao cấp của nhà anh Mai luôn thu hút mạnh thị trường thành phố Hồ Chí Minh
Và hôm nay…
 
Năm 1975, ấp Nghệ Tĩnh hợp nhất với ấp Hà Đông  thành Tập đoàn 3 Đông Tĩnh. Hơn 10 năm sau giải thể Tập đoàn, nền kinh tế phát triển tự do theo hướng cá thể và mở cửa. Đất dần có giá, người dân bán đi nên tổng diện tích tự nhiên vào năm 1987 giảm xuống còn 40 ha, trong đó khoảng 8 ha sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1992, người dân nơi khác đến vùng Nghệ Tĩnh định cư ngày một đông. Từ ấp Nghệ Tĩnh rồi đổi thành Khu phố Nghệ Tĩnh và đầu năm 2012 tách thành 5 tổ dân phố gồm 1, 2, 3, 4, 5 nhưng đều gắn địa danh Nghệ Tĩnh. Tổ trưởng Nghệ Tĩnh 3 Nguyễn Thái Mai cho biết, hiện dân số 5 tổ Nghệ Tĩnh khoảng 850 hộ, khoảng 3.500 nhân khẩu. Toàn vùng còn khoảng 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại chuyển kinh doanh nhà trọ, nhà hàng, kiốt… Riêng phòng trọ có hơn 80 hộ kinh doanh, khoảng 200 phòng với khoảng 450 người. Còn sản xuất rau và hoa 100% diện tích đều ứng dụng công nghệ cao; doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha/năm đối với hoa, 250 triệu đồng/ha/năm đối với rau. Gia đình anh Nguyễn Thái Mai - chị La Thị Phước chưa tính mấy chục phòng trọ, 4 sào rau, hoa đã thu nhập trung bình mỗi năm 400 - 500 triệu đồng. “Tôi đầu tư rất kỹ, từ hệ thống tưới nước sạch có kỹ thuật đến nhà kính nên rau, hoa luôn đảm bảo chất lượng”, anh Mai giới thiệu. Đảng ủy phường 8 cho biết, mục tiêu của phường giai đoạn từ 2015-2020 là hoa có giá trị kinh tế cao từ 30 - 40%, rau, hoa các loại 60%; doanh thu bình quân đạt 600 triệu đồng/ha/năm đối với hoa và 300 triệu đồng/ha/năm đối với các loại rau. 
 
Với nền kinh tế mở, cư dân Nghệ Tĩnh ngày càng tạo lập một cuộc sống khá giả. Trong 10 năm (1993-2003), toàn Khu phố chỉ có 4 hộ nghèo, bây giờ thì hoàn toàn không còn hộ nào. Mức sống trung bình của người dân Nghệ Tĩnh giờ so với giai đoạn 1995-1997 tăng 40-50%; 100% nhà xây kiên cố, nhiều villa hàng tỷ đồng. Năm 2003, Khu phố Nghệ Tĩnh là khu phố đầu tiên của phường 8 được công nhận khu phố văn hóa. Hiện, toàn Đảng bộ phường có 22 tổ, khoảng 300 đảng viên, riêng 5 tổ Nghệ Tĩnh với 5 chi bộ có tới gần 90 đảng viên. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao của 5 tổ luôn luôn dẫn đầu trong phường. Tính từ năm 1945-2004, ấp Nghệ Tĩnh có 2 tiến sĩ, 1 phó tiến sĩ và hơn 100 bác sĩ, kĩ sư, cử nhân…; sau này, nhà nào cũng có 2-3 con trở lên học đại học nên số lượng tăng lên rất nhiều lần và chưa thể thống kê được. 
 
Sự phát triển kinh tế - xã hội của 5 tổ dân phố Nghệ Tĩnh đã góp phần to lớn trong sự phát triển chung của phường 8. Theo Đảng ủy phường 8, giai đoạn từ 2010-2015, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng; thu ngân sách bình quân hàng năm vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao 5%. Phường đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, mầm non cho trẻ 5 tuổi và THCS; đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2015, 100% đạt tổ dân phố văn hóa; 100% đạt cơ quan văn hóa; 95% đạt gia đình văn hóa và phường đạt chuẩn phường văn minh đô thị...
 
Ghi chép: MINH ĐẠO