Đơn Dương nỗ lực giữ vững tiêu chí môi trường

09:09, 12/09/2016

Tiêu chí số 17 về môi trường được xem là "nút thắt" khó cởi nhất trong xây dựng NTM. Tiêu chí này khá rộng, gồm nhiều tiêu chí "con". Hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đã khó, việc giữ vững tiêu chí này còn khó hơn.

Tiêu chí số 17 về môi trường được xem là “nút thắt” khó cởi nhất trong xây dựng NTM. Tiêu chí này khá rộng, gồm nhiều tiêu chí “con”, thể hiện ở 5 lĩnh vực: Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đã khó, việc giữ vững tiêu chí này còn khó hơn.
 
Những con hẻm sạch, đẹp tại xã Lạc Lâm (Đơn Dương)
Những con hẻm sạch, đẹp tại xã Lạc Lâm (Đơn Dương)
Dễ biến động
 
Huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, bảo đảm vệ sinh cộng đồng... Nhờ đó đã nâng cao nhận thức của nhân dân trong toàn huyện về vấn đề môi trường, bộ mặt đô thị cũng như nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Huyện ủy Đơn Dương, tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, bất cập. 
 
Đó là hậu quả của việc ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa cao. Thói quen đổ rác thải bừa bãi, tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ” chưa hoàn toàn chấm dứt. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cảnh quan - môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc chỉnh trang, xây dựng nhà ở chưa bám theo qui hoạch chung xây dựng NTM đã được phê duyệt cũng gây ảnh hưởng tới việc duy trì yếu tố môi trường bền vững... Ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương nói: “Đơn Dương là địa bàn đặc thù, sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn nên rác thải từ khâu sản xuất đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp đã thải ra môi trường lượng rác rất lớn. Trong khi đó hầu hết các xã hiện nay mới dừng lại được ở việc thu gom rác thải, còn khâu xử lý vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế đến nay vẫn chưa có một giải pháp công nghệ nào thực sự phù hợp để xử lý lượng rác thải sinh hoạt nông thôn đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành”. Yếu tố môi trường chưa thực sự xứng tầm với huyện đạt chuẩn NTM.
 
Củng cố tiêu chí 17
 
Đồng chí Trương Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho biết: Nhận thức rõ những khó khăn đặt ra, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện môi trườn nông thôn mới đạt chuẩn; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường”. Đặc biệt, việc ban hành Chỉ thị 38 về việc: Tập trung lãnh đạo, làm thay đổi rõ nét về cảnh quan - môi trường, vệ sinh công cộng trên địa bàn toàn huyện. 
 
Chỉ thị 38 nhằm tập trung lãnh đạo làm chuyển biến rõ nét về cảnh quan, môi trường, vệ sinh công cộng trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện tập trung thực hiện nhiệm vụ trên. Theo đó, các TCCS đảng đã tổ chức xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng, tôn tạo cảnh quan - môi trường trên địa bàn, tại cơ quan, đơn vị. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động và phối hợp với Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng và các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp tập kết - thu gom, xử lý rác thải; chọn và xây dựng các tuyến đường cấp xã, thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, các xã phải bố trí nguồn kinh phí cụ thể để quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương Nguyễn Văn Anh cho biết: Qua một năm triển khai chỉ thị, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện. Mặc dù chưa hoàn toàn thay đổi triệt để, song cảnh quan môi trường các địa phương đã dần được cải thiện. Điển hình như tại Lạc Xuân, Lạc lâm, Ka Đô - những xã có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất trong toàn huyện đã cơ bản giải quyết tốt việc tập trung rác thải nông nghiệp vào thùng rác ở các khu sản xuất. Hoàn thành 1 tuyến đường hoa cấp xã và 2 tuyến cấp thôn ở Quảng Lập, Lạc Lâm. Dân quân xã Đạ Ròn tiến hành “gác đêm” để xử lý nghiêm các xe tải chở rác thải nông nghiệp đổ sai quy định, lãnh đạo và nhân dân hai xã Ka Đơn và Tu Tra thường xuyên tiến hành dọn dẹp rác thải ở con đường giáp ranh hai xã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân…
 
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Chỉ thị 38 đã thực sự đi vào cuộc sống. Chị Ma Đoàn - một trong 35 người có uy tín ở huyện Đơn Dương, trú tại thôn K’ Rái 1, xã Ka Đơn cho biết: “Ngày trước, bà con mình không quan tâm nhiều tới vấn đề môi trường, nhưng bây giờ khác rồi. Bà con được tuyên truyền nên đã hiểu môi trường sinh sống không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ra bệnh tật, nên ai cũng có ý thức giữ gìn hơn và còn tích cực tham gia các ngày tổng dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm ở thôn, xã”.
 
Tại hội nghị gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng mới đây, các cán bộ lão thành đều nhất trí, đồng tình và hoan nghênh việc Chỉ thị 38 đã đi vào cuộc sống người dân. Đồng thời, bày tỏ “giờ về hưu rồi cố gắng giữ gìn đường làng, ngõ xóm cho sạch đẹp rồi vận động con cháu cùng làm theo để góp sức nhỏ cho công cuộc to lớn là xây dựng và giữ vững danh hiệu NTM cho địa phương”.
 
N. NGÀ