Dự án về sách của người Việt nhận giải xóa mù chữ của UNESCO

08:09, 19/09/2016

Ngày 8/9/2016, Nguyễn Quang Thạch đã có mặt nhận giải thưởng Vua Sejong 2016 được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp. Anh là người sáng lập, vận hành, duy trì Chương trình Sách hóa nông thôn trong gần 20 năm qua dù bị hỏng một mắt...

Khi Nguyễn Quang Thạch đại diện Sách hóa nông thôn sang Pháp nhận giải thưởng Vua Sejong - một giải thưởng về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016, đó là một niềm vui lớn mới đến với không chỉ riêng với anh mà với rất nhiều người yêu sách và tri thức. Giải thưởng tôn vinh những người khai trí. Anh khiến cộng đồng mạng càng khâm phục khi bản thân anh là một người khiếm thị nhưng mang lại ánh sáng tri thức cho rất nhiều trẻ em ở mọi vùng miền.
 
Anh Nguyễn Quang Thạch thứ hai từ trái qua, trao tặng sách tại một trường học (Hình do nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Quang Thạch thứ hai từ trái qua, trao tặng sách tại một trường học (Hình do nhân vật cung cấp)
Xót lòng nhìn con nít mê sách
 
Nguyễn Quang Thạch kể, bố mẹ anh là nhà giáo nên ngay từ nhỏ anh đã lớn lên quanh những bức tường sách. Nhà anh ở có hàng trăm cuốn sách được bố mẹ tuyển lựa kỹ càng trước khi đưa về nhà, giới thiệu sách với con cái. Tình yêu sách từ bố mẹ truyền qua cậu bé Thạch ngày ấy theo kiểu “mưa dầm ngấm đất” từ lúc nào không hay, và thấm mãi cả về sau.
 
Tuy vậy, ở làng quê nghèo Hà Tĩnh của Thạch, số trẻ được tiếp xúc với sách phong phú như anh rất hiếm. Thạch cười và chia sẻ, đến tận bây giờ, sau vài chục năm, dù điều kiện đã khá hơn nhưng ở những vùng nông thôn nghèo vẫn rất hiếm nguồn sách cho trẻ.
 
Giải Vua Sejong về xóa mù chữ (The UNESCO King Sejong Literacy Prize) là giải chính thức của UNESCO về giáo dục, được lập ra vào năm 1989, tôn vinh các đóng góp giúp nhân loại biết chữ và biết đọc. Giải do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, mang tên vị vua khai trí của Hàn Quốc. Lễ trao giải Vua Sejong 2016 được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp. Ngày 8/9/2016 Nguyễn Quang Thạch đã có mặt nhận giải thưởng lớn này. Anh đại diện cho “Sách hóa nông thôn” và Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng do anh sáng lập và làm giám đốc.

Nguyễn Quang Thạch đã dành tâm huyết, thời gian của cuộc đời mình cho “hành trình” Sách hóa nông thôn. Bàn chân anh đã in trên nhiều chặng đường, đến với nhiều vùng quê để thực hiện chí hướng của mình: Đưa sách “phủ sóng” rộng khắp các vùng nông thôn đất nước. Đó là điều không dễ dàng gì khi trước đó anh chỉ là một cán bộ công chức, bị hỏng một mắt và vẫn gánh vác trách nhiệm gia đình hàng ngày. Tuy vậy, Thạch vẫn quyết định nghỉ việc, dành nhiều vật chất tích cóp trong nhiều năm để thực hiện dự án chỉ vì không nỡ nhìn một thế hệ tương lai của đất nước lớn lên trong cảnh “đói” sách.

Khác với nhiều dự án đưa sách đến thiếu nhi khác, Thạch chú tâm nhiều vào việc “truyền lửa” tình yêu sách. Không chỉ là việc lửa được truyền từ anh đến những người trẻ tuổi, cộng đồng mạng... để cùng kết nối chắp cánh thực hiện rộng khắp việc đưa sách tới nông thôn mà còn từ những việc rất nhỏ như: anh có thể dành cả buổi để nói với một em bé, một bạn trẻ về một cuốn sách hay nào đó. Thạch vẫn luôn quan niệm, cho một cuốn sách không khó, trao một niềm tin yêu vào sách mới thực sự khó.
 
Sách hóa nông thôn vẫn luôn kêu gọi người gốc nông thôn và người đang sinh sống ở nông thôn hành động xây dựng tủ sách cho dòng họ, trường cũ, xứ đạo... của mình. Đây là một trong những dự án cá nhân nhưng được nhiều người biết và ủng hộ.
 
Nguyễn Quang Thạch dành gần 20 năm qua và vẫn tiếp tục cống hiến phần lớn quỹ thời gian của mình cho chí hướng “Sách hóa nông thôn”. Nhằm tăng tốc Sách hóa nông thôn đạt 300.000 tủ sách vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh được đọc sách, nhiều lần anh đã quyết định thực hiện đi bộ xuyên Việt. Anh Thạch chia sẻ, đi bộ là cách thuận tiện nhất để anh có thể dừng lại bất cứ nơi nào cần để chia sẻ tình yêu sách. Anh đã hỏi rất nhiều người dọc đường đi về cơ hội tiếp cận sách của họ trong tuổi học trò, phần lớn từ Bắc vào Nam đều có câu trả lời giống nhau “Không có sách để đọc”.
 
Dành giải thưởng mua sách tặng người nghèo
 
Kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (8/9/1966 - 8/9/2016), tại Thủ đô Pari, Pháp, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh nhà hoạt động khiếm thị Nguyễn Quang Thạch, thông qua sáng kiến “Sách hóa nông thôn ở Việt Nam” được trao “Giải thưởng xóa mù chữ quốc tế”. Đây được xem là sự kiện lớn mà giới làm sách, yêu sách quan tâm hàng đầu.
 
Giải thưởng danh giá này có trị giá lên tới gần 450 triệu đồng. Nguyễn Quang Thạch cho biết, dù mình là người sáng lập, vận hành, duy trì Chương trình Sách hóa nông thôn nhưng thành công của chương trình là nhờ sự ủng hộ từ rất nhiều phía. Nếu như ngày bắt đầu vận hành Chương trình Sách hóa nông thôn, nhiều người vẫn còn nghi ngại nói rằng, nông thôn còn thiếu cơm, thiếu sữa, áo quần cho trẻ, nói chi tới sách, thì hiện nay chương trình được hàng nghìn người ủng hộ; Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng xem chương trình như một tâm điểm về phát triển giáo dục, văn hóa. Thạch sẽ dùng phần lớn số tiền thưởng này để tiếp tục mua sách, xây dựng tủ sách ở nông thôn và anh tuyệt đối không tơ hào vụ lợi riêng một đồng tiền thưởng nào cho bản thân mình.
 
Kinh nghiệm sau nhiều chuyến đi bộ xuyên Việt cho anh thấy, những người sinh ra và lớn lên trước 1975 từ Huế trở vào được đọc nhiều sách với những tên sách rất lạ nhưng ai cũng được đọc cuốn Những tâm hồn cao thượng, Túp lều bác Tôm, Không gia đình... Đây cũng là những tác phẩm kinh điển mà nhóm anh Thạch đã chia sẻ rất nhiều lần. Nhưng nhiều vùng quê ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, sách văn học kinh điển chưa được chú ý tiếp cận. Và điều đặc biệt là hàng chục năm có mặt ở Việt Nam, những tác phẩm văn học kinh điển này vẫn khiến nhiều trẻ em, người lớn say mê. Bản thân anh cũng luôn lưu ý để đưa nhiều hơn những cuốn sách chất lượng, nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ như thế tới độc giả.
 
Hiện có tới 100.000 thành viên xã hội quan tâm dự án này. Hàng trăm nghìn người ủng hộ nhưng đến nay Nguyễn Quang Thạch vẫn thường xuyên bị đặt điều, chê bai vô căn cứ... nhằm hạ uy tín chính anh và chương trình. Vậy nhưng anh vẫn kiên định với con đường nhiều gian truân, vất vả này. 
 
Với dự án ý nghĩa của mình, Nguyễn Quang Thạch là người Việt Nam đầu tiên có vinh dự nhận giải UNESCO. Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam đã gửi duy nhất hồ sơ chương trình “Sách hóa nông thôn” đề nghị xét giải Vua Sejong đến UNESCO. UNESCO chính thức công bố chiến thắng giải Vua Sejong thuộc về Việt Nam và Thái Lan. Ông Qian Tang - trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về lĩnh vực giáo dục cho biết trong thư thông báo về giải thưởng Vua Sejong: “Ban giám khảo đánh giá rất cao sáng kiến của chương trình là tập trung xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc. Hơn nữa, chương trình thành lập được hơn 9.000 thư viện trên khắp các vùng nông thôn của Việt Nam trong 10 năm qua với số tiền quỹ ít ỏi và dựa trên việc quyên góp sách”.
 
VÕ THU HƯƠNG