Tập thể "đi trước, về sau"

09:09, 28/09/2016

Cùng với sự hình thành và phát triển của Trường Chính trị Lâm Đồng, trong suốt 40 năm qua, Phòng Đào tạo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp sức chung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị "cấp bách, thường xuyên, lâu dài" là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Cùng với sự hình thành và phát triển của Trường Chính trị Lâm Đồng, trong suốt 40 năm qua, Phòng Đào tạo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp sức chung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị “cấp bách, thường xuyên, lâu dài” là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
 
Một buổi họp triển khai kế hoạch của Phòng Ðào tạo
Một buổi họp triển khai kế hoạch của Phòng Ðào tạo
Sau nhiều lần đổi tên từ Phòng Tổ chức - Đào tạo tới Phòng Quản lý Đào tạo và tới năm 2009 đổi tên thành Phòng Đào tạo; Phòng Đào tạo đã từng là nơi công tác của nhiều cán bộ chủ chốt, nhiều trưởng, phó các khoa của Trường Chính trị. Đến nay, Phòng Đào tạo có 8 cán bộ, viên chức. Phòng Đào tạo có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Giám hiệu quản lý, điều hành công tác giảng dạy, học tập các lớp hiện có nhằm đảm bảo chương trình nội dung và chất lượng đào tạo. Đồng thời, tham mưu cho Ban Giám hiệu tổ chức mở các lớp trung cấp lý luận chính trị tại các huyện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn đo đạc ruộng đất, lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn thanh niên cơ sở, bồi dưỡng kiến thức kinh tế thị trường nông thôn…
 
Suốt chặng đường 40 năm qua, Phòng Đào tạo luôn làm tốt công tác tham mưu giúp Hiệu trưởng trong tổ chức, quản lý điều hành, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, như việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, hàng quý, hàng tháng và kế hoạch cụ thể của từng lớp. 
 
Thầy Đoàn Thanh Bình - Trưởng Phòng Đào tạo, người có 26 năm công tác tại trường cho biết: Cán bộ Phòng Đào tạo là những người “đi trước về sau”. Trước khi xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, Phòng Đào tạo có nhiệm vụ thực hiện công tác thăm dò tại tất cả các đơn vị cơ sở trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu đào tạo. Sau khi tập hợp kết quả thăm dò để có ý kiến thống nhất giữa nhà trường với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, cũng như căn cứ vào thực lực của trường, Phòng xây dựng kế hoạch đào tạo của năm. Kế hoạch đảm bảo hoạt động cho các lớp gối đầu từ năm trước sang năm sau cũng như các lớp mới. Bên cạnh đó, Phòng cũng phối hợp với các khoa, phòng, trung tâm tham mưu giúp cho Ban Giám hiệu trong xây dựng kế hoạch đào tạo, lên lịch học hàng tháng, hàng tuần cụ thể cho từng lớp. Khi công tác giảng dạy được tiến hành, Phòng Đào tạo tiếp tục phối hợp với các khoa, theo dõi công tác giảng dạy của giáo viên cũng như công tác học tập của học viên. Ngoài ra, Phòng Đào tạo còn hỗ trợ Đảng ủy trong việc tập hợp các học viên là đảng viên để thành lập chi bộ lâm thời, tổ chức đoàn thanh niên trong các lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung. Tuy bận bịu, song cán bộ Phòng Đào tạo vẫn tham gia công tác giảng dạy, cũng như nghiên cứu các công trình khoa học.
 
 Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi công tác giảng dạy tại các lớp học dần đi vào hồi kết, cán bộ Phòng Đào tạo cùng các khoa chuyên môn lại phối hợp để thành lập hội đồng thi, hội đồng xét tốt nghiệp... Từ việc chuẩn bị tất cả các văn bản, quyết định cho việc tổ chức thi và chấm thi cho đến các việc “tay chân” như rọc phách, vào điểm… đều có sự tham gia của cán bộ Phòng Đào tạo. Cán bộ Phòng Đào tạo đều tâm niệm: những công việc “hậu trường” này đòi hỏi tính trách nhiệm nhiệt tình cao, “sai một ly đi một dặm”. Bởi đây là kết quả phản ánh năng lực của một số lượng không nhỏ cán bộ của địa phương.
 
Thầy Đoàn Thanh Bình cho biết thêm: “Không chỉ có nhà bếp mới làm công tác hậu cần, mà Phòng Đào tạo cũng đang thực hiện nhiệm vụ hậu cần, từ chỗ ăn ở, tài liệu học tập cho học viên, việc xây dựng nội quy, quy chế trong dạy và học; lưu trữ tài liệu theo đúng quy định cho đến kế hoạch giảng dạy của giáo viên cũng như việc phát huy hiệu quả tối đa cơ sở vật chất của nhà trường để phục vụ cho công tác đào tạo... đều là nhiệm vụ thường xuyên của Phòng Đào tạo”.
 
Trong suốt 40 năm qua, Phòng Đào tạo đã tham mưu cho nhà trường mở gần 1.400 lớp với trên 67 ngàn học viên. Trong đó, có 13 lớp cao cấp lý luận chính trị với hơn 1.200 học viên, 12 lớp cử nhân chính trị và đại học chuyên ngành với gần 1.000 học viên, 129 lớp trung cấp lý luận chính trị với hơn 8 ngàn học viên, 9 lớp sơ cấp lý luận chính trị với hơn 600 học viên, 13 lớp trung cấp hành chính, 11 lớp trung cấp chuyên nghiệp và nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính...
 
Với những cống hiến không mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, từ năm 1995 đến nay, Phòng Đào tạo luôn đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và có 7 năm được nhận bằng khen của UBND tỉnh.
 
NGỌC NGÀ