Cần có biện pháp tích cực hạn chế di cư tự do vào Tây Nguyên

09:10, 20/10/2016

Di dân là một quy luật tất yếu của tiến trình phát triển xã hội và là vấn đề không mới trên thế giới. Tây Nguyên là một địa bàn rộng lớn với 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Toàn vùng, giai đoạn 1994-1999 có "tỷ suất di cư đến" cao nhất nước. 

Di dân là một quy luật tất yếu của tiến trình phát triển xã hội và là vấn đề không mới trên thế giới. Tây Nguyên là một địa bàn rộng lớn với 54.474 km 2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Toàn vùng, giai đoạn 1994-1999 có “tỷ suất di cư đến” cao nhất nước. Về thành phần dân tộc di cư, theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 60%, dân tộc Kinh 40%. Trong các DTTS, dân tộc H’mông có số lượng đông nhất, tính từ năm 1996 đến 12/2011 có tới 9.856 hộ, 55.785 khẩu, cư trú tương đối tập trung ở khoảng 97 thôn, bản của hơn 50 xã thuộc các huyện, thị ở các tỉnh…
 
Từ sau 1975, việc di dân vào Tây Nguyên diễn ra mạnh mẽ, ban đầu là di dân theo kế hoạch phát triển KT-XH của Nhà nước; từ năm 1979, việc di cư tự do (DCTD) ngoài kế hoạch diễn ra với tốc độ nhanh. Việc DCTD đến Tây Nguyên đã gây ra sự xáo trộn trong cộng đồng, khó khăn trong việc quản lý, tác động đến cơ cấu dân cư, phá vỡ quy hoạch phát triển KT-XH; làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, tiềm ẩn các yếu tố phức tạp… 
 
Từ năm 2005 đến nay, Đảng và Nhà nước cùng chính quyền các cấp trong vùng đã ban hành hàng loạt quyết định, chính sách, thực hiện các biện pháp, tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề DCTD từ các nơi đến Tây Nguyên. Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và vùng dân DCTD được cải thiện đáng kể và đã có hơn 91% buôn, làng và hơn 87% số hộ đồng bào DTTS tại chỗ được định canh, định cư. Khoảng 82% số buôn, làng có điện lưới quốc gia và 85% số hộ sử dụng điện, hơn 60% số hộ được dùng nước sạch.
 
Đặc biệt, Nhà nước đã hỗ trợ 639 ha đất ở cho 15.470 hộ DTTS nghèo và hộ có đời sống khó khăn; 29.200 ha đất sản xuất cho 56.000 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 78.000 hộ; hỗ trợ làm mới, sửa chữa 86.000 căn nhà, giải quyết cơ bản nhu cầu về thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong vùng. Tuy có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung đời sống đồng bào DTTS và DCTD vẫn chưa thật ổn định và đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS nói chung và dân DCTD nói riêng vẫn còn ở mức cao, nhất là vùng đồng bào DTTS phía Bắc mới DCTD vào. 
 
Để hạn chế đồng bào DTTS di cư tự do vào Tây Nguyên, trước hết Nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển KT-XH ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào di cư vào. Theo đó, Nhà nước cần cho phép các địa phương này ban hành một số chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là đầu tư trong nước vào các lĩnh vực như phát triển chính sách hỗ trợ, chế biến nông - lâm sản, trồng các loại cây công nghiệp. Ưu tiên bố trí đủ vốn tập trung đầu tư những địa bàn khó khăn, ổn định dân cư, phát triển sản xuất… Đối với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Có những biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng dân tộc để đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào DCTD; tăng cường vai trò quản lý nhà nước về dân cư trên địa bàn, phối hợp với các địa phương (nơi có dân đi) để giải quyết số hộ dân DCTD đến cư trú trái pháp luật tại các địa phương. Các tỉnh có dân di cư đi và đến cần phối hợp điều tra nắm lại số lượng đồng bào thuộc diện DCTD đang nằm ngoài sự quản lý của chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư. Các tỉnh Tây Nguyên cần phân công cán bộ, các tổ công tác vận động, thuyết phục những người dân DCTD đang sống du canh, du cư trong rừng đưa đồng bào trở về quê cũ hoặc định cư, định canh theo quy hoạch của địa phương. Các địa phương trong vùng Tây Nguyên sớm hoàn thiện quy hoạch sắp xếp lại dân cư và rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trên từng địa bàn kết hợp với khai hoang phục hóa để đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào. Xây dựng và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án cấp bách cần phải thực hiện ngay và các dự án phải thực hiện từng bước, phân kỳ đầu tư cho phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của nhà nước. Bố trí quỹ đất xây dựng các khu dân cư để định cư, định canh cho người DCTD ở những nơi thuận tiện, có đủ đất để bà con ở và sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống. 
 
Cùng với các biện pháp trên, cấp ủy đảng và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức và có thái độ ứng xử chuẩn mực trên tinh thần đoàn kết các dân tộc đối với đồng bào DCTD theo quan điểm của Đảng, quy định của pháp luật Nhà nước.
 
Lan Hồ