Đà Lạt: Vận động toàn dân "Nói không với thực phẩm bẩn"

08:10, 17/10/2016

Công an TP Đà Lạt đang kêu gọi mọi người cùng lên án, tố giác, phát hiện, đấu tranh với các hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn không đảm bảo an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. 

Công an TP Đà Lạt đang kêu gọi mọi người cùng lên án, tố giác, phát hiện, đấu tranh với các hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn không đảm bảo an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. 
 
Công an TP Đà Lạt kêu gọi: Mọi người dân khi phát hiện những thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoặc các trường hợp có nghi vấn sản xuất, kinh doanh, vận chuyển buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ đề nghị báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan công an sẽ đảm bảo giữ bí mật đối với những cá nhân cung cấp thông tin tố giác các hành vi gian lận vi phạm pháp luật. 
 
5 số điện thoại đường dây nóng
- Văn phòng Công an thành phố: 0633.823475
- Trực ban Hình sự CATP: 0633.836566
- Phòng Điều tra CATP: 0633.821445
- Đội Cảnh sát Kinh tế CATP: 0633.449702
- Đội Chính trị - Hậu cần CATP: 0633.531019
Sở dĩ Công an thành phố vào cuộc quyết liệt như vậy là vì thời gian qua, xuất hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và các đối tượng có hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm; vận chuyển, buôn bán gia cầm, thủy hải sản, động vật, nông sản nhập lậu, không qua kiểm dịch, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và yêu cầu vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm gây ngộ độc; gian lận thương mại trong kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn phụ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, sử dụng chất kích thích trong trồng trọt chăn nuôi, đưa thực phẩm không an toàn vào lẫn với thực phẩm an toàn để tăng lợi nhuận, sử dụng hóa chất để nhúng các loại trái cây, sử dụng nước oxy công nghiệp để tẩy trắng mực đã quá hạn... làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Để “qua mắt” người tiêu dùng, chúng sử dụng các mánh khóe tinh vi như: làm giả thực phẩm, gài dán nhãn mác của các thương hiệu thực phẩm đã khẳng định chất lượng trên thị trường; sử dụng lại vỏ bao bì (hoặc in giả bao bì) của nhãn hiệu đã được chứng nhận an toàn còn hiệu lực hoặc trà trộn cùng thực phẩm có nguồn gốc để kinh doanh. 
 
Thâm độc hơn, chúng đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc vào vùng thực phẩm đã xây dựng thương hiệu an toàn rồi hoàn tất thủ tục hồ sơ đưa ra thị trường tiêu thụ làm cho thật giả lẫn lộn... 
 
Nhiều sản phẩm không ghi nhãn hiệu sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm..., thực phẩm có nguồn gốc nước ngoài không có tem phụ bằng tiếng Việt, không có tên doanh nghiệp chịu trách nhiệm nhập khẩu. Các loại thực phẩm đó đều không đảm bảo an toàn. 
 
“Nói không với thực phẩm bẩn”, người tiêu dùng nên chọn mua các loại rau quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ, thịt tươi đã qua kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn tươi ngon, cá và thủy hải sản phải giữ nguyên màu sắc bình thường, không có đấu hiệu ươn ôi; chọn mua các thực phẩm đã chế biến phải đóng hộp, đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, cách sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, có số đăng ký sản xuất; không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, không ăn các loại thực phẩm lạ (cá lạ, rau, quả, trái cây hoặc nấm lạ) chưa biết rõ nguồn gốc...
 
QUỲNH UYỂN