Vườn Bidoup - Núi Bà và công tác giáo dục môi trường

09:10, 27/10/2016

Chương trình giáo dục, tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng và môi trường là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là Vườn). Và đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng - Ðoàn Văn Việt đã chỉ đạo Vườn và Sở GD - ÐT Lâm Ðồng trong dịp khảo sát thực tế tại Vườn vào tháng 2/2016. 

Chương trình giáo dục, tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng và môi trường là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là Vườn). Và đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng - Ðoàn Văn Việt đã chỉ đạo Vườn và Sở GD - ÐT Lâm Ðồng trong dịp khảo sát thực tế tại Vườn vào tháng 2/2016. 
 
Tài sản đặc biệt của thiên nhiên 
 
Giá trị của VQG Bidoup - Núi Bà ở chỗ, đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của quốc gia; là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, gồm các kiểu rừng đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nơi đây là vùng địa lý sinh học của các loài cây hạt trần Việt Nam; một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới (EBA); là khu vực ưu tiên số một (SA3) trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn. Vườn có nhiều loài đặc hữu của vùng bán đảo Đông Dương và Việt Nam; có một số loài đặc hữu hẹp của Lâm Đồng. Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã khẳng định Vườn là nơi lý tưởng để bảo tồn in-situ (bảo tồn nguyên vị) và nghiên cứu khoa học. 
 
Với tư cách là một trong những khu rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam, Vườn Bidoup - Núi Bà đa dạng loài. Trong đó, thực vật hiện có 1.923 loài với 96 loài đặc hữu và 62 loài quý hiếm; là sinh cảnh của 14 loài cây lá kim, là “vương quốc các loài lan Việt Nam” với 297 loài. Về động vật, Vườn là nơi sinh sống của 27 bộ, 95 họ và 398 loài. Trong đó có nhiều loài quý, hiếm như Cu li nhỏ, Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Gấu chó, Gấu ngựa, Báo lửa, Sói lửa, Bò tót, Sơn Dương… Bidoup - Núi Bà không chỉ là VQG mà còn tự hào là có một khu dự trữ sinh sinh quyển của thế giới.   
 
Hoạt động giáo dục môi trường do VQG Bidoup - Núi Bà tổ chức. Ảnh: M. Đạo
Hoạt động giáo dục môi trường do VQG Bidoup - Núi Bà tổ chức. Ảnh: M. Đạo
Tuyên truyền giáo dục đến học sinh  
 
Là người tâm huyết và theo đuổi nhiều năm để xây dựng và phát triển Vườn theo hướng bền vững, Giám đốc Vườn Lê Văn Hương cho biết: Nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng nói chung và trong trường học nói riêng là công việc quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay. Nó tác động trực tiếp nâng cao nhận thức của mọi người dân, học sinh (HS) và du khách có những suy nghĩ, hành động đúng thiết thực đến môi trường sinh thái, đến tài nguyên thiên nhiên tại VQG Bidoup-Núi Bà nói riêng, môi trường sống nói chung; góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho đất nước và thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế “Vì một mái nhà chung, vì một hành tinh xanh”. 
 
Nhận thức vấn đề quan trọng này, từ năm 2011, Vườn đã thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (GDMT). Từ đó đến nay, Trung tâm đã tổ chức được khá nhiều hoạt động về tuyên truyền, diễn giải và GDMT cho HS, chất lượng ngày càng được hoàn thiện nâng cao. Cụ thể, Trung tâm đã biên tập tài liệu GDMT cho các khối HS lớp 6 đến lớp 12; thành lập 3 “câu lạc bộ xanh” với 200 hội viên tại các trường THCS: thị trấn Lạc Dương, xã Đa Nhim, xã Đa Chairs. Cùng đó, tổ chức diễn giải môi trường cho 3.146 lượt du khách. Ngoài ra, nhiều hoạt động cụ thể thiết thực được Trung tâm triển khai như phát vở cho HS và làm phim về nội dung tuyên truyền GDMT; xây dựng bảng tin “câu lạc bộ xanh”, tổ chức tuyên truyền lưu động tại các trường học… HS các trường của huyện Lạc Dương còn được tham gia các loại hình về chủ đề GDMT như trò chơi, thi vẽ tranh, thi tìm hiểu kiến thức qua “rung chuông vàng”… Cùng đó, đội ngũ các cán bộ, giáo viên của nhà trường và HS được Vườn tổ chức những chuyến tham quan, khảo sát và học tập tìm hiểu thực tế tại Vườn. Trong quá trình hoạt động GDMT, hình thức diễn giải được phát huy bằng nội dung lồng ghép kiến thức thiên thiên với cuộc sống, văn hóa truyền thống của người dân địa phương; tham quan, dã ngoại và học tập trên tuyến du lịch sinh thái thác Thiên Thai hoặc tuyến Đa dạng sinh học Hòn Giao…
 
Phối hợp với ngành Giáo dục
 
Đây là hiện thực hóa sự chỉ đạo của UBND tỉnh lãnh đạo Vườn đã ký công văn gửi Sở GD - ĐT Lâm Đồng để “trao đổi, bàn biện pháp xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục tạo điều kiện cho HS, sinh viên được tham quan học tập, nghiên cứu về thiên nhiên, về đa dạng sinh học của VQG và Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang”. Hy vọng, Sở GD - ĐT Lâm Đồng sẽ nhiệt tình đồng hành cùng Vườn thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao một cách có hiệu quả. Chương trình GDMT không chỉ là nhiệm vụ của Vườn mà cũng là nhiệm vụ trong tinh thần của giáo dục “toàn diện” và “đổi mới” hiện nay. 
 
Đối với HS Lâm Đồng, cần phải tự hào khi có 2 VQG trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là VQG Bidoup - Núi Bà và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi trong công tác tuyên truyền và GDMT cho thế hệ trẻ, đặc biệt là HS; qua đó, góp phần định hướng và phát triển toàn diện, bền vững nhân cách cho những người chủ tương lai của đất nước. Các em HS được tìm hiểu đa dạng sinh học; nâng cao ý thức sâu sắc về bảo vệ rừng và môi trường sống. Thông qua hoạt động nhóm của GDMT, HS không chỉ được tăng cường sức khỏe, kỹ năng sống mà còn tạo nên nhiều giá trị cơ bản như: đoàn kết hợp tác; tinh thần trách nhiệm; linh hoạt và sáng tạo; tính cách thân thiện, vui vẻ; lòng tự trọng; khát vọng vươn lên… Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và GDMT thuộc Vườn, ông Nguyễn Lương Minh cho chúng tôi biết bản kế hoạch dự kiến sẽ phối hợp thực hiện với Sở GD-ĐT Lâm Đồng rất cụ thể. Theo đó, nhiều kết quả mong đợi mang ý nghĩa lớn không chỉ trong giáo dục toàn diện đối với HS mà sẽ góp phần quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. 
 
MINH ÐẠO