12 năm giữ vững danh hiệu thôn văn hóa ở một xứ đạo

08:11, 18/11/2016

Liên tục 12 năm liền từ năm 2004 đến nay, năm nào thôn Lạc Sơn (xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương) cũng được công nhận thôn văn hóa.

Liên tục 12 năm liền từ năm 2004 đến nay, năm nào thôn Lạc Sơn (xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương) cũng được công nhận thôn văn hóa.
 
Lạc Sơn 12 năm liên tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa.  Ảnh: T.An
Lạc Sơn 12 năm liên tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Ảnh: T.An
Toàn thôn có 140 hộ, 702 nhân khẩu; bà con là người các tỉnh miền Bắc di cư vào đây từ năm 1954, sống quần tụ và chọn đất này làm nơi khai hoang lập làng. 100% bà con theo đạo Công giáo, hầu hết sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, trồng rau thương phẩm, một vài hộ kinh doanh nhỏ lẻ và tiểu thủ công nghiệp, cơ khí. Tổng diện tích đất của toàn thôn là 21,5 ha (18 ha rau màu, 3,5 ha đất thổ cư). Dù giá cả nông sản bấp bênh, nhưng bà con giáo dân trong thôn luôn tự lực vươn lên cần cù lao động, bỏ công sức đầu tư làm giàu chính đáng, đời sống vật chất không ngừng được nâng cao. Bà con luôn đoàn kết thương yêu trong tình làng nghĩa xóm, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Ban vận động, mặt trận, đoàn thể thôn đã phối hợp chặt chẽ cùng giáo xứ Lạc Sơn mà quản xứ là Linh mục Nguyễn Chí Độ cùng vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước và các tiêu chí thôn văn hóa, gia đình văn hóa trên tinh thần sống phúc âm, tốt đời, đẹp đạo. Sự thay đổi từng ngày thấy rõ nhất trên từng đường thôn, ngõ, xóm. Trục đường dài 700 m từ Quốc lộ 27 vào thôn đã nhanh chóng được bê tông hóa từ nguồn kinh phí Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng, nhân dân đóng góp 400 triệu đồng. Từ đó đã làm cho diện mạo xóm, thôn thay đổi khang trang với con đường bê tông rộng, chắc chắn.
 
Năm 2014, nhân dân đóng góp 200 triệu đồng bê tông hóa con đường 300 m vào nghĩa trang. Đến năm 2015, nhân dân thôn Lạc Sơn tiếp tục đóng góp 135 triệu đồng cùng Nhà nước hỗ trợ 316 triệu đồng để thực hiện làm con đường bê tông dài 400 m có tổng kinh phí là 451 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 250 triệu đồng thực hiện bê tông hóa các đường ngõ, xóm với tổng chiều dài 260 m. 
 
Nhiều phong trào thi đua trong thôn diễn ra sôi nổi như phong trào bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. 
 
Ðến nay, toàn thôn có 14 hộ giàu, 45 hộ khá, 69 hộ có đời sống trung bình, kinh tế ổn định, 4 hộ nghèo do bệnh tật, 8 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người là 35 triệu đồng/người/năm. Thôn đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhiều gia đình đã xây dựng biệt thự, nhà ở khang trang. 
 
Toàn dân trong thôn thực hiện nếp sống văn minh, không mê tín dị đoan, không có tệ nạn, không ma túy; xây dựng gia đình hòa thuận, no ấm. Cùng với các lễ giáo đạo pháp, bà con luôn được phổ biến pháp luật về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các tiêu chí gia đình văn hóa, 6 tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa góp phần xây dựng hạnh phúc trong từng tổ ấm. Hàng năm, 100% hộ gia đình trong thôn đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, qua bình xét cuối năm qua có 135/140 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) (96,4%). Ngay từ đầu các năm, thôn luôn đăng ký với xã quyết tâm giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Thiết chế văn hóa hội trường thôn phù hợp phục vụ nhân dân hội họp, sinh hoạt khang trang. 
 
Phong trào khuyến học và chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng cao. Trong thôn, 100% trẻ em được đến trường, không có trẻ bỏ học, 100% trẻ em 4-5 tuổi học mẫu giáo, 100% trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai được tiêm chủng và khám thai định kỳ. Nhiều gia đình có con đang học tại các trường đại học, cao đẳng. Là xứ đạo nên vai trò của nhà thờ, của Ban Hành giáo luôn sát cánh cùng Ban Nhân dân thôn tạo nên những phong trào xã hội rộng lớn. 
 
Đặc biệt, chi hội nông dân thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chủ động phòng dịch, tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trồng các loại rau, củ, quả cao cấp có giá trị về kinh tế. Có “của ăn của để”, các phong trào quyên góp, tương thân tương ái, từ thiện giúp đỡ ủng hộ đồng bào nghèo, đồng bào gặp thiên tai đã được nhân dân thôn Lạc Sơn hưởng ứng tích cực. Đời sống tăng lên, giá trị đất nông nghiệp cũng tăng. Trong những năm qua, thôn đã tổ chức hòa giải thành công 2 vụ về tranh chấp đất đai, hạn chế không có đơn thư vượt cấp, luôn giữ hòa khí trong tình làng nghĩa xóm. 
 
Nhiều hộ gia đình gương mẫu đi đầu trong phong trào trở thành những gia đình văn hóa tiêu biểu được cộng đồng dân cư noi theo như các gia đình ông, bà: Trương Công Hải, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Đức Thắng, Vũ Văn Toàn, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn  Anh Tuấn, Chữ Văn Quyền, Thân Trọng Quyền, Quách Đức Thùy, Trần Văn Đức, Trần Văn Điệp, Nguyễn Thị Mai… 
 
Ông Trần Văn Đức - Trưởng thôn Lạc Sơn cho biết: “Thành quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa của thôn Lạc Sơn hôm nay là thành quả của sức mạnh đoàn kết toàn dân, gắn bó trong tình làng nghĩa xóm”.
 
THÁI AN