Khi nhà giáo là nhà văn

09:11, 23/11/2016

(LĐ online) - Trong Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội, một trong những điều thú vị là đa số lực lượng những người viết trẻ Tây Nguyên đồng thời là đồng nghiệp giáo viên chiếm một con số không hề nhỏ. Chúng tôi đã có dịp gặp những gương mặt nhà giáo - nhà văn trẻ ấy để nghe họ tâm tư về nghề và nghiệp mà họ nặng lòng yêu thương.

(LĐ online) - Trong Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội, một trong những điều thú vị là đa số lực lượng những người viết trẻ Tây Nguyên đồng thời là đồng nghiệp giáo viên chiếm một con số không hề nhỏ. Chúng tôi đã có dịp gặp những gương mặt nhà giáo - nhà văn trẻ ấy để nghe họ tâm tư về nghề và nghiệp mà họ nặng lòng yêu thương.
 
Niê Thanh Mai (Đắk Lắk)
 
Tác giả Niê Thanh Mai - Dân tộc Ê Đê, sinh 1980 tại Buôn Ma Thuột - Đắc Lắc. Hiện là giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú N’ Trang Lơng; Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đã in các tập truyện ngắn: Suối của rừng, Về bên kia núi, Sớm mai rực rỡ…
 
Tôi có nhiều cảm hứng và thời gian để viết. Và thực ra học sinh của tôi là cảm hứng lớn nhất cho những truyện ngắn của tôi. Gần gũi các em, mỗi ngày giải quyết những giận hờn, xung đột lẫn yêu thương của tụi nhỏ cho tôi rất nhiều những chi tiết thú vị. Và điều đó đã đi vào truyện ngắn của tôi một cách rất tự nhiên. Tập truyện đầu tay “ Suối của rừng” của tôi đã ra đời như thế. 
 
Bạn có thích việc chỉ cần nghe đến tên bạn là học trò ồ lên. Em nghe tên cô từ lâu mà bây giờ mới gặp cô. Em đọc truyện cô rồi. Tôi đã rất hạnh phúc khi gặp rất nhiều lần như thế. Tôi bắt đầu kiến thiết một lực lượng kế cận ngay từ khi bước vào năm đầu tiên đi dạy học. Vì Mai có nhiều thuận lợi là dạy trường Dân tộc nội trú. Học trò tôi thích sáng tác hơn cả cô ngày xưa. Tôi định hướng giúp cho các em có cơ hội phát triển năng lực của mình bằng nhiều cách thức khác nhau. Hơn nữa, tôi nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Nhà trường - nơi tôi dạy nên việc tập hợp bồi dưỡng lực lượng viết trẻ tại trường cũng không có gì khó khăn lắm.
 
Viết văn cho tôi sự cân bằng giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, giữa những căng thẳng của công việc. Bởi vì thế mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc vứt quách tất cả mọi thứ sang một bên. Thậm chí, việc giúp học sinh bắt đầu viết lách và say mê với văn chương lại là niềm đam mê của tôi, mặc dù điều này chiếm khá nhiều thời gian và công sức. Nhưng bù lại, tôi luôn cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa và giá trị biết mấy. 
 
Ngô Thị Thanh Vân  
 
Sinh năm 1981, hiện là giáo viên Trường trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, Pleiku, Gia Lai. Các tác phẩm đã xuất bản: Qua miền nhớ (Tập thơ, 2006), Thì thầm với anh (Tập truyện ngắn, 2009), Mười hai tháng sáu (Tập thơ, 2009), Phác thảo đêm (Tập thơ, 2015).
 
Tôi may mắn khi chọn nghề giáo, và càng may mắn hơn khi nghiệp viết chọn mình. Hai công việc này khó mà phân biệt đâu là tay trái đâu là tay phải đối với riêng tôi. Nghề và nghiệp hỗ trợ nhau. Từ góc nhìn của người viết, tôi có cách khơi gợi cho học sinh cảm thụ tác phẩm văn học trong nhà trường. Và từ vai trò nhà giáo, tôi ý thức được mình nên viết gì. Có những hình ảnh học trò đi vào trang viết từ chính chất liệu cuộc sống này. Đó là những cô cậu học trò người đồng bào. Ở các em ấy, mọi thứ tinh khôi như giấy trắng. Tôi mặc sức khai thác từ nguồn này để tác phẩm của mình mang dấu ấn vùng miền hơn.
 
Tôi ít cho học sinh biết mình viết. Mỗi lớp chỉ vài em thôi. Đó là những em thật sự yêu thích môn văn. Có những lớp khi học trò phát hiện ra ngoài việc đi dạy, cô còn làm thơ, viết văn, chúng rất ngạc nhiên. Nhưng cái ngạc nhiên lạ lẫm ấy chứa đầy yêu thương và ngưỡng mộ. Đó cũng là một phần quà thú vị dành cho cô giáo mà còn đèo bòng nghiệp viết như tôi.
 
Công việc chiếm một khoản thời gian không nhỏ trên trường. Và công việc ấy lại được lôi về nhà với những đêm thức khuya soạn giáo án. Tôi đã phải so đo tính toán sắp xếp để có được khoảng thời gian hợp lý nhất cho công việc giảng dạy, soạn bài, chấm bài và viết lách. Tui thế, niềm vui đến từ những đam mê. Tôi tin mình sẽ vượt qua được những mệt mỏi, vụn vặt để đi đến cùng sở thích và nghề nghiệp của mình. Dẫu sao đường còn dài. Và tôi, vẫn sẽ cứ bước đi với cách của mình.
 
Kim Sơn (HVHNT Gia Lai)
 
Kim Sơn hiện là giáo viên Trường Tiểu học số 1, Thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai, Là tác giả của nhiều thơ, truyện đăng trên các báo văn nghệ, Văn nghệ quân đội…
 
Tôi là một giáo viên dạy mĩ thuật cấp một, nghề nghiệp đòi hỏi phải có trí tưởng tượng trong cách tạo hình nên nghề nghiệp cũng đã hỗ trợ qua lại cho tôi phần nào trong việt viết lách. Ví như những màu sắc, hình khối không đủ chuyển tải hết ý thì tôi sẽ chuyển tải bằng câu chữ, bằng những ngôn từ thay thế và lay động hơn, và ngược lại, khi ngôn từ, câu chữ hạn chế, tôi sẽ tìm đến công việc để cân bằng bản thân hơn. Công việc giảng dạy các em nhỏ cũng giúp tôi có nhiều cảm xúc, cảm hứng tươi mới hơn trong sáng tạo. Tôi luôn cảm nhận được mình nhiều năng lượng, nhiều sức sống hơn khi tiếp xúc với các em nhỏ.
 
Ở trường, tôi vẫn nghĩ tới cô hiệu phó trước đây của tôi như một “bài học lớn”. Lúc đó, tôi vừa mới ra trường và về tập sự tại trường, bản tính hiếu thắng và con nít của tôi (bởi mới ra trường đã có việc nên rất ngông, tưởng như bỏ việc là có việc mới liền, và phần nữa là do hơi tin tưởng vào mớ lí thuyết được dạy ở trường sư phạm nhiều hơn là thực tế trường học) nên tôi đã tranh cãi tay đôi với cô hiệu phó một cách - nói thế nào nhỉ - nhiệt tình, hay ngu ngốc, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng tôi nhớ rất rõ, hôm ấy cô rất giận, cô giận đến nỗi phải đập bàn đứng dậy bảo sẽ không xét hết tập sự cho tôi nữa. Tôi cũng không vừa, cũng đứng dậy bỏ về (cái này là do tâm lí ngang nghạnh, bạn bè bảo: “bình thường đi học mày cãi thầy, cãi cô thì người ta nói cá tính mạnh. Chứ đi làm mà mày vẫn mang cái tính đó là thiệt thân”). Đến mãi sau nghĩ lại, mới thấy mình sai, nhưng vẫn cứng đầu, không đến xin lỗi cô mà chỉ biết lẳng lặng làm theo lời cô bảo hôm trước. Đến ngày xét hết tập sự, cô vẫn nhắc lại, nhưng cô vẫn ghi nhận, đánh giá tốt những thay đổi tích cực của tôi từ sau hôm ấy. Về sau, cô không may bị đột quỵ, liệt nửa người, nhưng trong công việc của mình cô vẫn cố gắng hoàn thành cho đến ngày chuyển giao công tác… Ở cô hiệu phó tôi học được những bài học thật đẹp về tâm hồn và nghị lực của một nhà giáo - nghề cao quý.
 
VÕ THU HƯƠNG