Nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở

09:11, 09/11/2016

Xây dựng thiết chế văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Qua đó, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao chất lượng sống.

Xây dựng thiết chế văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao chất lượng sống. Dù vậy, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phát huy hết công năng sử dụng, gây lãng phí.
 
Thiết chế văn hóa cơ sở phải là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh: Q.Uyển
Thiết chế văn hóa cơ sở phải là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động văn hóa văn nghệ,
thể dục thể thao của mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh: Q.Uyển

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa, thể thao, du lịch gồm: Trung tâm văn hóa tỉnh, huyện; nhà văn hóa xã, thị trấn; nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường) thôn, tổ dân phố. 
 
Nhiều năm trở lại đây, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm và tạo được sự đồng thuận chung sức của nhân dân. Vì vậy số lượng và chất lượng thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng phát triển, hoàn thiện. Nếu như năm 2010, cả tỉnh có 75 xã có nhà văn hóa, 710 khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường thôn, khu phố), 5 Trung tâm văn hóa huyện có trụ sở; thì đến nay toàn tỉnh có 132/147 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (trong đó, 79 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT-DL), 1.117/1.568 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, diện tích bình quân từ 80 - 100 m 2 trở lên (trong đó 490 nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn quy định); 10 trung tâm văn hóa huyện đã có trụ sở. 
 
Một thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phải hội đủ 4 yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức - nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí thì mới có thể hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT ngày càng được quan tâm, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 72 sân quần vợt, gần 100 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với số tiền đầu tư từ 300 - 400 triệu đồng/sân, các CLB TDTT, hồ bơi được đầu tư từ 700 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Số lượng CLB, phòng tập TDTT ngày càng tăng, hiện toàn tỉnh có 809 CLB TDTT và cơ sở tập luyện với nhiều môn tập luyện phong phú: bể bơi, quần vợt, bóng đá, bóng chuyền, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, Aerobic, nhà tập bóng bàn, cầu lông... đã đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của mọi tầng lớp nhân dân. 
 
Ở một số xã đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sân bãi phục vụ tập luyện TDTT và đã thành lập ban chủ nhiệm tổ chức hoạt động như Nhà Văn hóa xã Tân Hà, thị trấn Nam Ban (Lâm Hà); Lạc Lâm, Ka Đơn (Đơn Dương)… đã giao trách nhiệm quản lý, khai thác và sử dụng cho ban quản lý nên hoạt động hiệu quả. 
 
Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn mới chỉ dừng lại ở những hoạt động chính: Dùng làm nơi hội họp, tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật cho nhân dân; là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT; là địa điểm sinh hoạt của các CLB như: CLB Gia đình văn hóa, CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB Đàn hát dân ca, CLB Thơ ca…; là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi như Tết trung thu, sinh hoạt hè. 
 
Trong số 12 huyện hiện chỉ có Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Huoai, Lâm Hà đã xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; quy chế tổ chức và hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố; còn các địa phương khác chưa quan tâm đến xây dựng và ban hành các quy chế này.
 
Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn; trang thiết bị hoạt động văn hóa, TDTT thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng. Đa số các nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn đều không có trang thiết bị phục vụ cho việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao tại địa phương. Kinh phí tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng còn eo hẹp, có nơi không có kinh phí để tổ chức các hoạt động nên không ít nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thường xuyên đóng cửa, chỉ mở cửa khi họp dân hoặc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn. 
 
Bởi vậy, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa chưa làm tròn vai trò là điểm đến, là nơi vui chơi giải trí, nơi hoạt động văn hóa công cộng thu hút đông đảo bà con nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi. 
 
“Công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã chủ yếu do cán bộ văn hóa - xã hội hoặc cán bộ truyền thanh xã kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường) thôn, tổ dân phố được giao cho cán bộ thôn, tổ bảo quản; phần lớn đội ngũ cán bộ này (trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, trưởng ban mặt trận) chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ lại thường xuyên biến động hoặc kiêm nhiệm nhiều việc và không có phụ cấp trong việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa nên khó phát huy lòng nhiệt tình và trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút quần chúng nhân dân”, ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lâm Đồng đã thẳng thắn nhìn nhận. 
 
Với quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập, nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để nâng cao hoạt động của các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, ngành VH-TT-DL Lâm Đồng đã hội tụ trong một cuộc họp, trong đó, các cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến thôn đã cùng ngồi lại với nhau trao đổi nhiều ý kiến cởi mở, thiết thực. Đó là các giải pháp như: đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, điều hành hoạt động các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tăng cường trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, huyện với cán bộ văn xã, thôn; liên kết chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi…) cùng phối hợp tổ chức hoạt động thường xuyên. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo từ các cấp chính quyền, đưa vào thành nghị quyết, thành chỉ tiêu thi đua.

Ông Trần Tân
Trưởng Phòng Văn hóa thể thao huyện Đạ Huoai
 
Đạ Huoai có 8 xã, 2 thị trấn thì đã có 9/10 xã - thị trấn có nhà văn hóa; 46 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Một kinh nghiệm cho thấy là nơi nào Đảng ủy, chính quyền quan tâm thì nơi đó nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoạt động rất tốt. Ngoài ra, ngành văn hóa phải làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể cùng tổ chức các hoạt động. Đưa chỉ tiêu hoạt động nhà văn hóa vào các nghị quyết để chỉ đạo cùng tổ chức các hoạt động. 
 
Ông Nguyễn Văn Lập
Chủ nhiệm Nhà văn hóa Lộc Phát - Bảo Lộc
 
Nhà văn hóa Lộc Phát được xây dựng từ 2007 với diện tích sử dụng 996 m 2 - lớn nhất trong hệ thống nhà văn hóa xã trong tỉnh. Trên thực tế, Nhà văn hóa Lộc Phát đã hoạt động đều đặn từ 28 năm nay, riêng tôi có tới 25 năm gắn bó với công việc này. Đến nay, Nhà Văn hóa đã có hàng trăm người luyện tập hàng ngày ở đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Nhà Văn hóa Lộc Phát còn là nơi tổ chức đám cưới, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa của học sinh. Dù số kinh phí thu được từ các hoạt động xã hội hóa và tiền hội phí của các vận động viên thường xuyên luyện tập không nhiều, nhưng nhà văn hóa đã có thêm nguồn thu, duy trì hoạt động, trở thành nơi vui chơi giải trí, phát huy công năng sử dụng đúng mục đích, đúng ý nghĩa của một nhà văn hóa. 
 
Ông Phạm Công Trứ
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Bảo Lộc
 
Trong 4 yếu tố làm nên thiết chế văn hóa cơ sở (cơ sở vật chất, quy chế quản lý, tổ chức bộ máy - nhân lực, quần chúng tham gia), tôi cho rằng nhân tố con người (bộ máy - nhân lực) quyết định mọi hiệu quả hoạt động. Xây dựng cơ sở vật chất khang trang - vẫn chưa để gọi là đủ, mà điều quan trọng là phải có bộ máy tổ chức, có những con người có năng lực tạo nên nhiều hoạt động cuốn hút quần chúng tham gia. Ngành văn hoá phải có văn bản cùng với UBND huyện, thành chỉ đạo quyết liệt, trước hết là phát huy hiệu quả của nhà văn hóa xã. Việc kêu gọi xã hội hóa các hoạt động thì phải đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
 
Ông Phan Tuấn Anh
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VH-TT-DL
 
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hoá cấp xã để họ có đủ năng lực đưa nhà văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả là trách nhiệm của các trung tâm văn hóa cấp trên. Riêng với nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố, tôi thấy mô hình của thôn Đất Làng (Xuân Trường - Đà Lạt) rất hiệu quả. Từ cách đây gần 10 năm bà con trong thôn đã đóng góp 1.000 đồng/khẩu/tháng, số tiền thu được sẽ chi cho các hoạt động chung của thôn, qua đó duy trì hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng. Mô hình này rất hay để có thể tham khảo. Đa số các nhà văn hóa xã đều xây dựng từ 100% kinh phí của Nhà nước, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ kinh phí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nếu không khai thác hiệu quả, để lãng phí là chúng ta có tội với nhân dân.
Q.U

QUỲNH UYỂN