Người giữ hồn rừng

08:11, 10/11/2016

Sau nhiều năm làm cán bộ văn hóa thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, ước nguyện duy nhất của Kră Jẵn Mơ lúc về hưu là tập trung sưu tầm và truyền dạy văn hóa truyền thống người Lạch miệt Nam Tây Nguyên cho con cháu. 

Sau nhiều năm làm cán bộ văn hóa thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, ước nguyện duy nhất của Kră Jẵn Mơ lúc về hưu là tập trung sưu tầm và truyền dạy văn hóa truyền thống người Lạch miệt Nam Tây Nguyên cho con cháu. 
 
Không gian văn hóa truyền thống tại nhà của người đàn ông đi tìm mặt trời và lời ru. Ảnh: Đ.Tú
Không gian văn hóa truyền thống tại nhà của người đàn ông đi tìm mặt trời và lời ru. Ảnh: Đ.Tú

Không biết bao lần Kră Jẵn Mơ rảo bước quanh xóm làng để gặp những cố nhân có chung niềm đam mê hát dân ca, múa dân vũ, cồng chiêng, kèn bầu… Nom bề ngoài, không ai có thể ngờ rằng trong con người đậm dáng ấy lại là một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ. 
 
Ông tỉ mỉ kể về nguồn gốc của người Lạch, tại sao gọi Lang Biang và say sưa nhất là câu chuyện văn hóa truyền thống của tổ tiên tựa hồ một dòng suối không bao giờ cạn.
 
Kră Jẵn Mơ phân tích: Trước đây, cha ông tổ tiên của mình lưu giữ nét đẹp văn hóa qua hình thức truyền miệng hay bắt tay chỉ việc. Nay phải sử dụng máy quay phim, máy chụp hình, ghi âm và máy tính để lưu trữ. Rất tiện lợi và hiệu quả là điều không có gì phải bàn cãi. Chính vì vậy, ông đã sắm cho mình những đồ nghề tân tiến để rong ruổi khắp núi rừng Lạc Dương.
 
Ông khoe với khách lạ thư viện của mình là chiếc máy tính dùng để lưu trữ thông tin văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các làn điệu dân gian như Đễh chờ Reng ác, Đễh Cô, Đễh Lờn, Pỡt và hơn 30 điệu cồng chiêng được dùng trong các lễ, hội. Để có được khối tài sản vô giá này, Kră Jẵn Mơ dành suốt thời gian lúc công tác ở vị trí văn hóa thị trấn để sưu tầm, nghỉ hưu ông lại có nhiều thời gian hơn để đi thực tế, gặp từng người và dự từng lễ hội ở địa phương.
 
Cố công lưu giữ văn hóa truyền thống nhưng điều mà ông lo lắng nhất chính là truyền dạy lại cho con cháu. Ông cười: Máy móc làm sao bằng con người được, lưu trữ nhưng chỉ cần nhấn phím “Delete” là hết. Một mai đã hằn vào khối óc và trái tim con người thì có làm gì nữa cũng không thể xóa được. Chính vì thế một lớp học về văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ được mở vào dịp nghỉ hè cho các cháu nhỏ tại địa phương. Khóa học được chính Kă Jẵn Mơ và các thành viên có uy tín tại địa phương hướng dẫn và đánh giá.
 
Trăn trở để bảo lưu văn hóa truyền thống của người Lạch tại Lạc Dương, Kră Jẵn Mơ xắn tay làm du lịch ngay chính căn nhà của mình. Một không gian truyền thống được đầu tư xây dựng với cồng chiêng, kèn bầu, tù và, bếp lửa, công cụ sản xuất nhằm tái hiện lại con người xưa cũ. Những thành viên được Kră Jẵn Mơ truyền dạy về văn hóa truyền thống chính là những người giúp chuyển tải thông điệp đến với bạn bè bốn phương. Ông phân tích: Văn hóa truyền thống được lưu trữ nhưng muốn nó phát triển thì phải có không gian để biểu diễn thường xuyên. Tôi lấy ví dụ một người ca sĩ dẫu hát hay đến mấy mà không có sân khấu để biểu diễn thì chẳng ai biết đến, lâu ngày tài năng cũng bị hao mòn thôi.
 
ÐỨC TÚ