Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - nhìn từ Đức Trọng

08:11, 10/11/2016

Đầu tháng 11/2016, Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Lâm Đồng tổ chức hai đoàn kiểm tra việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh và Bảo Lâm. 

Đầu tháng 11/2016, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Lâm Đồng tổ chức hai đoàn kiểm tra việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh và Bảo Lâm. Tại Đức Trọng, một trong bốn địa bàn trọng điểm của tỉnh, đoàn ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, hướng khắc phục để huyện tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào trong thời gian tới. 
 
Chủ hộ Lê Văn Cường (sinh 1976, thôn Đà Nguyên, xã Đà Loan) là điển hình làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác xã hội ở địa phương. Ảnh: Đ.Thanh
Chủ hộ Lê Văn Cường (sinh 1976, thôn Đà Nguyên, xã Đà Loan) là điển hình làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác xã hội ở địa phương.
Ảnh: Đ.Thanh
Đã 16 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH nên từ đầu năm 2016, Ban chỉ đạo Phong trào huyện Đức Trọng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Phong trào và các Ban vận động xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; nhất là hướng dẫn các xã tiếp tục triển khai có hiệu quả các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, phong trào ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH địa phương. 
 
Từ đầu năm đến nay, Đức Trọng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) gắn với triển khai xây dựng “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Huyện đã khen thưởng 15 GĐVH tiêu biểu của 15 xã, thị trấn; trong dó, điển hình là các gương gia đình vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình thể thao, gia đình hạnh phúc. Ước tính cuối năm, huyện có khoảng 37.000/41.364 hộ đạt danh hiệu GĐVH (chiếm 89,4%). Phong trào xây dựng Câu lạc bộ GĐVH có nhiều chuyển biến. Toàn huyện  có 190 câu lạc bộ. Ở xã Ninh Loan, Tà Năng, Tân Hội… và thị trấn Liên Nghĩa thường xuyên tổ chức hoạt động Liên hoan Câu lạc bộ GĐVH, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Về phong trào xây dựng thôn và tổ dân phố văn hóa, Ban chỉ đạo huyện phúc tra và tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định công nhận và công nhận lại danh hiệu thôn văn hóa cho 11 thôn. Hiện Đức Trọng có 172/179 thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 96% (KH giai đoạn 2016-2020 đạt 95%). Phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” gắn với mô hình xây dựng NTM có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Trong năm có 3 xã được công nhận, nâng tổng số toàn huyện lên 10/14 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, 4 xã còn lại đang lập hồ sơ phúc tra để đề nghị huyện công nhận. Trong năm 2015, ước có 174/184 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 93%. Trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, mua sắm và sử dụng các thiết chế, trang thiết bị văn hóa, thể thao; công tác vệ sinh môi trường tại một số thôn, thị trấn đã được công nhận danh hiệu văn hóa tiếp tục nâng cao chất lượng. 14/15 xã, thị trấn xây dựng nhà văn hóa. Bằng nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn từ các chương trình, dự án và nhân dân đối ứng (50%) đã đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho 73 thôn và 13 tổ dân phố; nâng tổng số lên 141/179 thôn, tổ dân phố có hội trường và nhà sinh hoạt cộng đồng (chiếm 78,7%). Riêng thị trấn Liên Nghĩa từ 12 tổ dân phố chia thành 62 tổ, thiếu nguồn quỹ đất công nên 37 tổ dân phố chưa có hội trường. Tuy nhiên, thời gian tới khi lên thị xã, sẽ giảm số lượng lớn về nhu cầu này… Về xã hội hóa thể dục, thể thao, Công ty CP Ngôi sao Thể thao đầu tư 16 hạng mục và các cá nhân khác trong huyện đầu tư 23 sân bóng đá nhân tạo cùng nhiều cơ sở tập thể thao khác.  
 
Mặc dù đánh giá rất cao hiệu quả việc thực hiện phong trào, song Ban chỉ đạo huyện vẫn nhận thấy trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn. Đó là: Ban chỉ đạo ở số ít địa phương hoạt động chưa thường xuyên, một số tiêu chí khó đạt như tiêu chí về số hộ tham gia kinh tế hợp tác xã, xử lý rác thải tập trung, xếp loại chất lượng hệ thống chính trị chưa được đưa vào tiêu chí, bộ máy và kinh phí hoạt động của các nhà văn hóa xã chưa được bố trí hợp lý nên nhiều nhà văn hóa xã thiếu thiết chế, hoạt động chưa hết công năng, chưa thu hút nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao…
 
Để Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Đức Trọng phát triển toàn diện, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, cộng đồng dân cư nâng cao ý thức tự quản, đoàn kiểm tra của tỉnh đã lưu ý một số vấn đề sau: Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội. Phong trào cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng NTM, gắn với quá trình phát triển KT-XH. Muốn vậy, Đức Trọng cần quan tâm kiện toàn kịp thời ban chỉ đạo các cấp và mở rộng nhiều thành phần tham gia, phân công trách nhiệm phụ trách địa bàn, tăng cường kiểm tra; hướng dẫn các địa phương xây dựng hương ước một cách dân chủ, phổ biến công khai và rộng rãi các điểm liệt để toàn dân biết và tránh. Đặc biệt, cần đầu tư kinh phí hợp lý để các ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả. Nếu như hiện nay, Đức Trọng theo quy định mới khen thưởng xã đạt chuẩn Phong trào TDĐKXDĐSVH 10 triệu đồng thì vẫn thấp so với TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương. Ở các địa phương này nhiều năm nay linh hoạt vận dụng các nguồn kinh phí để thưởng cho xã đạt chuẩn lần đầu 50 triệu đồng, được công nhận lần 2 là 30 triệu đồng. Như vậy, cơ sở mới có điều kiện xây dựng các công trình, mua sắm trang thiết bị cần thiết, tránh đầu tư manh mún và thiết thực thu hút nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. 
 
ÐAN THANH