Người làm đẹp cho Mai Hoa Thôn

08:11, 25/11/2016

Từ 5 năm nay, người dân sống ở đường Mai Hoa Thôn đã quen với hình ảnh người đàn ông dáng nhỏ bé, già nua với cây chổi và tiếng loẹt xoẹt vang lên lúc 4h sáng mỗi ngày. Dù tuổi đã cao, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ mỗi khi tiếng chuông chùa Linh Sơn vang lên thì cụ lại thức dậy và bắt đầu công việc quen thuộc của mình.

Từ 5 năm nay, người dân sống ở đường Mai Hoa Thôn đã quen với hình ảnh người đàn ông dáng nhỏ bé, già nua với cây chổi và tiếng loẹt xoẹt vang lên lúc 4h sáng mỗi ngày. Dù tuổi đã cao, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ mỗi khi tiếng chuông chùa Linh Sơn vang lên thì cụ lại thức dậy và bắt đầu công việc quen thuộc của mình.
 
Hàng ngày, cụ Tri vẫn đều đặn làm sạch đẹp cho con ngõ Mai Hoa Thôn. Ảnh: V.Quỳnh
Hàng ngày, cụ Tri vẫn đều đặn làm sạch đẹp cho con ngõ Mai Hoa Thôn. Ảnh: V.Quỳnh
Con hẻm này trước đây trồng nhiều hoa mai anh đào, nên người ta mới gọi tên là Mai Hoa Thôn. Cái tên nhẹ nhàng, thơ mộng vậy thì làm sao mình lại nỡ để lá cây rụng, để rác bẩn làm xấu đi con hẻm nhỏ đẹp đẽ này!” - cụ Đào Xuân Tri (sinh năm 1939, trú tại tổ dân phố 20, phường 2, TP Đà Lạt) đã nói như vậy khi giải thích cho công việc thầm lặng nhiều năm nay của mình: tự nguyện dọn rác, trồng hoa, làm đẹp cho phố phường.
 
Dưới ánh đèn đường vàng nhạt của ngày mới còn chưa sáng rõ, cụ ông 77 tuổi cần mẫn quét dọn khoảng sân trước nhà, dọn từng cọng rác, nhổ từng ngọn cỏ trên đoạn đường nối từ Mai Hoa Thôn ra đường lớn. Ðể đến khi mặt trời sáng tỏ, người lớn đi làm, trẻ con đi học thì con đường đã được quét dọn sạch sẽ, lá cây rụng từ đợt gió mạnh tối hôm qua đã được thu gom gọn gàng.
 
Là một đoạn đường có nhiều cây xanh, nhất là cây bạch đàn thường xuyên rụng lá, trước đây, con hẻm Mai Hoa Thôn đoạn bên cạnh chùa Linh Sơn thường xuyên ngập trong lá cây rụng do không có người thu gom, quét dọn. Nhận thấy mất vẻ mỹ quan, nhưng những bận rộn của bộn bề mưu sinh khiến cụ Tri - cũng như nhiều người dân ở đây - không có nhiều tâm trí để ý và cả thời gian để quét dọn. Chỉ đến cách đây 5 năm, khi lưng đã còng, chân đã mỏi, cụ Tri mới nghỉ hẳn công việc bốc vác nặng nhọc để ở nhà và bắt đầu công việc mới mà cụ hay đùa rằng “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nói thì nói vậy, nhưng lúc nào cụ cũng cảm thấy hãnh diện và tự hào vì có việc để làm, mà lại là việc làm có ích, và coi như đó là trách nhiệm riêng của bản thân mình mà không phải ai cũng “được làm”. 
 
“Ngõ xóm sạch rồi, bây giờ phải đẹp nữa”. Nghĩ là làm, cụ Tri bắt đầu trồng thêm hoa và cây xanh cho cả con ngõ. Cụ đã biến khoảng đất trong chùa Linh Sơn, ngay bên cạnh con đường Mai Hoa Thôn, từ một khoảng đất nhiều sỏi đá và cây cỏ trở thành một tiểu công viên với nhiều loại cây và hoa. Đó là kết quả của một tháng trời ròng rã, ngày nào cụ cũng dọn rác, phát cỏ, cày xới. Một mình cụ đi xin từng hạt giống hoa, từng gốc cây con về trồng. Cũng chính tay cụ đi gom phân ngựa quanh đó để về bón cho cây. Chính nhờ những công sức thầm lặng cụ Tri đã bỏ ra mà giờ đây, bất cứ ai đến với Mai Hoa Thôn cũng ấn tượng bởi lối vào rực rỡ sắc màu của hoa cánh bướm. Mỗi ngày, cụ dành một khoảng thời gian nhất định để chăm sóc, làm cỏ, chăm bón cho cây và xem đây chẳng khác nào là khu vườn của mình.
 
Ở tuổi gần 80, cụ Tri vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ bảo đó là nhờ vào việc dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm mỗi ngày. Con cháu khuyên cụ nghỉ vì sợ cụ mệt, cụ chỉ cười: “Mình già rồi, đâu làm được việc nặng nhọc nữa. Dọn vệ sinh như thế này cũng giống như tập thể dục buổi sáng và rèn luyện sức khỏe, chỉ thấy khỏe, thấy vui chứ đâu có mệt mỏi gì”. Làm mãi thành thói quen. Mỗi lần có việc đi đâu xa 3, 4 ngày, cụ lại nhớ cái ngõ nhỏ đầy hoa, lại lo không biết có ai gom lá rụng. Nhưng là cụ lo xa vậy, chứ như lời tâm sự của ông Trần Bổn, tổ trưởng tổ dân phố 20, thì “Từ ngày có cụ Tri, con hẻm Mai Hoa Thôn sạch rác, sạch cỏ, đẹp hẳn lên. Nhìn thấy việc làm ý nghĩa của cụ, bà con sống trong khu phố cũng ý thức hẳn, tự giác dọn sạch ngõ phố mỗi lúc nhàn rỗi. Nhờ vậy mà cảnh quan khu phố lúc nào cũng sạch, đẹp”.
 
Không đòi hỏi sự hỗ trợ nào, chỉ làm việc trên tinh thần tự nguyện, nhưng cụ Đào Xuân Tri bảo sẽ vẫn duy trì công việc của mình cho đến khi nào làm không nổi nữa mới thôi. Vì với cụ, làm sạch đẹp phố phường không chỉ là việc làm cần thiết cho xã hội, mà còn là niềm vui, một hình thức rèn luyện sức khỏe, một cách giúp cụ sống ý nghĩa hơn mỗi ngày như lời cụ tâm sự: “Mình già cả, không giúp được cho đời những việc lớn lao thì làm những việc nhỏ bé này, xem như tuổi già mà vẫn có ích”.
 
VIỆT QUỲNH