Nhà giáo xưa và nay

10:11, 16/11/2016

(LĐ online) - Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xưa đã được nhân dân ta khẳng định, đề cao: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"...

(LĐ online) - Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xưa đã được nhân dân ta khẳng định, đề cao: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...
 
Địa vị của thầy giáo, cô giáo (gọi chung thầy giáo) thời xưa
 
Kính trọng, đề cao địa vị người thầy thực chất là đề cao sự học, xem nghề giáo là nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Có được điều đó bởi trước hết là do dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư, trọng đạo. Ngày xưa, nhiều nhà rất nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng vẫn cố gắng cho con được đi học; nhằm cầu mong sau này con mình đỗ đạt làm quan, thoát khỏi cái nghèo, hoặc chí ít cũng học được cái chữ để làm người tử tế, có lối sống, cách ứng xử hợp đạo lý, biết giữ gìn thanh danh của bản thân và giữ lấy đạo nhà…Hơn nữa, người thầy được coi trọng còn bởi do chính đạo đức, phong cách, sự hiểu biết và cách đối nhân, xử thế của họ được nhân dân thừa nhận. Người thầy giáo là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh cao đẹp. Ngày xưa, ông đồ nghèo không chỉ giỏi về chữ nghĩa, mà còn giỏi bốc thuốc trị bệnh cứu người, giỏi địa lý, tướng số…được dân làng tin cậy, nhờ vả. Nhiều ông đồ từng đỗ đạt cao được xã hội rất mực kính trọng, quan lại địa phương cũng nể sợ. Họ là những người luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách; vì vậy xã hội gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách và coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để noi theo. Không những người thầy chuẩn mực về nhân cách, mà người nhà của họ cũng hết sức mẫu mực được người dân tôn trọng, đề cao. Sự kính trọng, tôn vinh người thầy và nghề dạy học đã trở thành phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết những người có công với mình, trong đó có người thầy giáo “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, tình cảm tự nhiên của mỗi người chúng ta.  
 
Đáp lại sự tôn vinh, kính trọng của nhân dân, bản thân các thế hệ nhà giáo đã nối tiếp nhau xây đắp truyền thống cao đẹp của nghề dạy học và người dạy học. Lịch sử giáo dục của dân tộc hết sức tự hào và mãi mãi ghi ơn công lao to lớn của những thầy giáo nổi tiếng “đức trọng”, “hay chữ”, tài cao, yêu nước, thương dân như: thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho Trưng Trắc và Trưng Nhị), Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Võ Trường Toản, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu,... và các nhà giáo cách mạng nổi tiếng: Châu Văn Liêm, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiện, Trịnh Đình Cửu, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà giáo tiêu biểu khác. Đặc biệt trong đội ngũ các nhà giáo cách mạng tiêu biểu nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành - vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc. Những người thầy đó đã để lại tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh; đã hết lòng đào tạo biết bao thế hệ học trò trở thành những người có học, thành đạt, có nhiều cống hiến cho nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc, được xã hội tôn trọng. 
 
Địa vị của thầy giáo thời nay 
 
Sau khi đất nước giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống nhà giáo, giáo giới Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, trở thành thành viên tổ chức FISE (tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ), góp phần nâng cao địa vị các nhà giáo Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Đặc biệt, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống tôn vinh các nhà giáo; là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, kịp thời động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình.
 
Ngày nay, thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại kinh tế tri thức, thời đại kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống…, vai trò của giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ ngày càng được coi trọng, theo đó địa vị của người thầy tiếp tục được đề cao. Đúng như Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã đánh giá về nghề dạy học: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo". Đảng và Nhà nước ta đã xác định “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”; trong đó rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của người giáo viên. Đặc biệt, ngày 15/6/2004, Ban Bí thư TƯ Đảng đã ra Chỉ thị số 40-CT/TƯ và ngày 11/1/2005, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. 
 
Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển, hệ thống tổ chức giáo dục, cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội có nhiều thay đổi, trình độ học vấn và sự hiểu biết của người dân được nâng lên; mối quan hệ, sự tín nhiệm của người dân, của học sinh đối với người thầy bây giờ cũng có khác xưa, nên sự tôn vinh nghề dạy học và địa vị người thầy cũng có sự thay đổi so với trước. Nhưng sự thay đổi đó là tất yếu của quá trình phát triển, chứ không phải do thang giá trị đạo đức xã hội thay đổi. Hơn nữa, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với cuộc sống còn nhiều khó khăn, đã làm cho một số nhà giáo chưa thật sự gương mẫu, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, không giữ được cốt cách, phẩm hạnh như các thầy giáo thời xưa, làm xói mòn lương tâm nghề nghiệp…cũng là nguyên nhân làm suy giảm uy tín của người thầy.
 
Dù cuộc sống có vần xoay thế nào đi nữa, thì xã hội vẫn luôn trân trọng, đề cao địa vị nhà giáo, đồng thời cũng luôn đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nghề dạy học, nhất là về mặt đạo đức. Bởi lẽ, sản phẩm của giáo dục là con người, không được phép “phế phẩm”; do đó đạo đức của nhà giáo có ý nghĩa quan trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Người thầy giáo không chỉ dạy học sinh bằng vốn tri thức, hiểu biết, mà còn bằng chính nhân cách sống của mình; “Dạy chữ” là quan trọng, nhưng việc “dạy người” còn quan trọng hơn. Những bài giảng nhiệt huyết, say mê; lương tâm, tình cảm cùng tinh thần trách nhiệm; sự tận tụy, nhân cách sống cao đẹp, trong sáng của người thầy sẽ tạo dấu ấn vô cùng sâu đậm trong tâm hồn các thế hệ học sinh. Từ đó, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có bản lĩnh, giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý, giữ được thiên chức nhà giáo, góp phần làm rạng danh thêm truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, mãi mãi được nhân dân và các thế hệ học sinh tôn vinh.
 
LINH NHÂN