Nỗ lực của một ngôi trường tư thục

08:11, 25/11/2016

Không chỉ nâng cấp, xây dựng mới thêm các phòng học khang trang; mà chất lượng dạy và học của Trường THPT Phù Ðổng cũng được nâng lên rất nhiều trong những năm gần đây.

Không chỉ nâng cấp, xây dựng mới thêm các phòng học khang trang; mà chất lượng dạy và học của Trường THPT Phù Ðổng cũng được nâng lên rất nhiều trong những năm gần đây.
 
Học sinh Trường THPT Phù Đổng trong giờ giáo dục thể chất. Ảnh: G.Khánh
Học sinh Trường THPT Phù Đổng trong giờ giáo dục thể chất. Ảnh: G.Khánh
Tự thu tự chi 
 
Nằm kề trung tâm thành phố Đà Lạt, Trung học phổ thông (THPT) Phù Đổng năm học này có gần 280 học sinh của 9 lớp trong bậc học THPT, trong đó có 2 lớp 10; 4 lớp 11 và 3 lớp 12. Công tác tại đây có 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 
 
Là một trong số ít các ngôi trường tư thục cấp THPT của Đà Lạt và của tỉnh Lâm Đồng, THPT Phù Đổng được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng thành lập từ năm 1997. Trước đây, trường có cả 2 cấp học, vừa trung học cơ sở (THCS) vừa THPT, từ năm học 2012-2013 đến nay chỉ còn cấp THPT. Cơ quan chủ quản của trường hiện nay là Hội Liên hiệp Thanh niên Lâm Đồng - một đơn vị thuộc Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. 
 
So với những ngày đầu nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của THPT Phù Đổng hiện nay đã khang trang lên rất nhiều. “Là trường tư thục nên chúng tôi phải tự thân vận động, mọi hoạt động của trường đều phải tự lo liệu, tự thu tự chi, kể cả chuyện xây dựng cơ sở vật chất” - cô giáo Nguyễn Thị Xuân Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. 
 
Từ 5 phòng học đầu tiên, đến nay, trường đã xây thêm nhiều phòng học mới khang trang, trong đó, niên học 2015-2016 vừa qua đã xây thêm 4 phòng trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Các lớp học cũ được sửa sang lại, lắp thêm điện sáng, thay bàn ghế mới…; phòng bộ môn cũng được mua sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ học tập. Do đủ phòng cho mỗi lớp học nên trường lâu nay áp dụng việc dạy 2 buổi/ngày, lịch học được phân bổ đều trong ngày, dành thời gian buổi chiều cho học sinh làm bài tập, ôn luyện kiến thức. 
 
Trường đã hoàn thiện sân chơi, bãi tập cho học sinh vận động, học giáo dục thể chất, trong đó có sân bóng chuyền và sân cầu lông; làm bãi xe cho học sinh... Tổng diện tích của trường khá rộng, trên 4.100 m2 nên trường trong tương lai nếu có thêm học sinh vẫn có đủ diện tích, cô Dung chia sẻ.
 
Về giáo viên, do tự chủ về ngân sách hoạt động nên trong 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường, bộ phận cơ hữu của trường rất ít, chỉ 11 người, hầu hết còn lại là giáo viên hợp đồng từ các trường khác tại Đà Lạt. 
 
“Vừa dạy vừa dỗ” 
 
“Cái khó nhất của chúng tôi là tuyển sinh, những năm trước còn đỡ, năm học này trường chỉ tuyển được 52 học sinh cho 2 lớp 10” - cô Dung nói.
 
Những học sinh hết cấp THCS tại địa bàn Đà Lạt nếu không đủ điểm chuẩn để vào được bất kỳ trường công nào có thể chọn vào đây để học. Nói cách khác, có thể coi trường như cơ hội cuối tại Đà Lạt để học sinh có thể tiếp nối việc học của mình trong bậc THPT. 
 
“Chúng tôi biết học sinh chuẩn đầu vào thấp nên điều quan trọng nhất của trường là tập trung nâng chất lượng học sinh” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết.
 
Ưu tiên đầu tiên của trường là liên kết giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh từng lớp để cùng giáo dục các em, hướng các em vào thực hiện các nhiệm vụ học tập trên trường lẫn tự học ở nhà. Theo Hiệu trưởng Xuân Dung: “Chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ nhiệm lẫn bộ môn liên lạc với nhau, liên lạc với phụ huynh để báo điểm số học tập và chống bỏ học qua tin nhắn. Học sinh yếu được phân thành nhiều đối tượng để trường tổ chức kèm thêm, buổi sáng học, buổi chiều dành để dò lại bài, kiểm tra các phần bài làm đã học. Học sinh nghỉ học vài buổi là trường lập tức cử người đến nhà để vận động đi học lại”. 
 
Điểm thuận lợi chính là sự tích cực hưởng ứng từ phía phụ huynh những năm gần đây. Các bậc cha mẹ hiện nay đã quan tâm nhiều đến việc học của con em mình, tích cực hỗ trợ nhà trường.
 
Với các lớp cuối cấp THPT, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và vào đại học, trường thực hiện việc tăng tiết dạy trong đầu học kỳ, đến cuối học kỳ giãn bớt tiết dạy lý thuyết, chú trọng vào thực hành bài tập, rèn kỹ năng thi cho học sinh.
 
Để khuyến khích học sinh, trường và cơ quan chủ quản hằng năm trao các suất học bổng tặng cho học sinh học giỏi; miễn giảm học phí cho học sinh có gia cảnh khó khăn chịu khó vươn lên trong học tập. 
 
Thực chất việc dạy và học ở đây theo cô Dung là “vừa dạy vừa dỗ”, các thầy cô phải tìm phương cách phù hợp để giảng dạy. “Phải kích thích được tinh thần thích học, ham học, chịu đến lớp, nếu áp lực quá học sinh chịu không nổi” - cô Dung nhận xét. 
 
Trong mục tiêu này, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng môi trường thân thiện trong dạy và học; thầy cô vui vẻ, hòa đồng, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh kịp thời.
 
Những nỗ lực trên của trường đã không hoài phí. Nhiều năm nay, học sinh của trường có hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt trên 90%; tỷ lệ tốt nghiệp học sinh cuối cấp luôn đạt trên 85%; năm học 2015-2016 vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 90%, rất nhiều học sinh của trường vào được đại học, cao đẳng.
 
GIA KHÁNH