Xã giàu khó đạt tiêu chí về bảo hiểm y tế

09:12, 29/12/2016

Bảo hiểm y tế  là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, chỗ dựa của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, thực tế hiện nay tiêu chí này lại đang gặp vướng mắc ngay tại xã giàu.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, chỗ dựa của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, thực tế hiện nay tiêu chí này lại đang gặp vướng mắc ngay tại xã giàu.
 
Ða phần người dân lựa chọn khám tư
 
Phải thừa nhận rằng, những năm qua, chính sách BHYT đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ y tế cũng như hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân. Qua đó, góp phần ổn định việc bảo đảm ngân sách hoạt động của các bệnh viện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế. Đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân. Theo số liệu thống kê của Phòng Y tế huyện Đơn Dương, tính đến cuối tháng 11/2016, có 9/10 xã, thị trấn của huyện đạt tiêu chuẩn về BHYT. Chỉ có duy nhất xã Lạc Lâm không đạt với 5.735 người tham gia BHYT trên tổng số dân số là 9.825 người (chiếm 58%). Trong khi đó Lạc Lâm là một trong những xã dẫn đầu về phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Đơn Dương, có vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của huyện với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng/người/năm (trong khi toàn huyện đạt 53 triệu đồng/người/năm). Đây cũng là địa phương được xác định để xây dựng xã NTM kiểu mẫu đến năm 2020.
 
Lý giải về điều này, ông Lộc Văn Trung - Trưởng phòng Y tế huyện Đơn Dương cho biết: Trong số các xã đạt về tiêu chí BHYT trên địa bàn toàn huyện, có những xã nghèo hoặc xã có đông bà con người DTTS sinh sống nên đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT 100%. Còn riêng Lạc Lâm là xã gần như không có người nghèo, chỉ có một thôn là bà con vùng đồng bào DTTS với 114 hộ, bởi vậy lượng thẻ BHYT được trợ cấp ít hơn. Mặt khác, người dân xã Lạc Lâm có thu nhập cao nên người ta có xu hướng lựa chọn các gói bảo hiểm tư hơn là BHYT.
 
Lý giải thêm về điều này bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm nói: Thực tế hiện nay nhiều quy định về quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn chưa rõ ràng; thủ tục chuyển tuyến, thanh toán BHYT còn quá nhiêu khê; người dân không thực sự tin tưởng vào sự an toàn của Quỹ BHYT cũng như chất lượng thuốc và chất lượng khám của BHYT so với dịch vụ ở ngoài. Thái độ phục vụ không tốt cộng với nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã khiến người dân không thực sự mặn mà với BHYT. 
 
Bên cạnh đó, đa phần người dân tại đây có suy nghĩ rất chủ quan rằng: “Lúc nào có bệnh thì đi khám, không cần mua sẵn. Hơn nữa thẻ BHYT chỉ có thời hạn đến 6 tháng nên đi làm lại thẻ rất mất thời gian”. Bởi thế đối tượng mua thẻ BHYT nhiều trên địa bàn chủ yếu ở sau độ tuổi 40. Ngoài ra, do có thu nhập cao nên nhiều người dân ở Lạc Lâm đã lựa chọn dịch vụ khám sức khỏe tư. Hiện ở Lạc Lâm mỗi đêm có ba xe khách đi hướng Sài Gòn, hành khách trên xe chủ yếu là người dân đi chữa bệnh và khám bệnh định kỳ. Điều này dẫn tới việc Lạc Lâm khó đạt tiêu chí về BHYT trong xây dựng NTM.
 
Ðể người dân “mặn mà” hơn với BHYT
 
Theo nội dung Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2016, tại tiêu chí 15.1 quy định: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phải từ 70% trở lên.
 
Ông Lộc Văn Trung khẳng định: “Tiêu chí 15.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT, là tiêu chí mềm sẽ được tái công nhận hàng năm. Nếu địa phương không duy trì được tỷ lệ này từ 70% trở lên sẽ không được tái công nhận đạt tiêu chí về y tế, cũng đồng nghĩa là xã sẽ rớt tiêu chí này. Xã NTM cứ 5 năm tái công nhận một lần, nếu thời điểm tái công nhận không đạt được, sẽ không còn là xã NTM”. Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt được, lãnh đạo xã Lạc Lâm cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng người dân không mặn mà với BHYT để thực hiện thành công tiêu chí này.
 
Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm cũng như tự giác tham gia BHYT không phải là chuyện có thể làm được trong ngày một, ngày hai. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung nói thêm: Chỉ tiêu thẻ BHYT được lồng ghép vào tiêu chí về y tế của địa phương. Chính điều này đã gắn trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc vận động người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng mà Lạc Lâm quan tâm thực hiện là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục mọi người hưởng ứng thực hiện. 
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau nhiều nỗ lực, mặc dù vẫn chưa đạt chỉ tiêu, song đến giữa tháng 12/2016, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã Lạc Lâm đã đạt gần 65%.
 
HOÀNG MY