Hành trình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

08:12, 29/12/2016

Công tác dân vận có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là Cương lĩnh của Đảng về công tác dân vận. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều có các nghị quyết chuyên đề để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.

Công tác dân vận có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là Cương lĩnh của Đảng về công tác dân vận. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều có các nghị quyết chuyên đề để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.
 
Khen thưởng, biểu dương các mô hình, điển hình tập thể dân vận khéo tiêu biểu. Ảnh: P.Nhân
Khen thưởng, biểu dương các mô hình, điển hình tập thể dân vận khéo tiêu biểu. Ảnh: P.Nhân

Sau nhiều năm liên tục đổi mới, vận dụng sáng tạo phương pháp dân vận đã giúp cho Ban Dân vận Tỉnh ủy gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, xứng đáng được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.
 
Những thành tựu đạt được
 
Với vai trò tham mưu giúp cấp ủy Đảng về công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chú trọng phát huy dân chủ, đoàn kết, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức phát huy năng lực, sở trường công tác; tăng cường công tác bám sát cơ sở để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận.
 
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2016, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ trong việc tổ chức học tập, quán triệt và ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động để triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Quyết định số 174-QĐ/TU của Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng”.
 
Đến nay, 12/12 huyện, thành ủy đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, các cấp ủy Đảng đã cụ thể hóa để lãnh đạo thực hiện; phần lớn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận, nhiều cơ quan đã xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác dân vận; lấy việc thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận là một tiêu chí đánh giá năng lực, đạo đức cán bộ công chức để xét các danh hiệu thi đua hàng năm.
 
Năm 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời biểu dương 85 gương điển hình dân vận khéo; đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2010 - 2015.
Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện những sai sót, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tham mưu Thường trực Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo giải quyết; thường xuyên quan tâm công tác thi đua, khen thưởng, nhất là tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới… Qua đó, công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện đạt những kết quả tích cực. 
 
Tổ chức bộ máy cán bộ và chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận cấp ủy từng bước được kiện toàn, nâng cao, bám sát yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường và giữ vững, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.
 
Những năm qua, Ban Dân vận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng tham mưu chỉ đạo giải quyết các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong vùng đồng bào dân tộc; phối hợp tham mưu cho cấp ủy các cấp chỉ đạo triển khai giám sát các chuyên đề trên các lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, công tác quản lý bảo vệ rừng; phản biện một số văn bản của chính quyền theo các Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị...
 
Những năm gần đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có nhiều nỗ lực thực hiện hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, chương trình công tác đề ra cũng như các công việc phát sinh theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Dân vận Trung ương. Chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp thực hiện từng bước nâng cao, phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong các lĩnh vực công tác dân vận với nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, góp phần quan trọng xây dựng củng cố, tăng cường mối liên hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. 
 
Chú trọng xây dựng điển hình “Dân vận khéo”
 
Một trong những điểm nhấn trong công tác dân vận của tỉnh, đó là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp. Phong trào này được gắn với nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình được nhân rộng, góp phần tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực và tinh thần tự quản của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 
 
Trong công tác tôn giáo, Ban Dân vận đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình địa phương về công tác dân tộc, tôn giáo, giúp các cấp ủy giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh. Giai đoạn 2011 - 2016, theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số với quan điểm, phương châm là vừa coi trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ với hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, vừa chú trọng đầu tư văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vừa đào tạo cán bộ. Từ đó, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế hàng hóa từng bước được hình thành và phát triển. Đặc biệt, một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số đã biết trồng rau thương phẩm, trồng hoa xuất khẩu để tăng thu nhập. Đến nay, số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, cơ bản không còn hộ đói, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu; đã cơ bản xóa nhà tạm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Những nỗ lực trong hơn 5 năm qua của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Ban Dân vận Tỉnh ủy đã giúp đơn vị gặt hái nhiều thành tựu nổi bật, được tặng thưởng nhiều danh hiệu như Cờ Thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Ban Dân vận Trung ương, Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương, Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Huân chương Lao động hạng Ba… 
 
Để đạt được những thành tựu nổi bật nêu trên, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: Trước tiên phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, của các cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành… Qua đó, nhiều chủ trương về công tác vận động quần chúng đã được triển khai thực hiện kịp thời gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hệ thống công tác dân vận của tỉnh dưới sự tham mưu chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tập trung vận động nhân dân hưởng ứng tích cực các mục tiêu, 5 lĩnh vực đột phá, 16 công trình trọng điểm do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra; việc triển khai thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, đặc biệt là Nghị quyết 25-NQ/TWđã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới. 
 
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác dân vận đã góp phần từng bước củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo sự đồng thuận xã hội; đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
NGUYỆT THU