Rừng không còn là của trời

09:01, 31/01/2017

Người K'Ho gọi rừng là "Dơr bri". Những con người ở miệt núi rừng Đạ Sar, Lạc Dương giải thích rằng, theo tiếng của cha ông họ, "Dơr bri" nghĩa là rừng tự nhiên, rừng của trời, rừng của đất, chả của ai cả. Vì vậy, "Dơr bri" tựa như "chim trời, cá bể" ai muốn bắt thì bắt, ai muốn giữ thì giữ, nhưng nhận thức đó đã thay đổi trong những năm gần đây.

Người K’Ho gọi rừng là “Dơr bri”. Những con người ở miệt núi rừng Đạ Sar, Lạc Dương giải thích rằng, theo tiếng của cha ông họ, “Dơr bri” nghĩa là rừng tự nhiên, rừng của trời, rừng của đất, chả của ai cả. Vì vậy, “Dơr bri” tựa như “chim trời, cá bể” ai muốn bắt thì bắt, ai muốn giữ thì giữ, nhưng nhận thức đó đã thay đổi trong những năm gần đây.
 
Câu chuyện giữ rừng luôn khắc sâu trong tâm khảm con người nơi đây. Ảnh: Đ.Tú
Câu chuyện giữ rừng luôn khắc sâu trong tâm khảm con người nơi đây. Ảnh: Đ.Tú

Rừng là của tất cả mọi người
 
Thôn 6, xã Đạ Sar có 177 nóc nhà, 805 con người quanh năm lam lũ với núi rừng. Ông Klong Ha Jack (1963) là người có uy tín của thôn xóm kể lại: “Trước đây, người dân chúng tôi thường vào rừng đốn củi, khai thác gỗ lạt về làm nhà cửa, chất đốt. Mọi người không ai bảo ai cứ thế vào rừng chặt cây vì họ nghĩ rừng là của trời mà, ai muốn chặt cây nào thì cứ thế phang rìu cho đến khi cái cây ngã đổ, ứa nhựa tươi từng dòng ai oán”.
 
Trong suy nghĩ của những con người núi rừng, đơn giản rừng chỉ là vậy thôi. Rừng là của trời cho, của thiên nhiên và con người chỉ việc thừa hưởng. Quá khứ đã qua. Nay, một nếp suy nghĩ mới, mới như những cái cây con được ươm trồng chờ ngày đàn chim kéo về làm tổ. Rừng bây giờ là của tất cả mọi người, của người già cả, thanh niên và của cả những đứa bé còn bồng trên tay. Ý thức này được định hình và thay đổi theo ông Ha Jack là khoảng từ năm 1995 và trong vài năm trở lại đây thì càng thay đổi một cách rõ rệt. 
 
Trong căn nhà của anh Kră Jẵn Ha My La (1981) trống hoắc, gió lùa vào những nếp bạt che chắn nghe rào rào. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng My La có một suy nghĩ khiến nhiều người ở cái thôn 6 này nể trọng: “Rừng có sẵn gỗ, nếu mình lấy về xẻ làm nhà, việc trước tiên là vi phạm pháp luật, cái đó thì hẳn đã rõ ràng. Nhưng, một điều quan trọng hơn, nếu mình kể nghèo, kể khó, kể khổ mà vác cưa đục vào rừng thì cả cái thôn này, cả cái xã này ai cũng có thể làm vậy. Chỉ riêng thôn mình đã có tới 36 hộ nghèo. 36 hộ của một thôn vào rừng, cả xã vào rừng thì rừng xanh đâu mà còn nữa. Tôi giờ đang nhận giữ rừng để bảo vệ rừng cho con cháu buôn làng sau này”. 
 
Nhiều người ở thôn 6 giải thích, từ xa xưa cha ông tổ tiên của họ cho dù quan niệm là rừng của trời nhưng khai thác, đốn gỗ chỉ nhằm mục đích làm nhà chứ không hề chặt cây bán mua gỗ rừng, nghĩa là không có tính thương mại, buôn bán. Ông Ha Jack phân trần: “Giờ rừng không còn nhiều như thời xưa nên không thể chặt phá rừng bừa bãi được. Bà con ai giờ cũng ý thức phải giữ rừng. Phá rừng ở trong thôn bây giờ chỉ là người ngoài. Thôn 6 giờ có 110 hộ dân cam kết bảo vệ rừng, không xâm hại đến rừng, chúng tôi cùng nhau nhận khoán bảo vệ rừng, rừng trả công chúng tôi bằng những đồng tiền xứng đáng, vô cùng giá trị”.
 
Cả thôn giữ rừng
 
Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, Liêng Jrang Ha Kim cho biết: “Ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương hiện là rất tốt. Họ đã cam kết, nhận giao khoán thì nhất định xem rừng là của tất cả mọi người chứ không phải là của trời nữa. Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với người dân và cơ quan chức năng làm rất tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”. 
 
Năm 2016, cả xã Đạ Sar có 824 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, diện tích đất rừng bị người dân tác động chỉ là 48 m 2, một con số khá nhỏ, đủ để nói lên rằng hiệu quả của công tác bảo vệ rừng đã có bước tiến vượt bậc. 
 
Bảo vệ rừng, người dân thôn 6 nói riêng và toàn xã Đạ Sar được hưởng chế độ qui định của nhà nước. Từ công việc này, giúp họ có một khoản thu nhập đáng kể để lo cơm gạo. Ông Kon Sơ Ha Bông, một người nhận giao khoán rừng tại địa phương chia sẻ: “Bảo vệ rừng, mình vừa thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng, tình đoàn kết thôn xóm, giáo dục được con cháu. Ngoài ra, có thêm một khoản thu nhập góp phần ổn định cuộc sống”.  
 
Nằm trong chương trình hỗ trợ vùng đệm của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, thời gian qua, hệ thống đường giao thông tại các thôn 1, 5, 6 theo nguồn vốn hỗ trợ vùng đệm được hình thành, đường đất được thay bằng bê tông, lầy lội, trơn trượt không thể gây khó khăn cho sinh hoạt và phát triển kinh tế.  Sản xuất nông nghiệp của bà con cũng được hưởng lợi bằng biện pháp hỗ trợ máy bơm nước phục vụ tưới tiêu của vùng đệm để góp phần bảo vệ rừng.
 
Đến Đạ Sar hôm nay, một màu xanh trù phú của những cánh rừng bao bọc, ôm lấy thôn xóm. Và, một màu xanh khác, màu xanh của cà phê, lúa, ngô, hoa màu nảy nở. Chủ tịch xã Ha Kim, mừng ra mặt vì diện tích cà phê của toàn xã ổn định ở trên 900 ha, cây trồng khác lên đến 2.500 ha. Theo giải thích của ông thì ngày xưa người dân chỉ quen sống nhờ rừng, vào rừng kiếm cái ăn qua ngày thì nay họ đã biết sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Bây giờ dân Đạ Sar không còn xem rừng là “Dơr bri” nữa mà rừng là tài sản chung của cộng đồng, tài sản của chính cá n hân họ và kể cả thế hệ con cháu sau này. 
 
Những người già cả ở Đạ Sar chia sẻ: Rừng là tài sản lớn nhất của một đời người để lại cho con cháu sau này và ai ai cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ rừng để làm “của để dành” cho mai sau.
 
ÐỨC TÚ