Xây dựng đời sống văn hóa là xây dựng tiến bộ, văn minh, giữ vững kỷ cương xã hội

08:01, 05/01/2017

Năm 2016, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và cổ vũ, khích lệ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  

Năm 2016, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trong tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và cổ vũ, khích lệ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  
 
Tuy nhiên, phong trào “TDĐKXDĐSVH” vẫn còn một số hạn chế: Ban chỉ đạo phong trào các huyện, thành phố được kiện toàn nhưng chưa hoạt động thường xuyên, một số thành viên chưa tích cực chủ động phối hợp triển khai theo Quy chế hoạt động. Việc đăng ký, kiểm tra bình xét công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hóa chưa theo đúng quy định. Công tác triển khai xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị chưa được quan tâm thường xuyên. Kinh phí dành cho hoạt động phong trào “TDĐKXDĐSVH” của các huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, thôn được đầu tư xây dựng song chưa có kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể dẫn đến chưa phát huy hết công năng sử dụng… 
 
Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh có Văn bản số 07/UBND-VX2 (ngày 3/1/2017) về việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện và thành phố cần thực hiện tốt các nội dung: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của BCHTW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về chủ trương, mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào. Gắn phong trào với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Thi đua yêu nước”; xem đây là nội dung quan trọng để xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh, giữ vững kỷ cương xã hội. Phát huy vai trò tự quản của cộng đổng, phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa sau khi được công nhận. Thực hiện nghiêm túc, công khai việc kiểm tra, bình xét, công nhận và khen thưởng theo quy định. Đẩy mạnh công tác quy hoạch quỹ đất và bố trí nguồn kinh phí hợp lý dành cho đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, luyện tập thể thao để đáp ứng nhu cầu hội họp, giao lưu sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể thao của người dân. Từ đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bố trí kinh phí hoạt động hợp lý và hướng dẫn quản lý, sử dụng đảm bảo công tác khen thưởng, hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp. 
 
Một việc quan trọng nữa là phải thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện tại cơ sở nhằm kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng phong trào; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc về Ban chỉ đạo tỉnh theo quy định. 
 
LAN HỒ