Triển khai Đề án 50: Khó bố trí cán bộ theo đúng quy hoạch

09:02, 10/02/2017

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhiều trí thức trẻ của Đề án 50 vẫn chưa được bố trí công việc như mục tiêu đã đề ra.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhiều trí thức trẻ của Đề án 50 vẫn chưa được bố trí công việc như mục tiêu đã đề ra.
 
Đối tượng của Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên để tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn và xã chậm phát triển (gọi tắt là Đề án 50) là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tuổi đời dưới 30; đã tốt nghiệp đại học.
 
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ người DTTS là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn ở các xã nghèo.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ người DTTS là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn ở các xã nghèo.
4/43 trí thức trẻ được bố trí đúng quy hoạch
 
Sau hơn 2 năm công tác tại xã Gung Ré, anh K’Brổh (SN 1983, người K’Ho) được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa - Xã hội từ tháng 7/2016. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại địa phương, nhưng những ngày đầu mới về công tác tại Văn phòng UBND xã, anh K’Brổh cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nền tảng của một cử nhân ngành Sư phạm Sinh học, anh nhanh chóng bắt nhịp được với công việc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chính nhờ tích cực bám sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân mà anh nhanh chóng nắm bắt được tình hình, chia sẻ, hướng dẫn người dân về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, thực hiện nếp sống văn hóa mới. “Mới đầu mình còn có nhiều lúng túng khi triển khai các văn bản theo đúng quy trình, dẫn đến đôi khi sai sót. Những gì được học bài bản ở trường nhưng khi áp dụng vào thực tế địa phương thì lại hơi khác. Tuy nhiên, lớn lên ở đây từ nhỏ nên mình hiểu đồng bào mình. Nhận thức của một số bà con còn hạn chế, mình phải trở thành cầu nối để bà con hiểu hơn, gần hơn với Nhà nước”, anh K’Brổh chia sẻ.
 
Tuy nhiên, những đoàn viên như K’Brổh không nhiều, bởi theo kết quả tổng kết của UBND tỉnh, qua thời gian triển khai và thực hiện đề án, trong số 43 trí thức trẻ tham gia đề án tại 36 xã đặc biệt khó khăn và xã chậm phát triển thì đã bố trí được 4 trường hợp giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã (gồm các huyện Lạc Dương, Di Linh, Đơn Dương); 7 trường hợp được tuyển dụng vào công chức cấp xã, 1 trường hợp được bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã và 1 trường hợp được giới thiệu và trúng cử Đại biểu HĐND cấp xã. Có 7 trường hợp vì nhiều lý do đã không thể tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và 6 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động sau khi về làm việc tại các xã một thời gian.
 
Ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá: “Thông qua các hoạt động thực tiễn, lực lượng trí thức trẻ có đóng góp quan trọng vào việc tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên, củng cố, nâng cao hoạt động các tổ chức, đoàn thể ở địa phương; góp phần nâng cao nhận thức và đời sống văn hóa của đồng bào. Các đội viên của đề án, sau khi được phân công đã nhanh chóng tiếp cận công việc, từng bước khắc phục khó khăn”.
 
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc khi Đề án 50 được triển khai. Tại các xã, bộ máy chủ chốt cấp xã và đội ngũ công chức đã ổn định, chưa có biến động trong thời gian ngắn nên không thể bố trí, sắp xếp vị trí cho các học viên của đề án. Hơn nữa, độ tuổi của đội ngũ cán bộ còn khá trẻ, gây khó khăn cho việc bố trí, sử dụng vào vị trí quan trọng như vị trí Phó Chủ tịch UBND. 
 
Những khó khăn không lường trước
 
Dẫu vậy, theo đánh giá của Phòng Nội vụ thì trình độ, kỹ năng của một số người còn hạn chế. Chất lượng tham mưu giải quyết công việc chưa cao, một số công việc còn lúng túng và chưa kịp thời. Một số chưa mạnh dạn tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương, chưa chủ động trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, còn e dè trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân.

Trong số 11 huyện, thành phố có học viên tham gia đề án, hiện nay chỉ có Lạc Dương là đã bố trí 6/6 học viên được tuyển dụng, bầu cử theo đúng quy định (bao gồm 1 Phó Chủ tịch xã và 5 công chức).

 
Huyện Di Linh có 9 học viên tham gia đề án. Trải qua 3 tháng thực tập tại các phòng ban chuyên môn cấp huyện, xã, hiện tại huyện mới bố trí được 2 Phó Chủ tịch (xã Gung Ré và Gia Bắc), 1 trường hợp được xét tuyển vào công chức Văn phòng - Thống kê. Hiện huyện vẫn đang tìm cách giải quyết 6 trường hợp còn lại.
 
Theo ông Đới Ngọc Văn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, tuy chủ trương của Đề án 50 là rất tốt nhưng ngay từ đầu đã không đánh giá hết được những khó khăn có thể gặp phải nên sau hơn 3 năm thực hiện, đề án đã không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Hầu hết các học viên của đề án không thể đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.
 
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho rằng khó khăn của đề án hiện nay đó là các học viên tham gia đề án đều là những người trẻ, có trình độ và năng lực nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là chưa tham gia vào tổ chức chính quyền. Theo ông, về lâu dài, mỗi người dù được bổ nhiệm hay chưa thì cũng cần tự cố gắng học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo quản lý.
 
Toàn tỉnh hiện còn 25 học viên hợp đồng làm công tác văn phòng, làm thư ký chủ tịch đang được dự kiến bố trí trong thời gian tới. Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương để các địa phương gia hạn hợp đồng lao động đối với 25 học viên theo Đề án 50 đến hết năm 2018. Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Nội vụ và Chủ tịch UBND cấp xã có học viên theo đề án, tiếp tục phân công hướng dẫn, giúp đỡ, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho các học viên, đồng thời có kế hoạch lộ trình sắp xếp, bố trí chức danh phù hợp với chuyên môn, sở trường của từng học viên. Đến hết năm 2018, những trường hợp không sắp xếp, bố trí được thì thông báo, giải thích để họ chủ động tìm kiếm việc làm khác.
 
Ông Đặng Ngọc Sơn Phó Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ
 
Nhiều vướng mắc khi thực hiện đề án: Trong quá trình thực hiện đề án mới thấy còn nhiều vướng mắc chưa lường trước được. Các đội viên được đào tạo rất bài bản, tuy nhiên khi thực hiện nhiệm vụ thì kinh nghiệm họ chưa nhiều. Bên cạnh một số đồng chí thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì vẫn còn một vài đồng chí chưa đạt yêu cầu. Kiến thức học ở trường chỉ có thể áp dụng phần nào đó, bởi vì không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của mọi địa phương.
 
 
Bà Nguyễn Thị Kiều Ngân Chủ tịch UBND xã Liên Đầm, huyện Di Linh
 
Khó có thể quy hoạch cán bộ đề án: Hiện có 1 học viên của đề án đang làm trợ lý Chủ tịch, hỗ trợ các công tác dân tộc, tôn giáo tại địa phương. Tuy nhiên, xã cũng đang rất khó để bố trí cán bộ theo đúng quy hoạch của Đề án vì đội ngũ công chức của xã đang hoạt động ổn định. Thêm vào đó, chuyên môn của đoàn viên này lại không phù hợp cho vị trí cán bộ chuyên trách nào.
 
 
Chị Ka Hôi Đoàn viên Đề án tại xã Liên Đầm, Di Linh
 
Mong được tạo điều kiện nâng cao chuyên môn: Công tác tại địa phương một thời gian, bản thân tôi cũng nhận thấy mình còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Vì chuyên ngành hiện tại không phù hợp nên cũng gặp khó khăn trong việc xét, thi tuyển. Tôi đã đề xuất xã, huyện tạo điều kiện cho tôi học nâng cao chuyên môn để có thể đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của xã.
 
 
HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH