Ngày mới ở Lăng Kú

08:03, 06/03/2017

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình dự án và sự nỗ lực vươn lên của bà con, nên thôn Lăng Kú, xã Gung Ré (Di Linh) ngày càng thay da, đổi thịt. Đến nay, số hộ nghèo của thôn đã giảm đáng kể và chỉ còn 7,03% theo tiêu chí mới. 

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình dự án và sự nỗ lực vươn lên của bà con, nên thôn Lăng Kú, xã Gung Ré (Di Linh) ngày càng thay da, đổi thịt. Đến nay, số hộ nghèo của thôn đã giảm đáng kể và chỉ còn 7,03% theo tiêu chí mới. 
 
Bà con đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà khang trang. Ảnh: N.Brừm
Bà con đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà khang trang. Ảnh: N.Brừm
Thôn Lăng Kú hiện có 185 hộ với 764 nhân khẩu, trong đó số hộ là đồng bào DTTS chiếm 40,5%. Trước đây, Lăng Kú là một trong hai thôn nghèo của xã Gung Ré và được thụ hưởng từ các chương trình 134, 135, 30a… 
 
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhất là đồng bào DTTS tham gia tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Đến nay, toàn thôn đã có 80/330,7 ha cà phê (đạt 25% diện tích) đã được ghép cải tạo và trồng tái canh, có trên 80 con bò và hàng chục con dê.
 
Nhờ tích cực học hỏi, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, canh tác chè, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, nên đã làm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình và ngày càng xuất hiện nhiều hộ khá giả. Nếu như năm 2009, thôn Lăng Kú có 68 hộ nghèo, chiếm 41,1% thì đến nay giảm còn 7,03% theo tiêu chí mới; có 55 hộ khá giả (chiếm 29,72%), như hộ ông K’Điệp, K’Tin, K’Brẹo, Bùi Văn Thành, Bùi Văn Quảng, Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Ngọc Thủy… và còn lại là những hộ có mức sống trung bình.
 
Ông K’Lãng cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê và vài sào lúa nước sản xuất 2 vụ. Trước đây, do theo tập quán canh tác truyền thống, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Năm 2012, tôi đã chuyển đổi được 4 sào cà phê già cỗi bằng cách ghép chồi cà phê giống cao sản, nay đã cho thu hoạch ổn định. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư khoảng 67 triệu đồng để nuôi bò và duy trì nuôi 20 con dê. Vì vậy, đời sống của gia đình đã có bước đi lên. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư thâm canh và chuyển đổi dần số diện tích còn lại chuyển sang ghép cải tạo hoặc tái canh cà phê giống mới”.
 
Không chỉ biết chú trọng phát triển kinh tế, chi bộ và Ban nhân dân thôn còn quan tâm đến xây dựng thôn văn hóa, biết vận dụng và phát huy những mặt tích cực của hương ước về nếp sống văn hóa; thuần phong mỹ tục bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn; phát huy và đẩy mạnh hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình luôn được quan tâm và thực hiện khá tốt; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi thôn xóm được giữ vững... 
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Bà con không chỉ hăng hái, thi đua lao động sản xuất, họ còn tích cực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình nông thôn mới. Hằng năm, có 85% hộ dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Năm 2016, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân thôn Lăng Kú đã đối ứng 80 triệu đồng, xây dựng hội trường thôn có diện tích sử dụng trên 120 m2 với trị giá 160 triệu đồng… 
 
Đến thôn Lăng Kú hôm nay, tuy cuộc sống của bà con vẫn có những khó khăn nhất định, nhưng nếu so với gần 10 năm về trước thì nay đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Hầu hết người dân trong thôn đều sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia. Thôn không còn cảnh những ngôi nhà tranh, tre xập xệ nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố có trị giá từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng đua nhau “mọc” khắp buôn, như báo hiệu cuộc sống mới, no đủ đã về với bản làng nơi đây. 
 
 “Những năm qua, chúng tôi kết hợp với già làng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng phát triển kinh tế và quan tâm cho con em được học tập đến nơi đến chốn. Vì có vốn kiến thức mới áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Mặc dù, trẻ em trong buôn đến tuổi đều được tới trường, nhưng điều mà chúng tôi luôn trăn trở nhất hiện nay là một số con em trong thôn chỉ học đến giữa chừng cấp II hoặc cấp III rồi thôi học. Một số tuyến đường trong thôn và khu vực sản xuất đã bị xuống cấp trầm trọng gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân nhất là vào mùa mưa” - ông Nguyễn Văn Sinh, Bí thư chi bộ và ông Bùi Văn Bảy, Trưởng thôn trăn trở.
 
NDONG BRỪM