Tăng cường tuyên truyền du khách thực hiện pháp luật

05:03, 09/03/2017

Thành phố Đà Lạt là một điểm du lịch thu hút lượng du khách rất lớn nhờ môi trường xanh và sạch - đẹp. Để phát huy tốt đặc thù ưu đãi này, càng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền luật pháp đối với du khách, nhằm cùng tham gia bảo vệ và không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), Luật Bảo vệ môi trường.  

Thành phố Đà Lạt là một điểm du lịch thu hút lượng du khách rất lớn nhờ môi trường xanh và sạch - đẹp. Để phát huy tốt đặc thù ưu đãi này, càng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền luật pháp đối với du khách, nhằm cùng tham gia bảo vệ và không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), Luật Bảo vệ môi trường.  
 
Rác xả tràn lan bừa bãi trên Quảng trường Lâm Viên. Ảnh: Minh Đạo
Rác xả tràn lan bừa bãi trên Quảng trường Lâm Viên. Ảnh: Minh Đạo
Từ bảo vệ rừng 
 
Số liệu Phó Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Nguyễn Quốc Thái Bình cung cấp cho biết, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, trong tổng số 113 dự án đầu tư có tới 73 dự án về du lịch sinh thái (tổng diện tích 2.318 ha). Trong đó, hai chủ rừng có diện tích quản lý và bảo vệ lớn nhất là Ban Quản lý (BQL) Khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm và BQL rừng Lâm Viên. Theo báo cáo kiểm tra thời điểm tháng 10/2016 của đoàn liên ngành tỉnh, trên địa bàn thành phố đã có 14 dự án vi phạm Luật BV&PTR. 
 
Một trong những tính đặc thù của Đà Lạt là diện tích rừng bao bọc quanh các tuyến, điểm khai thác du lịch. Đây vừa là mặt có giá trị, vừa tiềm ẩn nguy cơ vi phạm Luật BV&PTR của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Đầu tháng 3 này, một vụ việc còn “nóng” trên mạng xã hội và báo chí về việc du khách là cán bộ lãnh đạo sở của tỉnh Bình Thuận cầm nhiều cành hoa Anh Đào đã bị bẻ tại KDL hồ Tuyền Lâm để chụp ảnh. Trước sự vụ này mấy ngày, phóng viên Báo Lâm Đồng đã làm việc với đại diện lãnh đạo chủ rừng nơi đây (Phó BQL KDL hồ Tuyền Lâm Phạm Văn Dân) với mục đích tuyên truyền và cảnh báo về công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tại KDL. Giá như, công tác tuyên truyền về pháp luật BVR tại đây làm tốt hơn nữa. Ví dụ, tuần tra tích cực và cắm nhiều biển báo “cấm bẻ hoa, bẻ cành” với bất kỳ lí do gì để BVR dọc đường đi hay những khu vực có nguy cơ vi phạm nhất thì tin rằng trường hợp du khách Bình Thuận sẽ nhận thức tốt hơn và có thể hạn chế sự vi phạm. Thực tế, đây không phải là trường hợp vi phạm Luật BV&PTR của du khách duy nhất, mà trước đó và cả sau đó vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi khác.   
 
Hiện nay, Cục Kiểm lâm Việt Nam đang cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm diễn ra ở nhiều khu vực. Dự báo của các cơ quan chuyên môn cho biết, mùa khô năm 2017, tình hình thời tiết sẽ nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, những tháng đầu năm 2017 nền nhiệt độ tiếp tục có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo tổng lượng mưa sẽ giảm và thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có Công điện “Hỏa tốc” gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Với Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo Kế hoạch BV&PTR tỉnh cũng có Văn bản số 20/BCĐ-KL về việc Tăng cường công tác quản lý, BVR, PCCCR. Một trong những tồn tại, nguyên nhân cơ bản được nêu lên là: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác BVR và PCCCR “thực hiện còn dàn trải, chưa có phương pháp tiếp cận phù hợp theo nhận thức của từng nhóm đối tượng”. Với tinh thần này, các đơn vị chủ rừng cần tăng cường trách nhiệm tuần tra, canh phòng chặt chẽ nguy cơ cháy rừng; đồng thời, tổ chức tuyên truyền nghiêm túc, đầy đủ đối với các đơn vị lữ hành, đối với du khách tại các điểm vui chơi giải trí. Mặt khác, chúng tôi nêu lại một lần nữa: rất cần cắm nhiều biển báo “cấm lửa”, biển báo “đề phòng cháy rừng”… tại nhiều điểm du lịch. 
 
Đến bảo vệ môi trường   
 
Thành phố Đà Lạt từng được mệnh danh là thành phố sạch nhất trong các thành phố ở Việt Nam. Thế nhưng, không phải lúc nào, ở đâu cũng làm tốt công tác giữ gìn môi trường sạch. Dẫn chứng những khu vực thường xả rác nhiều nhất từ phía du khách là Quảng trường Lâm Viên (những ngày diễn ra các sự kiện văn hóa giải trí) và dọc các tuyến đường vào khu vực chợ trung tâm, nhất là vào các sáng chủ nhật hay mùa du lịch cao điểm. Với Quảng trường Lâm Viên, vào dịp cuối năm 2016, sau khi diễn ra sự kiện văn hóa giải trí “Chào năm mới 2017”, tình trạng xả rác bừa bãi, tràn khắp sân, khán đài và Công viên Yersin. Ở địa điểm Quảng trường, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường là Big C. Tuy nhiên, do ít người, lượng rác thải quá lớn nên từ sáng sớm, 13 công nhân Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt phải hỗ trợ làm ngoài giờ không lương để kịp thời khắc phục tình trạng phản cảm. Sau vụ việc này, chúng tôi cũng đã phản ánh trên mặt báo và đề nghị đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời, cần lắp đặt nhiều thùng đựng rác thải tại địa điểm đông người. 
 
Về hành lang pháp lý, bắt đầu từ ngày 1/2/2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Nghị định này quy định xử phạt rất nhiều hành vi làm tổn hại môi trường như vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động, gây ô nhiễm môi trường; vi phạm về quản lý chất thải; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản… Đặc biệt có nội dung về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, lễ hội... Theo quy định từ Nghị định, người có hành vi gạt tàn thuốc lá, bỏ mẩu thuốc lá ở nơi công cộng như khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế không đúng quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng cũng bị phạt từ 1- 3 triệu đồng. Với hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng... So với những quy định trước đây, mức xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NÐ-CP cao hơn nhiều lần. Việc tăng xử phạt nhằm thức tỉnh, răn đe những người cố tình vi phạm xả rác bừa bãi - một hành động đã trở thành thói quen của không ít người dân. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là “phòng” hơn “chống”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục là điều căn bản và mang tính bền vững. 
 
Với sự vào cuộc của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cùng việc nêu cao trách nhiệm của các đơn vị liên quan, hy vọng công tác BVR, bảo vệ môi trường trên thành phố Đà Lạt ngày càng được cải thiện tốt hơn. Đó cũng là một trong những định hướng về quy hoạch tổng thể và phát triển đô thị Đà Lạt mà Chính phủ và tỉnh đã đề ra.      
 
 MINH ĐẠO