Bao giờ có Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên?

08:04, 06/04/2017

Bảo tàng thiên nhiên là một trong những mô hình có vai trò trọng yếu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây đúng 11 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 về "Quy hoạch tổng thể hệ thống BTTN ở Việt Nam đến năm 2020"...

Bảo tàng thiên nhiên (BTTN) là một trong những mô hình có vai trò trọng yếu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây đúng 11 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 về “Quy hoạch tổng thể hệ thống BTTN ở Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng được chọn là một trong 4 vị trí của cả nước để xây dựng BTTN, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa triển khai được. 
 
Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm là một gợi ý chọn vị trí xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên. Ảnh: M.Đ
Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm là một gợi ý chọn vị trí xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên. Ảnh: M.Đ
Ngày 17/3/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, xây dựng BTTN là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại kết luận Hội nghị về bảo vệ, phát triển rừng. Ở Lâm Đồng, thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc “Lập dự án đầu tư BTTN” trên địa bàn tỉnh. Và mới đây, ngày 23/2/2017, UBND tỉnh “Phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 169/QĐ-UBND) trong đó có nội dung xây dựng BTTN Tây Nguyên, với Nhà trưng bày trung tâm tại thị trấn Lạc Dương có diện tích 2,5 ha.  
 
Trong quy hoạch bảo tồn ĐDSH tại chỗ, cùng với Vườn thực vật; Vườn động vật; Trung tâm cứu hộ... thì mô hình BTTN đóng vai trò rất quan trọng. 
 
Đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng”, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Nguyễn Thành Mến cho rằng: Để triển khai thực hiện BTTN Tây Nguyên nói riêng và quy hoạch bảo tồn ĐDSH nói chung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần nhiều giải pháp đồng bộ mới thực hiện được. Đó bao gồm các giải pháp về: vốn; đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ; cơ chế, chính sách; hợp tác quốc tế... 
 
Ngày 28/3, nhằm xúc tiến nhanh dự án xây dựng BTTN Tây Nguyên (trong khuôn khổ của Dự án Quy hoạch bảo tồn ĐDSH), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm và Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Được tỉnh giao là cơ quan đầu mối lập dự án, Giám đốc Sở KH&CN Võ Thị Hảo cho biết: Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2015, Sở này đã phối hợp làm được các phần việc như: lấy ý kiến góp ý của các ngành liên quan; tổ chức hội thảo; trình địa điểm xây dựng BTTN và... đang chờ ý kiến của UBND tỉnh.
 
Năm 2016, Sở KH&CN Lâm Đồng làm việc với BTTN Việt Nam, sau đó, ngày 5/12/2016, Bảo tàng đã có Công văn số 506/BTTNVN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai BTTN Tây Nguyên tại Lâm Đồng. BTTN Việt Nam đề xuất xây dựng BTTN Tây Nguyên thành hai hợp phần gồm khu trưng bày trong nhà do Sở KH&CN xây dựng và khu trưng bày ngoài trời giao cho Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà thực hiện. Vườn sẽ kết hợp với các dự án Vườn thực vật và dự án Công viên Động vật hoang dã Tây Nguyên, gắn với Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan báo cáo tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, bà Võ Thị Hảo cho biết, để triển khai còn gặp những khó khăn, như chưa có hướng dẫn cụ thể về triển khai xây dựng BTTN khu vực đã được quy hoạch; chưa có sự thống nhất chung về một bảo tàng của khu vực khi chuẩn bị dự án; nguồn đầu tư của tỉnh hạn chế. Về vị trí xây dựng BTTN Tây Nguyên, Sở KH&CN đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét chỉ định để Sở có cơ sở hoàn thiện Đề án tiến đến xây dựng dự án trình tỉnh phê duyệt, theo đó, làm cơ sở để xã hội hóa đầu tư Bảo tàng.
 
Trao đổi thêm với đại diện lãnh đạo Sở TN&MT về vị trí xây dựng Khu trưng bày trong nhà của BTTN, Phó Giám đốc Lương Văn Ngự cho rằng: Căn cứ vào Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 7/9/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nên dành một phần diện tích tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm thay vì bố trí vị trí quanh hồ Xuân Hương. Bởi, trong quy hoạch 11 phân khu chức năng với tổng diện tích 2.944,28 ha ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm có dành riêng để xây dựng công viên công cộng với diện tích 57,67 ha. Công viên được bố trí tại khu vực đất chưa có dự án đầu tư, tiếp giáp với hồ Tuyền Lâm và cách ly với các dự án bằng đường quanh hồ; việc đầu tư, quản lý và khai thác các công trình công cộng phải tuân theo các quy định cụ thể và chặt chẽ. Về mật độ xây dựng, tỷ lệ tác động đối với công trình có mái che bằng hoặc nhỏ hơn 2,5% và công trình không có mái che bằng hoặc nhỏ hơn 4,5%. “Hình thành các công viên công cộng kết hợp với không gian hoa Anh Đào đặc trưng và các loại cây quý hiếm khác, nhằm phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch. Phần diện tích trồng cây chuyên đề được tính vào đất rừng, chuyển đổi chức năng để phục vụ du lịch”. 
 
Ngày 4/4, chúng tôi tiếp tục trao đổi với Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Võ Thị Hảo. Bà cho biết, hiện nay đang cử Phó Giám đốc Sở ra Hà Nội làm việc với Viện Bảo tàng, mục đích thống nhất kế hoạch phối hợp những công việc cụ thể giữa trung ương và địa phương để triển khai vào thời gian tới. Hiện nay đang có vấn đề là địa phương không có kinh phí, vì vậy, đang chờ sự hỗ trợ từ trung ương như thế nào, sau khi Phó Giám đốc Sở về sẽ đề nghị tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan, lúc đó mới có phương án khả thi.  
 
Về kinh phí, theo chúng tôi, căn cứ vào Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh đã nêu trên, về giải pháp vốn đã được định hướng. Đó là “Báo cáo các bộ, ngành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn cho một số dự án đầu tư về đa dạng sinh học từ ngân sách Trung ương; đồng thời cân đối nguồn ngân sách của tỉnh; nguồn kinh phí bảo vệ môi trường thu nộp ngân sách hàng năm; nguồn thu dịch vụ môi trường,… Mặt khác, kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế như: UNDP, FFI, IUCN, WWF, vốn ODA,...”. Tại quyết định này, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện trong kỳ quy hoạch từ 2017-2030 khoảng hơn 1.329 tỷ đồng; trong đó, vốn địa phương 46 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 3,46%); vốn Trung ương 440,3 tỷ đồng (33,13%); vốn xã hội hóa 680,7 tỷ đồng (51,21%) và vốn nước ngoài 162,2 tỷ đồng (12,2%). 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm đã chỉ đạo Sở KH&CN chủ trì và các sở, ngành liên quan sớm có phương án cụ thể trình UBND tỉnh; theo đó, trong tháng 4/2017 phải được thống nhất để triển khai xây dựng BTTN Tây Nguyên. Bao giờ BTTN Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng trở thành hiện thực đang là câu hỏi nhiều mong đợi bởi ngoài việc bảo tồn đa dạng sinh học còn góp phần phát triển du lịch trên đất Lâm Đồng? 
 
MINH ĐẠO