Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

08:04, 13/04/2017

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện số 25-KH/TU ngày 31/3/2017...

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện số 25-KH/TU ngày 31/3/2017. Một trong những mục đích, yêu cầu Kế hoạch đề ra là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức, trước hết là trong cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức đoàn thể về công tác QLBVPTR, bảo vệ môi trường; hành động tích cực, quyết liệt và có hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng; hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm, thiệt hại tài nguyên rừng và điểm nóng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVPTR, nhiệm vụ đặt ra trước hết là phải thực hiện phân công, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác BVR, đặc biệt là đối với các ban lâm nghiệp cấp xã để có đủ năng lực thực hiện việc QLBVPTR triệt để, hiệu quả; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị quản lý rừng khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn mà không kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để sẽ phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có làm nền tảng cho xây dựng kế hoạch dài hạn, hàng năm về QLBVPTR và tạo điều kiện cho ngành lâm nghiệp BVPTR hiệu quả trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư có tác động đến rừng và đất lâm nghiệp (du lịch, trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản…); chỉ đạo xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép… có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; kịp thời kiểm tra, cương quyết chấm dứt hoạt động dự án vi phạm gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, yêu cầu chủ dự án bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng khi để rừng bị phá, bị khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép… Trong phát triển và sử dụng rừng phải kiên quyết ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên thuộc tất cả đối tượng rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) ngoại trừ việc phải chặt hạ cây trong các trường hợp cần thiết. Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án khai thác rừng trồng hợp lý; nhập khẩu các nguồn gỗ hợp pháp để cung cấp cho nhu cầu sản xuất, chế biến phục vụ dân dụng, phát triển kinh tế địa phương… Đẩy mạnh trồng rừng tập trung, trồng cây lâm nghiệp trên đất đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây phân tán theo chỉ tiêu kế hoạch đã phê duyệt bảo đảm chỉ tiêu độ che phủ rừng toàn tỉnh vào năm 2020. Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động xây dựng các dự án, chương trình bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu để thu hút tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện công tác QLBVPTR. Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà tiếp tục triển khai các dự án liên quan đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian, các dự án, chương trình đang hợp tác với các tổ chức trong khu vực Vườn và cộng đồng dân cư sống trong, ven vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức về QLBVPTR, cải thiện sinh kế cho người dân gắn với rừng. 
 
Để thực hiện tốt Kế hoạch số 25-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội phải xem công tác QLBVPTR là nhiệm vụ thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về QLBVPTR được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan và các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch này.
 
LAN HỒ