Xây dựng nông thôn mới ở 5 xã vùng Loan

10:04, 11/04/2017

Một thời, vùng Loan là vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn của huyện Đức Trọng. Nhưng từ khi thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng Loan đã thực sự thay đổi diện mạo, mở ra triển vọng lớn trên đường phát triển, cho dù vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục nỗ lực thực hiện...

Một thời, vùng Loan là vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn của huyện Đức Trọng. Nhưng từ khi thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng Loan đã thực sự thay đổi diện mạo, mở ra triển vọng lớn trên đường phát triển, cho dù vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục nỗ lực thực hiện...
 
 Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở xã Tà Năng. Ảnh: H.K.G
Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở xã Tà Năng. Ảnh: H.K.G
Trước đây, vùng Loan có 4 xã: Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, sau đó năm 1999, tách một số thôn của xã Tà Năng, thành lập xã mới Đa Quyn, vùng Loan chính thức có 5 xã. Trong 5 xã vùng Loan, 2 xã có điều kiện phát triển KT -XH nhất là Đà Loan và Ninh Loan với tỷ lệ người Kinh chiếm trên 80%, có điều kiện phát triển dịch vụ, thương mại, tiếp cận với sản xuất theo phương thức mới; còn lại 3 xã Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn, với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên dưới 80% , hạ tầng cơ sở kém phát triển, khó tiếp cận với thị trường nên điều kiện phát triển KT-XH rất khó khăn. Từ thực tế đó, năm 2011, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM (CTXD NTM), 5 xã vùng Loan đã tiến hành tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện với những biện pháp, giải pháp thích hợp. Tại 2 xã Đà Loan, Ninh Loan, việc tuyên truyền, vận động được thực hiện đồng bộ qua hệ thống loa truyền thanh, xây dựng các cụm panô, áp phích, các khẩu hiệu tại trung tâm thôn, xã, lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, các đợt giải ngân thực hiện các chương trình, dự án… Đồng thời, qua các đợt tổ chức tập huấn, tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong, ngoài huyện đã xây dựng thành công NTM, hầu hết người dân đều đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”. Do vậy, đến thời điểm giữa năm 2016, hai xã Đà Loan, Ninh Loan đều đã thực hiện thành công việc xây dựng NTM theo 19 tiêu chí cũ của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM.
 
Đối với 3 xã Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn, khi triển khai thực hiện CTXD NTM, khó khăn chung là tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Nhưng do đặc thù đất đai rộng, gần trung tâm huyện và trung tâm cụm xã Đà Loan, nên Tà Hine có điều kiện hơn trong việc liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong tiếp cận với thị trường… Do vậy, kết thúc năm 2016, Tà Hine cũng đã về đích CTXD NTM theo tiêu chí cũ. Tại hai xã Tà Năng và Đa Quyn, việc thực hiện CTXD NTM gặp vô vàn khó khăn, do đây là hai xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nội lực đầu tư của địa phương cũng như của người dân hết sức thấp. Do vậy, từ khâu tuyên truyền, vận động, đến khâu tổ chức thực hiện đều phải có sự nỗ lực lớn và vận dụng linh hoạt, sáng tạo mới đạt được kết quả như mong muốn. Qua đó, Ban chỉ đạo, Ban quản lý CTXD NTM của hai xã đã chỉ đạo các thôn sâu sát địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng NTM theo phương châm “đi tận ngõ, gõ tận nhà”. Trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, ngoài việc lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi, hai xã còn đẩy mạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ dân sinh, kêu gọi ngân hàng cho người dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nên hàng năm, hai xã Tà Năng, Đa Quyn vẫn huy động được hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. 
 
Cụ thể năm 2016, xã Tà Năng đã huy động được nguồn lực đầu tư lên đến 21,1 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong dân 6,1 tỷ đồng, vốn của các nhà từ thiện hỗ trợ trên 600 triệu đồng, vốn tín dụng và vốn khác 12,5 tỷ đồng. Tại xã Đa Quyn, tổng nguồn vốn đầu tư năm 2016 lên đến gần 7,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 1,5 tỷ đồng.
 
Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực đầu tư, BCĐ, BQL NTM của hai xã cũng đã làm tốt công tác vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê, đưa một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như rau, củ, quả, chanh dây vào sản xuất, thay thế cho lúa một vụ cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, đã manh nha hình thành các tổ hợp tác để làm cơ sở cho sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp sau này, nên tại một số thôn của hai xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhờ vậy, đến nay, tại xã Tà Năng đã thực hiện thành công 15/19 tiêu chí NTM, xã Đa Quyn đã thực hiện được 13/19 tiêu chí NTM.
 
Theo bà Phạm Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, việc thực hiện NTM theo các tiêu chí cũ đối với hai xã Tà Năng, Đa Quyn vốn đã khó khăn, nay theo tiêu chí mới lại càng khó khăn hơn, do quy định chặt chẽ hơn, chất lượng phải cao hơn. Do vậy, nguy cơ “rớt hạng tiêu chí” của không chỉ đối với hai xã Tà Năng - Đa Quyn, mà cả 5 xã vùng Loan cũng rất lớn. Thực tế này, đòi hỏi 5 xã vùng Loan phải tiếp tục nỗ lực lớn trong xây dựng NTM, để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Riêng hai xã Tà năng - Đa Quyn, nếu không được sự hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn hơn, thì lộ trình được công nhận NTM vào năm 2017, 2018 cũng khó thực hiện thành công.
 
HOÀNG KIẾN GIANG