Bác Hồ - một tình yêu bao la

08:05, 11/05/2017

Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam… Hình ảnh vị lãnh tụ thật cao cả mà gần gũi với mỗi chúng ta. 

Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam… Hình ảnh vị lãnh tụ thật cao cả mà gần gũi với mỗi chúng ta. 
 
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
1. Lúc còn nhỏ, đi sinh hoạt thiếu nhi, chúng tôi đã hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”. Những bài hát về Bác, về tình yêu của Bác dành cho các cháu thiếu nhi, cũng như tình cảm của thiếu nhi Việt Nam đối với Bác thật giản dị mà xúc động. Chúng tôi cũng thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt…”. Ngày khai trường hàng năm được nghe thư Bác gửi học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”. Tết đến, được nghe Bác đọc thơ Xuân. Những năm 1960, chiến tranh ác liệt, ở nơi sơ tán xa thành phố, nhưng giao thừa năm nào, cả nhà cũng quây quần bên chiếc đài bán dẫn đợi nghe Bác chúc tết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà…” (Mậu Thân 68); “Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn…” (Kỷ Dậu 69). Mỗi vần thơ Bác như pháo nổ, như truyền hịch. Nghe Bác đọc thơ Xuân, thấy giọng Bác khỏe là ai cũng mừng. Tình cảm đối với Bác, sự tôn kính đối với Bác như với người cha, người ông, gần gũi, thân thiết. 
 
Đến một ngày (3/9/1969), Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác mất, không ai tin, nhưng dải băng tang trên ảnh Bác, rồi lễ truy điệu, buộc mọi người phải chấp nhận sự thật. Hồi đó, ở miền Bắc chưa có ti vi nên chỉ theo dõi tin tức qua radio. Lễ truy điệu Bác ngày 9/9 tại Ba Đình - Hà Nội được truyền đi, trẻ già nức nở quanh những cột loa công cộng. Bác ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. 
 
2. Lớn lên, quá trình học tập, công tác, được tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Bác, được học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác, càng thấm thía, cảm phục và tôn kính Bác. Bác là tấm gương trọn đời phấn đấu hy sinh vì dân tộc; là tấm gương của ý chí và nghị lực; tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; tấm gương cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Và hơn hết, Bác là tấm gương về lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người. 
 
Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt. Để góp phần giải quyết nạn đói, Bác động viên cán bộ, chiến sĩ “nhường cơm sẻ áo”, bản thân Bác cũng thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu dân nghèo. Những câu chuyện về Bác rất đời thường, gần gũi với mỗi người. Tình cảm của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ, với mọi tầng lớp nhân dân hết sức tự nhiên, hết sức con người. Những việc làm của Bác rất cụ thể, thiết thực, xuất phát từ tấm lòng của Người. Về thăm nông dân, Bác ra tận ruộng, hỏi han và cùng tát nước, gặt lúa với bà con. Về thăm công nhân, Bác xuống tận công xưởng. Bác thăm bộ đội ngay tại trận địa pháo, Bác xuống tận bếp ăn hỏi thăm bộ đội có được ăn no không, cán bộ đại đội, tiểu đoàn có cùng ăn với chiến sĩ không. Bác thăm bệnh xá, hỏi có đủ thuốc cho bộ đội không, bộ đội hay mắc bệnh gì? Có đêm, Bác đi đến từng giường các chiến sĩ trong đội bảo vệ, giắt lại màn cho từng người. Một chiến sĩ ngủ bỏ tay ra ngoài, Bác nhẹ nhàng nhấc bàn tay đặt vào trong, rồi giắt màn lại cẩn thận. Đêm Bác không ngủ vì thương đoàn dân công đi chiến dịch phải ngủ ngoài rừng “Trải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn…”. Bác Hồ dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Là Chủ tịch nước, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Bác đều gửi thư thăm hỏi thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Những lá thư của Bác chân tình mộc mạc, ai đọc lên cũng cảm nhận được tình thương yêu vô bờ bến của Bác. Trong thư gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 1/1947), Bác cảm ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…”. Bác gửi tiền lương, quần áo, khăn mặt tặng anh chị em thương binh. Bác đề nghị chính quyền các địa phương đón thương binh về nuôi, trích một phần đất công, hoặc khai hoang, vận động đồng bào cày cấy, gặt hái hoa lợi để nuôi thương binh. Người cũng động viên anh em thương binh tùy theo sức của mình mà làm những công việc nhẹ nhàng như may mặc, đan lát, hớt tóc, dạy bình dân học vụ, làm việc văn phòng để góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân mình. Bác luôn động viên thương binh làm nhiều việc có ích để “tàn nhưng không phế”.  
 
 Tác phong của Bác rất quần chúng, gần gũi với mọi người, những lời dạy của Bác thật giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc. Điều đó chỉ có thể xuất phát từ tình cảm chân thực. Và chính điều đó đã cảm hóa được tất cả người dân, một lòng một dạ theo Bác kháng chiến, kiến quốc.  
 
3. Bác đã đi xa, nhưng tình cảm của Bác dành cho nhân dân Việt Nam vẫn còn mãi, cũng như tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Bác vẫn nguyên vẹn. Sinh thời, Bác quan tâm đến tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ đến cụ già, từ công nhân, nông dân, đến binh sĩ, trí thức. Lúc ra đi, trong di chúc, Bác để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng. Bác nhắc nhở việc chăm lo cho thế hệ trẻ, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bác xác định “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bác dặn dò việc Đảng, việc dân, việc nước, nhưng về việc riêng thì Bác nhắc nhở “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. 
 
Hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu giản dị với bộ quần áo kaki và đôi dép cao su in đậm trong lòng người dân Việt Nam. Tình cảm đối với Bác như đã ngấm vào máu thịt, và vì vậy, học tập và làm theo Bác như là lẽ tự nhiên. Hãy học Bác từ những điều đơn giản nhất: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, yêu thương con người, sống có nghĩa có tình.
 
BÍCH HIỀN