Bất cập trong xử lý thuốc lá nhập lậu

09:05, 31/05/2017

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương, các thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương, các thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá.
 
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh minh họa từ Internet
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh minh họa từ Internet
Trên 16,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu
 
Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) đã sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg  (ngày 30/9/2014) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Trong 2 năm qua (2014 - 2016) các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hơn 20.317 vụ với trên 16,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu, khởi tố hình sự 347 vụ có 475 đối tượng. Lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất cao nên tình hình nhập lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu mỗi lần vận chuyển thường dưới 1.500 gói nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả so sánh năm 2016 với năm 2015 số vụ tăng 6%, số lượng giảm 30%, số vụ khởi tố tăng 2%, số đối tượng khởi tố giảm 10%, kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra tại các địa bàn trọng điểm. Địa bàn trọng điểm là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp. Năm 2017, Ban chỉ đạo quốc gia 389 xác định mục tiêu tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá, nhất là Zet, Hero từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn trọng điểm Long An, An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh.
 
Xử lý hình sự từ 500 bao hay 1.500 bao trở lên?
 
Thực hiện Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó quy định xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thực hiện có một số vướng mắc như sau:
 
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi tại Khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ quy định “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính”. 
 
Tuy nhiên, trong thực tế, đối với những vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự lại bị vướng bởi quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công thương - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Y tế - Tòa án Nhân dân tối cao - Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (quy định xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.500 bao trở lên) nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được các đối tượng vi phạm trong những trường hợp này. 
 
Quy định “sản phẩm thuốc lá” là “hàng kinh doanh có điều kiện” hay “hàng cấm”?
 
Mặc khác, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thì kinh doanh “sản phẩm thuốc lá” thuộc danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Do đó, Công văn số 06/TANDTC-PC của Tòa án Nhân dân tối cao gửi Tòa án Nhân dân các cấp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, trong đó hướng dẫn chỉ xem xét xử lý về tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại các Điều 153, 154 Bộ Luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi năm 2009 (tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), vì Tòa án căn cứ vào Luật Đầu tư năm 2014 (vì “sản phẩm thuốc lá” không phải là hàng cấm kinh doanh).
 
Do phát sinh bất cập về đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 (quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm), cùng với Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP  ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó quy định mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập là hàng cấm phải xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao trở lên. Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2014 quy định thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm hay là hàng kinh doanh có điều kiện, vì thế có rất nhiều khó khăn, bất cập trong việc xử lý hình sự đối với những người có hành vi nhập lậu, tàng trữ, kinh doanh, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu theo quy định tại Điều 153, 154 và Điều 155 Bộ Luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi năm 2009.
 
Thấy được bất cập này, Ban chỉ đạo quốc gia 389 đã đề nghị Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ sớm có văn bản thống nhất quy định mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập để xác định rõ đây là “hàng kinh doanh có điều kiện” hay “hàng cấm”.     
 
AN NHIÊN