Giảm biên chế theo lộ trình

08:05, 15/05/2017

Bên cạnh việc không tăng biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước, những năm gần đây tỉnh Lâm Đồng còn thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh việc không tăng biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước, những năm gần đây tỉnh Lâm Đồng còn thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế theo quy định của Chính phủ.
 
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa ở một xã tại Đức Trọng. Ảnh: VT
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa ở một xã tại Đức Trọng. Ảnh: VT
Giảm theo lộ trình
 
Nếu như trong 4 năm (từ 2011 - 2014) số lượng biên chế hành chính của Lâm Đồng vẫn được giữ nguyên thì bắt đầu từ 2015 đến nay, tỉnh đã thực hiện việc giảm biên chế công chức theo quy định của Chính phủ. 
 
Cụ thể, biên chế hành chính đối với UBND cấp tỉnh và cấp huyện  là 2.920 người, nhưng trong  2 năm (2015 và 2016) đã giảm 147 biên chế và cho đến nay  còn 2.773 biên chế.
 
Trong năm 2017, Lâm Đồng được giao tổng cộng 2.731 biên chế công chức cho các cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (trong đó khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh quản lý 1.415 biên chế, cơ quan hành chính cấp huyện 1.316 biên chế), do đó sẽ giảm 42 biên chế so với năm 2016. 
 
Không chỉ không tăng biên chế hành chính cho Lâm Đồng; biên chế hành chính một số cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh khi được giao cũng thường thấp hơn so với nhiều địa phương khác có điều kiện tương đồng. Nhiều sở, ngành trong tỉnh được giao thêm nhiệm vụ nhưng không giao thêm biên chế; một số ngành của tỉnh định mức biên chế vẫn còn thiếu so với quy định chung, điển hình nhất là Kiểm lâm Lâm Đồng hiện rất thiếu lao động theo quy định so với số diện tích rừng cần giữ đang có.
 
Trong khi đó, số lượng biên chế các đơn vị sự nghiệp của Lâm Đồng đã tăng lên. Trong 2011, từ 25.294 biên chế đã tăng lên 28.313, năm 2012 và 2013 là 28.707 biên chế. Tuy nhiên, từ 2014 đến cuối 2016 vừa qua, biên chế lại không tăng thêm, giữ mức ổn định với 29.045 người. Việc tăng thêm này theo ngành chức năng, chủ yếu là xây mới các trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. 
 
Với biên chế sự nghiệp, khi thành lập mới hoặc giao thêm nhiệm vụ, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có. Riêng trường hợp xây mới thêm trường học, tăng học sinh trong ngành giáo dục hay tăng quy mô giường bệnh, thành lập mới cơ sở y tế trong lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe thì tỉnh sẽ bổ sung biên chế phù hợp với qui mô và số biên chế này được quản lý chặt chẽ. 
 
Với UBND cấp xã, phường, hiện Lâm Đồng có tổng cộng 2.988 cán bộ, công chức đang hoạt động tại 147 xã, phường, thị trấn, trong đó có 1.550 cán bộ chuyên trách và 1.438 công chức.
 
Thực hiện chính sách tinh giảm biên chế của Chính phủ, trong 2 năm gần đây, Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án tinh giảm biên chế của đơn vị mình trình các ngành chức năng thẩm tra để giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Qua đó, đã tinh giảm biên chế, giải quyết chính sách 130 trường hợp với tổng kinh phí thực hiện trên 11,6 tỷ đồng. Phần lớn những trường hợp được giải quyết theo chính sách này chưa đạt chuẩn theo qui định, nợ bằng cấp khá lâu nhưng không hoàn thành được.
 
Bố trí biên chế phù hợp với vị trí việc làm
 
Theo đánh giá của Lâm Đồng, tỉnh đã tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Việc quản lý, sử dụng biên chế cũng được thực hiện một cách chặt chẽ theo đúng quy định; Sở Nội vụ thường xuyên theo dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng biên chế của các cơ quan chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu quản lý và sử dụng biên chế đúng theo quy định; đề cao trách nhiệm, chủ động trong việc bố trí hợp lý biên chế ở các phòng, ban trực thuộc, nâng cao hiệu quả công việc và thực hiện đúng chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đến nay đã bước đầu gắn việc bố trí biên chế phù hợp với vị trí việc làm.
 
 Tuy nhiên, như tỉnh đánh giá việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều cán bộ, công chức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa chưa biết tiếng địa phương; số cán bộ, công chức có trình độ cao còn ít; nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ khoa học, lao động kỹ thuật cao chưa nhiều; công chức nữ trong cấp ủy, chính quyền có tỷ lệ thấp; thiếu công chức khoa học kỹ thuật đầu đàn trong hầu hết các ngành kinh tế và kỹ thuật then chốt của tỉnh…
 
Trong tinh giảm biên chế, bên cạnh kết quả đạt được, một số đơn vị đến nay còn chưa thực hiện nghiêm việc tinh giảm biên chế theo quy định; chưa kiên quyết  tinh giảm số cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn theo quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), chưa chủ động tinh giảm số lượng người làm việc dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức.
 
Trong thời gian đến, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính; hoàn thiện đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn để bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu của công việc. 
 
 Cùng đó, tỉnh trong sẽ phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn cho đến 2025; thực hiện tốt chính sách tinh giảm biên chế đảm bảo đến năm 2021 mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương giảm tối thiểu 10% so với biên chế của năm 2015.
 
VIẾT TRỌNG