Những bất cập trong thực hiện chính sách đào tạo nghề nghiệp

08:05, 04/05/2017

Hiện nay, hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ, thế nhưng trong thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Hiện nay, hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ, thế nhưng trong thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: N.Thu
Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: N.Thu
Theo thống kê, giai đoạn 2013 đến 2016 Lâm Đồng đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 149.611 người lao động, trong đó cao đẳng nghề là 18.270 người, trung cấp nghề là 19.148 người, sơ cấp nghề là 112.245 người. Qua đó, những năm gần đây, các cơ sở dạy nghề đã mở rộng thêm các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thực hiện đào tạo nghề theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, học sinh, sinh viên, lao động nghèo, lao động bị thu hồi đất sản xuất, người tàn tật… Cụ thể, từ 2010 đến 2016 đã hỗ trợ tổ chức đào tạo cho 171.245 lượt người tham gia.
 
Tuy nhiên, một số tồn tại hiện nay đó là: đội ngũ giáo viên trong các cơ sở dạy nghề còn thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu giáo viên dạy các nghề mới, giáo viên giỏi chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng nghề cao. Mặt khác, giáo viên lại ít có điều kiện để tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại và thực tiễn sản xuất. Một số giáo viên còn hạn chế về năng lực sư phạm, đặc biệt là kỹ năng dạy nghề với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Thực tế hiện nay một số giáo viên còn yếu về ngoại ngữ và tin học nên việc khai thác và sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại vào quá trình dạy nghề còn bị hạn chế.
 
Trao đổi về những bất cập trong lĩnh vực giáo dục nghề hiện nay, ông Lê Quang Hân - Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho rằng: Bất cập nhất hiện nay như vấn đề chưa thành lập các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, công tác đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động chưa được triển khai.Hệ thống Trung tâm dạy nghề cấp huyện triển khai chậm, thành lập xây dựng từ năm 2009 đến năm 2013 mới hoàn thành. Nhưng thực tế chỉ có 7 trung tâm đi vào hoạt động, trong đó có 2 trung tâm chưa hoàn thành là huyện Lâm Hà và Đạ Tẻh. Năm 2014 chủ trương sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Lâm Đồng có 10 trung tâm thuộc 10 huyện, chỉ còn huyện Lạc Dương là chưa thành lập, dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành xây dựng. Đa số các trung tâm dạy nghề hiện nay gặp khó khăn về trang thiết bị, thiếu giáo viên dạy nghề.
 
Ông Lê Quang Hân cho biết thêm: Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đó là nên thống nhất chính sách đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên giữa 2 hệ thống trước đây. Nên có quy định về người dạy trong các làng nghề, doanh nghiệp. Xây dựng một số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuyển xếp lương cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Xây dựng và ban hành chế độ tiền lương đối với các ngạch viên chức nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phù hợp để thu hút người có kiến thức kỹ năng tham gia đào tạo nghề nghiệp. Rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; cần có chính sách đối với những người tham gia đào tạo ở các doanh nghiệp.
 
Trao đổi kỹ hơn về những bất cập trong vấn đề này, ông Hoàng Trọng Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bảo Lộc cho rằng: Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang hướng tới việc lấy người học làm trung tâm. Đối tượng học sinh lớp 9 là chính, nhưng thực tế những quy định về phân luồng học sinh THCS lại chưa rõ ràng, chưa phù hợp, còn gặp chướng ngại đó là các trường, địa phương, xã hội, gia đình không mặn mà với việc phân luồng học sinh thì vấn đề tuyển sinh nghề hiện nay càng gặp khó khăn hơn, nên việc bù lỗ để duy trì lớp trung cấp nghề chỉ có 3 - 5 em là có. Đối với người dạy nghề hiện nay lương thấp, nhà trường không có doanh thu, giáo viên thiếu và yếu trong khi một giáo viên có thể phải đảm đương tới 7 - 8 môn thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Đối với hệ thống các trường trung cấp nghề, chính sách đầu tư cho đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang dàn trải. Cần tập trung trọng tâm cho một nghề có trang thiết bị, giáo viên thật bài bản, xứng tầm thì mới đảm bảo chất lượng dạy nghề. Đề nghị Tổng Cục dạy nghề tạo cơ hội cho giáo viên nghề có cơ hội đạt chuẩn tay nghề quốc gia, có chính sách đặc thù cho khối đào tạo trung cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên vì hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Còn theo đại diện Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt thì cần thiết phải có chính sách ưu đãi dành cho giáo viên dạy nghề vì với mức lương hiện nay chưa thu hút giáo viên tham gia dạy nghề. Thực tế, nếu giáo viên tham gia làm việc tại các doanh nghiệp lại cho thu nhập cao hơn. Cần điều chỉnh lại khung 200 giờ/năm vì không sát thực tế, nếu cứ áp dụng theo luật thì không đáp ứng yêu cầu đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay… Những vướng mắc thực tế hiện nay về tiêu chuẩn chức danh, sư phạm bậc 1, bậc 2, chứng chỉ giảng dạy, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia… nếu đánh giá theo chuẩn mới rất khó đạt, khó tuyển dụng vì không đủ chuẩn… gây bất cập cho cơ sở.
 
Trao đổi về những bất cập trong thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp ở Lâm Đồng, ông Triệu Thế Hùng - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Hiện nay, các nhà giáo, trong đó có giáo viên dạy nghề rất ngại đi làm cán bộ quản lý bởi sẽ mất đi sản phẩm đứng lớp, thời gian đứng lớp, mất đi thu nhập chính đáng. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 có đưa vấn đề chính sách nhà giáo nghề nghiệp ngang với giảng viên đại học nhưng chưa được thực thi.Qua thực tế giám sát cơ sở tại địa phương về hệ thống các trường sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay cho thấy còn tồn tại rất nhiều bất cập liên quan đến chính sách, chế độ như các đại biểu đã trình bày, kiến nghị. Đây là cơ sở để chúng tôi tổng hợp, kiến nghị Quốc hội và là cơ sở thực tiễn để tiến hành xây dựng luật cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chính sách hợp lý cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
 
NGUYỆT THU