Chiến sỹ hết mình hiến máu tình nguyện

09:06, 08/06/2017

Trên cương vị công tác, họ là những chiến sỹ công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Còn trên "mặt trận" hiến máu tình nguyện, họ là những người xung kích đi đầu khi nhiều lần trực tiếp hiến máu cứu người và vận động nhiều người khác cùng tham gia hoạt động nhân đạo nhiều ý nghĩa này.

Trên cương vị công tác, họ là những chiến sỹ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Còn trên “mặt trận” hiến máu tình nguyện, họ là những người xung kích đi đầu khi nhiều lần trực tiếp hiến máu cứu người và vận động nhiều người khác cùng tham gia hoạt động nhân đạo nhiều ý nghĩa này.
 
Ông Ba Thật “dư máu”
 
Tên của ông là Nguyễn Thật, Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn 2 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) nhưng mọi người vẫn quen gọi ông là Ba Thật. Ông hiền và thật thà như chính tên gọi của mình vậy. Bởi thế, điều đầu tiên khi trò chuyện về việc ông hiến máu tình nguyện, ông cứ dặn đi dặn lại không được “khai” tuổi thật của ông vì sợ rằng ông không được hiến máu nữa. Người ông của 4 đứa cháu nội và 3 đứa cháu ngoại này không nhớ chính xác số lần mình đã tham gia hiến máu, nhưng ông áng chừng đã ngoài 20 lần. Trên giấy tờ mà mỗi lần hiến máu xong ông được ghi nhận thì đã 18 lần nhưng ông cho biết còn nhiều lần ông đã thay tên đổi họ và khai khác tuổi để đi hiến máu ở những địa phương lân cận. Lý giải về điều này, ông bảo: “Tôi phải lấy tên khác để đi hiến máu vì sợ anh em ở địa phương biết lại trách ông này “tào lao”, ở địa phương không hiến máu mà lại đi nơi khác hiến. Hễ khi nào tôi cảm thấy cơ thể mình “dư máu” mà địa phương không có đợt hiến máu là tôi lại đi nơi khác có đợt tiếp nhận để hiến. Càng hiến máu tôi thấy cơ thể mình càng mạnh khỏe nên tuổi tác không phải là vấn đề đáng lo ngại”. Không chỉ hiến máu theo đợt, ông Ba Thật còn tiên phong nhiều lần hiến máu trực tiếp tại Trung tâm Y tế để cứu người. Ông có nhóm máu O nên khi cần gấp đơn vị máu thì Trung tâm Y tế thường gọi cho ông. “Có lần, gia đình kia nghèo quá không mua được nhiều đơn vị máu, tôi cũng đã có mặt để cho thêm một đơn vị máu. Dù không được gặp người mình giúp đỡ, gia đình họ không kịp gởi lời cảm ơn nhưng tôi rất sung sướng khi biết rằng giọt máu của mình đã làm được điều có ích. Chỉ vậy thôi tôi đã thấy tinh thần mình phấn chấn, sức khỏe mình ngày càng dồi dào hơn”. 
 
Tính đến nay, ông Ba Thật đã có 15 năm làm nhiều công tác khác nhau tại địa phương. Người ta biết đến ông ở cương vị một công an viên là nhiều nhất. Và ở cương vị này, ông đã được ghi nhận công lao bằng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương từ địa phương đến trung ương. Ngoài ra, ông còn tham gia rất nhiều công tác của Ban thôn, Hội Người cao tuổi, Thanh tra nhân dân. Ông cũng tham gia công tác chữ thập đỏ và hiến máu tình nguyện từ nhiều năm nay và vừa đảm nhận vai trò Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ vào năm 2016. Ông cho biết: “Hiện Chi hội có 13 hội viên thì có đến 7 hội viên rất tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Những thành viên tích cực này đã cùng thành lập CLB hiến máu tình nguyện để trực tiếp hiến máu mỗi khi cần. Số lần hiến máu của mỗi thành viên đều đã ở mức 4 - 5 lần”. Anh Nguyễn Văn Hường, thành viên CLB hiến máu tình nguyện thôn 2 chia sẻ: “Bản thân tôi từng đảm nhiệm vai trò Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không thể tiếp tục. Thế nhưng, từ khi bàn giao lại cho chú Ba thì tôi rất yên tâm và vẫn thường xuyên tham gia công tác. Chú Ba là người rất nhiệt tình và bỏ nhiều công sức cho công tác Hội cũng như hiến máu tình nguyện. Tôi cũng như các anh em trong Chi hội nhìn chú làm mà làm theo và lấy gương hiến máu của chú để vận động những người khác cùng tham gia. Tôi cứ nghĩ đơn giản, mình còn hiến máu được nghĩa là sức khỏe mình còn tốt, đó là điều may mắn nên sẽ hiến máu đến khi nào máu mình không được tiếp nhận nữa mới thôi”.
 
“Chia” sức khỏe cho người khác
 
Đó là chia sẻ của Đại úy Vi Thanh Huấn (37 tuổi), hiện là Đội phó Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã (Công an huyện Đạ Tẻh). Về công tác tại Công an huyện Đạ Tẻh từ năm 2004 và cũng từ đó anh bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện. Đến nay, số lần hiến máu của anh cũng đã hơn 10 lần; trong đó, có 2 lần hiến máu đột xuất tại Trung tâm Y tế. “Mình là một chiến sỹ công an nên thể trạng cũng như sức lực đều rất tốt. Do đó, đi hiến máu cứu người cũng như là cách để mình “chia” sức khỏe với những người khác. Ở trong cơ quan, bất cứ khi nào có thông báo hiến máu thì anh em nào thấy đảm bảo sức khỏe và có thời gian thì đều tự nguyện đăng ký đi, hoàn toàn không có việc phân công theo định kỳ”. 
 
Trong những đợt hiến máu định kỳ, nhiều lần anh Huấn cũng phải dùng “chiêu trò” để được hiến máu. Anh bảo: Nhiều khi xếp hàng dài quá và “nguy cơ” không được lấy máu thì mình cũng phải có cách để chen hàng, lấy phiếu để được hiến máu. Lần hiến máu khiến mình nhớ nhất đó là hiến máu đột xuất tại Trung tâm Y tế để cấp cứu cho một sản phụ mổ đẻ. Khi đó, mình đang làm việc tại cơ quan thì nhận được điện thoại báo có người cần máu gấp. Thế là mình xin phép chạy ngay đến Trung tâm Y tế Đạ Tẻh. Cả quá trình lấy máu, rồi máu mình được truyền cho sản phụ, cả mình và người bệnh cũng như thân nhân họ đều không được gặp nhau. Thế nhưng, vài hôm sau mình nhận được cuộc gọi của mẹ chồng sản phụ đó để cảm ơn và đề nghị gởi quà tặng cho mình. Mình từ chối không gặp, không nhận quà nhưng cảm thấy rất vui vì máu của mình đã góp phần làm được một việc hữu ích. Ngược lại, cũng có lần mình hiến máu cấp cứu trực tiếp như vậy nhưng nạn nhân không qua khỏi thì cũng khiến mình chạnh lòng. 
 
Không chỉ tích cực hiến máu, anh Huấn còn là người thường khuyên bảo những chiến sỹ trong Đội, trong cơ quan cùng tham gia hiến máu. Anh Huấn hay lấy bản thân mình để vận động anh em cùng hiến máu. Bởi lẽ, càng hiến máu, anh càng tăng cân và cơ thể ngày càng khỏe mạnh. Anh thường bảo anh em trong đội nên đi hiến máu để “chia” bớt sức khỏe cho người khác vì hầu hết anh em là chiến sỹ công an đều có thể chất và sức khỏe tốt. Còn theo anh Nguyễn Lý Trí, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh, không quan trọng anh hiến máu nhiều hay ít mà quan trọng là cái tâm của anh khi đi hiến máu. Với anh Huấn, không chỉ tích cực hiến máu mà còn biết vận động người khác cùng tham gia thì đó là điều trân quý và đáng được tôn vinh.
 
ĐÔNG ANH