Đẩy nhanh xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung Đức Trọng

09:06, 27/06/2017

Huyện Đức Trọng là một trong 3 địa bàn của tỉnh tập trung lượng chất thải rắn (CTR) nhiều nhất, do đặc điểm phát triển kinh tế của khu vực. Vì vậy, việc xây dựng Nhà máy xử lý CTR tập trung huyện Đức Trọng là một nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ môi trường. 

Huyện Đức Trọng là một trong 3 địa bàn của tỉnh tập trung lượng chất thải rắn (CTR) nhiều nhất, do đặc điểm phát triển kinh tế của khu vực. Vì vậy, việc xây dựng Nhà máy xử lý CTR tập trung huyện Đức Trọng là một nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ môi trường. 
 
Bãi rác hiện tại ngày càng ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến Khu Công nghiệp Phú Hội. Ảnh: Minh Đạo
Bãi rác hiện tại ngày càng ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến Khu Công nghiệp Phú Hội. Ảnh: Minh Đạo
Sự cần thiết đầu tư 
 
Công nghệ xử lý CTR hiện tại Việt Nam còn rất đơn giản và lạc hậu, chủ yếu bằng chôn lấp. Việc quản lý, xây dựng và vận hành các bãi rác chôn lấp hầu hết chưa tuân thủ theo các quy trình, vận hành không đúng kỹ thuật, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm... Vấn đề xử lý nước rò rỉ và khí thải vẫn còn nhức nhối. Ở tỉnh Lâm Đồng, cụ thể là địa bàn huyện Đức Trọng, vấn đề xây dựng một Nhà máy xử lý CTR tập trung (gọi tắt là Nhà máy) đạt chuẩn là chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhiều năm nay. 
 
Ngày 2/6/2016, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư xây dựng Nhà máy với công suất 240 tấn rác/ngày tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Ngày 24/2/2017, Công ty thành viên Cổ phần BCG Trường Thành trực tiếp thực hiện dự án (DA) và được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư. Theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), “Nhà máy sử dụng công nghệ DANO cải tiến, có thể phân loại rác một cách triệt để, chất hữu cơ được chế biến cùng các vi sinh vật hữu cơ chất lượng cao, tái chế toàn bộ chất dẻo và phần lớn các CTR khác thành các sản phẩm hữu ích”. Khu đất xây dựng Nhà máy nằm trên đồi cao, có cao trình cao hơn địa hình xung quanh khoảng 10-20 m. Tổng diện tích của DA là 112.087 m2, nằm tại khu quy hoạch bãi rác thuộc xã Phú Hội. Nhà máy giáp ranh suối nhỏ và đây sẽ là nguồn tiếp nhận nước thải của các DA xung quanh và các dự án khi triển khai.  
 
Theo Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 2/6/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, tổng vốn đầu tư DA là 268.864 triệu đồng, trong đó, vốn tự có của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam 80.000 triệu đồng và vốn ngân hàng 188.864 triệu đồng; tiến độ thực hiện 15 tháng. Theo Báo cáo ĐTM của nhà đầu tư ngày 12/6/2017, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc thiết bị đưa DA vào hoạt động từ quý II/2017 đến cuối quý IV/2017. Chi phí thiết bị hơn 187.168 triệu đồng. 
 
Mục tiêu DA là xây dựng Nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại. Theo đó, sản xuất các sản phẩm sau khi xử lý rác gồm: phân Compost, hạt nhựa, gạch, viên nén nhiên liệu.       
 
 Nhiều nội dung quan trọng đặt ra 
 
Theo quy định tại Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Nhà máy ở Đức Trọng thuộc danh mục số 45 - Nhóm các DA xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTR, chất thải nguy hại. Cùng đó, công suất 240 tấn rác/ngày, vì vậy, nhiều vấn đề về môi trường cần đặc biệt giải quyết. Cụ thể, các biện pháp xử lý về: rác thải y tế; mùi và ruồi, muỗi trên đường vận chuyển và tại Nhà máy; mùi hôi và khói khi đốt rác... Đó là sự tác động đối với hoạt động du lịch tại thác Pougour khi điểm du lịch này chỉ cách Nhà máy khoảng 3,5 km? 
 
Theo ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định ĐTM: Nhà đầu tư cần tính toán tải lượng, thải lượng nồng độ chất phát thải qua từng công đoạn của dây chuyền công nghệ; sức chứa của từng hạng mục công trình, trong đó nêu rõ hướng thoát nước mưa; các tác động của từng công đoạn trong sản xuất, tái chế rác tạo ra sản phẩm của Nhà máy...
 
Một câu hỏi hết sức quan trọng cũng đặt ra đối với nhà đầu tư là: nếu trường hợp Nhà máy xảy ra sự cố thì đâu là các giải pháp xử lý hệ thống bị kéo dài nhiều ngày hoặc quá tải, đặc biệt, xử lý nước rỉ rác thế nào? Đơn vị tư vấn và chủ DA giải trình rằng, DA được thiết kế 2 ống tiếp liệu, bình thường chỉ vận hành 1 ống. Trong trường hợp xảy ra sự cố, sẽ sử dụng ống tiếp liệu còn lại. Trường hợp cả 2 ống tiếp liệu không tiếp nhận được chất thải sẽ được chứa trong nhà chứa tạm (không bố trí bãi trữ tạm). Nhà chứa này có cửa cuốn và hệ thống thu gom nước rỉ rác để đưa về hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, phía tư vấn và nhà đầu tư cam kết đảm bảo không phát sinh nước thải; toàn bộ nước phát sinh sẽ được tái sử dụng hoàn toàn vào mục đích như tưới cây, rửa xe, cấp ẩm cho ống sinh hóa.  
 
Mặc dù, khi có Nhà máy sẽ đưa lại nhiều ý nghĩa lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng hoạt động của Nhà máy cũng tạo ra những ảnh hưởng đến môi trường. Đó là mùi hôi, nước thải, tiếng ồn, bụi, nhiệt,... do quá trình vận hành các thiết bị máy móc xử lý, sản xuất và sinh hoạt. Đó còn là dự báo tác động gây nên bởi rủi ro, sự cố của DA trong quá trình xây dựng và giai đoạn hoạt động Nhà máy sau đó rất cần được lường trước. 
 
Để phòng ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực của DA trong giai đoạn chuẩn bị, cần tuyên truyền, vận động và triển khai về công tác giải tỏa, đền bù, thu hồi đất. Trong quá trình hoạt động của Nhà máy, các biện pháp đồng bộ cần thực hiện nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường không khí, môi trường nước, tác động do chất thải, tiếng ồn, độ rung... Vấn đề thường xuyên kiểm tra, giám sát và quan trắc của cả phía nhà đầu tư và cơ quan chức năng hết sức được chú trọng, thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần ngăn ngừa được hệ lụy tiêu cực về môi trường có thể xảy ra từ DA. 
 
Những cam kết về bảo vệ môi trường  
 
So với Quyết định của UBND tỉnh, tiến độ thực hiện DA đến nay đã chậm, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đầu tư hoàn thành DA đưa vào hoạt động, ngày 25/5/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã đề nghị nhà đầu tư, các Sở như Xây dựng, TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Đức Trọng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. 
 
Phía nhà đầu tư đã cam kết: Thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo đúng như nội dung ĐMT; đóng góp kinh phí duy tu sửa chữa hàng năm cho địa phương; các chất ô nhiễm trong khí thải của DA khi phát tán ra môi trường bảo đảm quy chuẩn hiện hành; đảm bảo về độ ồn và nước thải sinh ra đạt quy chuẩn và phân loại, xử lý CTR theo Nghị định số 36/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT. “Chủ DA xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam nếu vi phạm các công ước Quốc tế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm trong trường hợp xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường do triển khai DA”, ông Đặng Trung Kiên,  đơn vị đầu tư - Giám đốc Công ty Cổ phần BCG Trường Thành và ông Trịnh Ngọc Thảo, đơn vị tư vấn - Giám đốc Công ty TNHH tư vấn Tài nguyên Việt đồng ký tên tại Báo cáo ĐTM.          
 
MINH ĐẠO