Cô Đảm thời hiện đại

09:06, 14/06/2017

Chiều muộn, trời Đà Lạt hôm nay lặng gió hơn mọi ngày, tôi tìm đến căn nhà số 10 Nguyễn Viết Xuân để gặp cô Hồ Thị Đảm - Chi hội trưởng 2 chi hội: Phụ nữ và Người cao tuổi Tổ dân phố 13, Phường 4. Người phụ nữ chân chất, giản dị, nói đậm chất giọng miền Trung quê Bác luôn tần tảo ngược xuôi lo toan việc nhà, việc xóm. Phần thưởng cô nhận lại đó là niềm tin yêu của mọi người, "liều thuốc bổ" giúp cô luôn sống vui, sống khỏe mỗi ngày…

Chiều muộn, trời Đà Lạt hôm nay lặng gió hơn mọi ngày, tôi tìm đến căn nhà số 10 Nguyễn Viết Xuân để gặp cô Hồ Thị Đảm - Chi hội trưởng 2 chi hội: Phụ nữ và Người cao tuổi Tổ dân phố 13, Phường 4. Người phụ nữ chân chất, giản dị, nói đậm chất giọng miền Trung quê Bác luôn tần tảo ngược xuôi lo toan việc nhà, việc xóm. Phần thưởng cô nhận lại đó là niềm tin yêu của mọi người, “liều thuốc bổ” giúp cô luôn sống vui, sống khỏe mỗi ngày…
 
Cô Đảm bên vườn rau trước sân nhà. Ảnh: H.Nguyệt
Cô Đảm bên vườn rau trước sân nhà. Ảnh: H.Nguyệt
Sống vì mọi người…
 
Rất ngại nói về mình, càng ngại hơn khi biết tôi là phóng viên, đến tiếp xúc làm việc vì cô được giới thiệu là điển hình “Học tập và làm theo Bác”. Cô nói người xứng đáng tuyên dương nhất là chú Trân, tổ trưởng tổ dân phố của Cô. Nhưng khi trò chuyện, tỉ tê cô đã “dốc bầu tâm sự”: “Nếu ai cũng chỉ biết nghĩ về mình, làm cho lợi ích riêng mình thì xã hội này còn ai để làm phong trào, làm công tác xã hội”.
 
“Chị đang nghiên cứu hồ sơ của cháu bé 2 tuổi ở trong xóm bị ung thư mắt, tính đi xin trợ cấp xã hội cho bé vì gia đình cháu hiện gặp rất nhiều khó khăn; cũng đang bàn với chị em xem làm thế nào để giúp trang trải cuộc sống cho chị phụ nữ neo đơn không may mắc bệnh hiểm nghèo là cô Phương, ở đường Huỳnh Thúc Kháng; còn phải xuống chăm vườn cà phê ở Đạ Đờn, Lâm Hà xem sao rồi chứ lâu nay bận rộn chưa xuống kiểm tra”. 
 
Mỗi ngày, hàng núi công việc không tên luôn ăm ắp trong đầu cô Đảm. Người cán bộ hội phụ nữ năng động, đầy nhiệt huyết ấy luôn làm việc quên mình vì mọi người dù tuổi đã cao.
 
Nhìn cô chân chất, giản dị, làm lụng luôn chân khó mà tin được, hơn 20 năm trước cô Hồ Thị Đảm từng là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, rồi Giám đốc Xí nghiệp Lâm sản, Quản đốc nông trại của Công ty Nông sản thực phẩm…
 
Ở cô Đảm, có những câu chuyện tưởng chừng như đi ra từ trong cổ tích. Đó là chuyện hằng ngày, cô đi nhặt củi về nấu nước. Cô bảo, giờ không ai dùng củi đun nấu nữa. Nhưng, cành cây rớt ngoài đường, đằng nào cũng cần dọn, không dùng thì phí. Cô làm cái bếp ngoài trời, cẩn thận che chắn, có ống khói cao để không bay vào nhà ai, không làm khói ảnh hưởng tới hàng xóm. Thế là mỗi ngày cả chục cái bình thủy của hàng xóm để sẵn từ sáng sớm, cô cứ túc tắc nấu đổ đầy bình cho họ, rồi để sẵn một nồi đấy, ai lấy thì lấy. Hầu như nhà ai trong xóm có đám tang hay có việc lớn đều được cô phục vụ miễn phí nước sôi để pha trà tiếp khách. Hay chuyện từ ba chục năm trước, đến nay vẫn còn cái “hồ Bà Đảm” ở xã Tà Nung 1. Ấy là chuyện từ năm 1984, Nhà nước kêu gọi làm thủy lợi để lấy nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho vùng đồng bào dân tộc ở Tà Nung. Mọi người cùng đi bộ từ Cam Ly vào tới Tà Nung để nghiên cứu, chọn vị trí làm hồ thủy lợi. Cô chọn được địa điểm hồ là khu vực trung tâm, nước từ nguồn về đó nhiều hơn, rồi thiết kế làm nên con đập… Hiện nay, hồ Bà Đảm rộng chừng vài hecta, được sử dụng để khai thác dịch vụ câu cá giải trí và cung cấp nước tưới cho nhân dân trồng cà phê.
 
Cô Đảm về hưu từ năm 2000, nhưng phải thay chồng lo toan cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cháu nên người, rồi không may cô lại bị tai nạn phải chữa trị… mãi đến năm 2012, mới tham gia công tác phụ nữ ở Tổ dân phố 13. Hiện giờ, cô vẫn sống cùng con cháu. Chẳng phải đến khi làm cán bộ tổ dân phố, mà từ hồi nào đến giờ, cô Đảm không nề hà việc gì. Ra đường thấy rác vứt lung tung là về lấy bao tay ra nhặt gọn lại. Đoạn đường trước nhà cô sạch tinh tươm, thay vì để cỏ mọc thì ở đó là luống hoa tươi tốt. 
 
Điều đáng trân trọng là bản thân cô làm tất cả những việc này không suy nghĩ thiệt hơn gì cả. Cô sống rất vô tư, thương người, từ chuyện làm kinh tế gia đình đến xã hội. Cô bảo: “Nếu cứ tính toán thiệt hơn thì không làm gì được cả, cứ thấy mình làm được gì thì làm, làm cho mọi người để được phúc cho mình, cho cháu con”.
 
Hỏi cô có bí quyết gì mà mọi người hưởng ứng nhiệt tình phong trào do cô vận động vậy? Cô tự nhận, mình có ưu điểm là thật thà, chất phác, nên đi vận động phong trào đều được mọi người thương yêu mà ủng hộ. Ví như chuyện vận động góp Quỹ “Phụ nữ vì người nghèo”, cô kể: Họ đưa tiền cho mình mà không sợ mất. Đến từng nhà, cô cứ cười cười bảo thật ý định gia chủ, vậy là hoặc là vợ, hoặc là chồng đều cho mượn tiền. Và, từ số vốn gần 4 triệu đồng, sau 4 năm, quỹ của Chi hội Phụ nữ Tổ 13 đã được 21 triệu đồng… 
 
“Trong xã hội hiện đại, cuộc sống luôn bận rộn, mọi người hầu như không có quỹ thời gian rảnh rỗi, đều lo toan cho cuộc sống gia đình, cho mục tiêu phát triển kinh tế và làm giàu. Cô Đảm thực sự là một tấm gương sáng trong cộng đồng, tấm gương giản dị giữa đời thường của người phụ nữ dám nghĩ dám làm thì rất đáng được tôn vinh...”, Chủ tịch MTTQ Phường 4 - Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.
 
Còn sức khỏe, còn cống hiến cho xã hội…
 
Cô Đảm hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của Tổ dân phố 13, Phường 4, thành phố Đà Lạt. Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 13 có 117 hội viên/ 170 hộ gia đình, tham gia nhiều phong trào, như: “Nuôi heo đất” để cho vay với lãi suất thấp; “5 giúp 1”, hàng tháng, hàng quý thăm hỏi chị em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo…; “CLB phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” sinh hoạt định kỳ gắn với các dịp lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10 lồng ghép với các nội dung sinh hoạt chuyên đề, cùng nhau học tập, trao đổi, hòa giải, thuyết phục, gỡ rối, vận động không sinh con thứ ba… “Chi hội phụ nữ không có đơn thư vượt cấp” các chị em trong tổ ký cam kết tham gia, nếu có bức xúc thì nói với bà trước, trước khi viết đơn thư… 
 
Cô Đảm tâm sự: Ở mỗi trường hợp, mình phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, phân tích, khuyên giải, thẳng thắn, chân tình… Có lẽ vì sự nhiệt tình và thân tình của cô mà hầu hết các phong trào của thành phố và phường triển khai thì Tổ 13 đều được chọn làm điểm. Cô Đảm luôn là người đi đầu trong mọi việc, đồng thời cũng là người gần gũi, chia sẻ những khúc mắc và giúp đỡ chị em có những tư tưởng, nhận thức tiến bộ hơn, không để phải phân xử ở tòa, hay xích mích hàng xóm láng giềng…
 
“Trước đây, dù làm lãnh đạo, nhưng là làm công tác chuyên môn; nay làm phong trào mới thấy không nhiệt tình không thể làm được. Việc cứ đến tay là đi thôi, mà như thế mới thấy mình vẫn còn ý chí làm việc. Các con tôi thì rất ủng hộ, chúng nói “ngày nào mẹ không làm việc là y rằng thấy mẹ ốm à” - Cô Đảm chia sẻ. 
 
Được hỏi về điều trăn trở, cô Đảm chia sẻ, về hưu rồi nhưng mọi người hãy gương mẫu cùng chia sẻ công với việc xã hội, với khu dân cư, nhất là vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên vẫn rất cần được phát huy tại chi bộ tổ dân phố. Tuy không có lợi, không có phụ cấp hoặc phụ cấp không đáng kể nhưng không vì thế mà chúng ta không làm hoặc làm không nhiệt tình. Mong muốn duy nhất hiện nay của Cô Đảm cũng chính là lời kết cho bài viết của tôi: “Học tập Bác, chúng ta cần sống vì mọi người, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, bằng những hành động, việc làm cụ thể. Hãy chung sức, chung lòng sưởi ấm những người nghèo xung quanh chúng ta là việc làm thiết thực nhất để hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 
Ghi chép: HÀ NGUYỆT