Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

09:06, 15/06/2017

Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp, cùng nhau cam kết thực hiện các quy định chặt chẽ trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. 

Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp, cùng nhau cam kết thực hiện các quy định chặt chẽ trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Đã có 51 chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn
 
Ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh như sau: Việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả luật pháp về ATTP. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp, cùng nhau cam kết thực hiện các quy định chặt chẽ trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. 
 
Từ thực trạng cấp bách về việc quản lý ATTP hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đúng theo Quyết định của UBND tỉnh về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, đề án xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020.
 
Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 51 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn bao gồm: 29 chuỗi rau với diện tích 1.433 ha cho sản lượng 141.330 tấn/năm, có 781 hộ nông dân liên kết sản xuất. Các cơ sở sản xuất đạt hiệu quả cao sau khi thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, số hộ tăng 2,3 lần và sản lượng tăng gấp 2,4 lần khi bắt đầu thực hiện chuỗi. Thiết lập 17 chuỗi chè với diện tích 685 ha, đạt sản lượng 8.664 tấn/năm. Xây dựng 1 chuỗi quả có diện tích 3,5 ha cho sản lượng 40 tấn/năm. Hình thành 4 chuỗi chăn nuôi có 31.415 con heo, sản lượng 1.368 tấn/năm.
 
Các cơ sở tham gia thực hiện chuỗi ATTP trên địa bàn Lâm Đồng đã đạt hiệu quả rất lớn, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tạo điều kiện mở rộng quy mô, thu hút ngày càng đông nông dân tham gia chuỗi, từ chỗ mỗi chuỗi chỉ có 5 -7 hộ tham gia, đến nay đã có hàng chục hộ tham gia. Số mẫu vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng của các mô hình tham gia chuỗi rất thấp, cụ thể trên rau chỉ dưới 1%. Điều quan trọng là các chuỗi ATTP đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng, do đó sản phẩm tiêu thụ tăng nhanh. 
 
Mặt được và chưa được khi xây dựng chuỗi ATTP
 
Đánh giá kết quả đạt được trong việc xây dựng chuỗi ATTP, diện tích sản xuất theo VietGAP, 4C, UTZ, HACCP… có tiến bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 971 hộ nông dân, cơ sở sản xuất trồng trọt đượt cấp VietGAP, trong đó: rau có 11.550 ha, chè 378 ha, cà phê 4C 44.000 ha, cây ăn quả 135,5 ha. 
 
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích sản xuất theo VietGAP đứng đầu cả nước, một số nông sản chủ lực như: rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu ATTP, điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP Đà Lạt cho biết, để người nông dân sản xuất theo VietGAP phải đáp ứng hơn 70 tiêu chuẩn khắt khe theo quy định nhưng Giấy chứng nhận VietGAP chỉ có giá trị trong 2 năm, như vậy quá vất vả, khó khăn, tốn kém cho người nông dân khi đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 
 
Vì vậy, chúng ta chưa xây dựng được nhiều các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm có chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước. Việc hình thành các trung tâm sau thu hoạch có quy mô lớn còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp chưa xây dựng được nhãn sản phẩm an toàn để phân biệt giữa sản phẩm an toàn và không an toàn, khó khăn cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm không an toàn. Thực trạng sản xuất quy mô nhỏ, manh mún vẫn chiếm đa số, vì vậy việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật khó khăn. 
 
Nguyên nhân là do chưa có chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, hoa trong tỉnh còn ở quy mô nhỏ lẻ, một số nơi vẫn sản xuất mang tính truyền thống chưa đảm bảo các điều kiện về chất lượng vệ sinh ATTP; việc tiếp cận với thông tin khoa học cũng như đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất rau, hoa tập trung có chất lượng ATTP còn yếu. Doanh nghiệp chưa quan tâm mạnh vào sản xuất nông nghiệp do đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cụ thể.
 
Hình thành và ổn định 124 chuỗi ATTP 
 
Lâm Đồng chủ trương xây dựng các chuỗi nông sản an toàn trong các xã nông thôn mới, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ xây dựng thêm 70 chuỗi thực phẩm an toàn. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển chuỗi ATTP giai đoạn 2017 - 2020, ưu tiên xây dựng tại các xã nông thôn mới. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: VietGAP, HACCP, ISO, GlobalGAP. 
 
Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 -2020 và định hướng đến 2025 xác định đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn gắn kết với thị trường tiêu thụ, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đến năm 2020 hình thành và ổn định hoạt động 124 chuỗi nông sản an toàn, góp phần tăng tỉ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng lên 50% so với tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh và tăng số lượng hộ nông dân tham gia các liên kết của năm sau cao hơn năm trước 30%.
 
Mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo ATTP, đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường thông qua việc hình thành và phát triển các chuỗi nông - lâm - thủy sản an toàn; nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sản xuất trong việc chấp hành các điều kiện vệ sinh ATTP, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP, đảm bảo cơ bản các nông sản của tỉnh đáp ứng điều kiện ATTP. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm hình thành các chuỗi nông sản an toàn, có giá trị chất lượng cao, đặc biệt là các chuỗi giá trị toàn cầu. 
 
AN NHIÊN