Tất cả vì Lang Biang

08:07, 11/07/2017

Ngôi nhà của bà Păng Ting Saly nằm cách chân đồi Lang Biang (Lạc Dương) không xa lắm, nếu một người khỏe mạnh có thể ném hòn cuội bằng nắm tay từ đầu này đến đầu kia. Bao tháng ngày qua, con đường nhựa đã dần hoàn thành nhưng vẫn còn một đoạn ngắn chưa thực hiện được do vướng vấn đề giải phóng mặt bằng...

Ngôi nhà của bà Păng Ting Saly nằm cách chân đồi Lang Biang (Lạc Dương) không xa lắm, nếu một người khỏe mạnh có thể ném hòn cuội bằng nắm tay từ đầu này đến đầu kia. Bao tháng ngày qua, con đường nhựa đã dần hoàn thành nhưng vẫn còn một đoạn ngắn chưa thực hiện được do vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Không thể để tình hình đó kéo dài mãi, bà đã tự nguyện hiến đất làm đường và tích cực vận động các hộ dân khác làm theo.
 
Bà Saly kể câu chuyện hiến đất và vận động hiến đất dưới chân LangBiang. Ảnh: Đ.Tú
Bà Saly kể câu chuyện hiến đất và vận động hiến đất dưới chân LangBiang. Ảnh: Đ.Tú
Bà Saly đưa ánh mắt về những cái máy đang hì hục đào bới và lu ủi để vài tháng nữa con đường sẽ liền thành một mối dẫn đến Lang Biang. Bà bảo: “Lang Biang đẹp lắm, du khách khi đến tham quan Đà Lạt rồi chỉ cần ngồi một tí trên xe hơi hay mất chừng mươi mười phút bằng xe máy là có thể thăm thú nơi này. Cả một con đường đẹp, phẳng lỳ như vậy nhưng có một đoạn vẫn còn đất đá lổn nhổn chính là điều mà tôi đây trăn trở, trăn trở là vì du khách, bạn bè bốn phương sẽ nghĩ sao về người dân vùng này”.
 
Xuất phát từ lý do này, bà đã hiến phần đất chạy dọc theo con lộ của gia đình để làm đường dẫn đến Lang Biang. Bà tự nguyện hiến đất, nhưng một mình bà thì vẫn chưa đủ để con đường thông suốt. Nghĩ là làm, bà Saly gõ cửa từng nhà để vận động người dân xung quanh. Ban đầu nhiều người không đồng ý vì chuyện đất cát trong cái thời đại này đâu phải dễ nói chuyện, phải có nhiều tiền mới nói đến chuyện đất cát.
 
Tình hình ngày càng khó khăn nhưng bà đã quyết tâm phải làm ngay và lý do chính đáng nhất để bà đứng ra vận động là “chúng ta làm mọi việc không phải cho chúng ta mà cho cả cái vùng Lang Biang này, cho con cháu của chúng ta và cho mọi du khách khi đến đây”. Những mẩu chuyện dở khóc, dở cười của bà khi đi vận động các hộ dân hiến đất làm đường cứ như trong phim “Người thổi tù và hàng tổng” vậy. Nhiều người có đất nằm trong vùng cần phải giải phóng mặt bằng thì bảo rằng bà phải có cái lợi lộc gì mới “hăng say” như vậy, nhưng dần dà họ mới hiểu ra rằng, điều bà làm là xuất phát từ tấm lòng, không trục lợi cá nhân. Thấu hiểu được điều đó, năm hộ dân là hàng xóm láng giềng của bà Saly ngay tại Tổ dân phố Bon - Đơng 2, thị trấn Lạc Dương đã tự nguyện hiến đất của mình để con đường được thi công một cách nhanh nhất, đẹp nhất.
 
Việc làm của bà không chỉ gói gọn trong việc tự mình hiến đất, vận động người dân hiến đất mà bà tham gia tổ chức, biểu diễn để giới thiệu văn hóa cồng chiêng tới đông đảo người dân bốn phương và qua đó góp phần lưu giữ văn hóa cồng chiêng, điệu múa dân gian, dân vũ của người dân tộc bản địa. 
 
Bà giải thích về công việc làm “nghệ thuật” của mình khá đơn giản nhưng đầy triết lý nhân sinh: Nếu sinh ra ở vùng đất có điều kiện trồng rau thì nhiều người nhất định sẽ canh tác rau để mang về lợi nhuận, còn sinh ra ở vùng đất có điều kiện trồng cây cà phê thì nhất định mình không thể để triền đất cho cỏ dại mọc được, còn mình sinh ra ở vùng đất truyền thống cồng chiêng thì tại sao không lấy cồng chiêng làm việc sinh lợi, lợi ở đây có hai thứ, một là kiếm tiền bạc để sinh sống, hai là văn hóa cồng chiêng truyền thống được lưu giữ. Mà giá trị lợi nhuận thứ hai này không phải dễ gì thực hiện được, phải có một tấm lòng thực sự, còn chỉ vì cái lợi tiền bạc thì ắt sẽ không tồn tại được lâu dài đâu!
 
ĐỨC TÚ