Xử lý dứt điểm việc tranh chấp đất để tăng độ che phủ rừng

09:07, 26/07/2017

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng Tây Nguyên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một trong những lĩnh vực quan trọng là xử lý dứt điểm việc tranh chấp đất lâm nghiệp. 

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ (QLBV) và phục hồi rừng Tây Nguyên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một trong những lĩnh vực quan trọng là xử lý dứt điểm việc tranh chấp đất lâm nghiệp (ĐLN). 
 
Lợi dụng canh tác nông nghiệp người dân đã san ủi trái phép đất rừng liền kề tại tiểu khu 268, Định An, Đức Trọng. Ảnh: M.Đ
Lợi dụng canh tác nông nghiệp người dân đã san ủi trái phép đất rừng liền kề tại tiểu khu 268,
Định An, Đức Trọng. Ảnh: M.Đ
Hơn 8,4% đất lâm nghiệp có tranh chấp
 
Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, UBND các cấp và Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ để mất rừng nhiều nhất. Cụ thể, UBND các cấp để mất 209.993 ha; các BQLR để mất 112.130 ha; doanh nghiệp nhà nước để mất 87.192 ha; hộ gia đình để mất 25.553 ha; các tổ chức kinh tế để mất 23.446 ha; các đơn vị vũ trang để mất 21.436 ha; cộng đồng dân cư để mất 5.167 ha và các tổ chức khác để mất 2.179 ha... Toàn bộ diện tích rừng và ĐLN địa bàn Tây Nguyên đã được giao cho các đối tượng này. 
 
Mặc dù đối tượng được giao đã nỗ lực nhiều trong công tác QLBV rừng và ĐLN, nhưng còn tồn nhiều lý do dẫn đến phá rừng, lấn chiếm ĐLN. Cụ thể: dân di cư tự do lấy đất sản xuất gia tăng; một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được giao QLBV rừng và ĐLN với diện tích lớn nhưng thiếu năng lực, buông lỏng QLBV...
 
Hiện nay, trong tổng diện tích rừng và ĐLN được giao có đến 282.896 ha đang bị người dân tranh chấp, chiếm 8,43% tổng diện tích ĐLN. 
 
Trong đó, tranh chấp trong diện tích đã giao quyền sử dụng đất 197.365 ha, chiếm 70%; tranh chấp phần chưa giao quyền sử dụng đất 85.261 ha, chiếm 30%. Việc tranh chấp tập trung chủ yếu trong diện tích rừng, ĐLN do UBND xã quản lý là 164.920 ha; các BQLR phòng hộ 56.456 ha; các doanh nghiệp nhà nước 51.750 ha và còn lại thuộc các chủ rừng khác.
 
Nguyên nhân 
 
Gần 53.000 ha ĐLN đang sản xuất nông nghiệp 
 
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và đến 2025. Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng  cho thấy, Lâm Đồng có 596.476 ha đất rừng, bao gồm rừng đặc dụng, rừng tự nhiên và rừng sản xuất, tuy nhiên trong số này có đến gần 53.000 ha đất sản xuất nông nghiệp lâu năm của người dân nằm trong diện được quy hoạch vào ĐLN.
 
Theo các địa phương, trong 53.000 ha này, một số diện tích đã được cấp quyền sử dụng đất theo Quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (năm 2008) về quy hoạch 3 loại rừng. Các địa phương đề nghị có giải pháp đưa ra khỏi quy hoạch ĐLN diện tích trên để đảm bảo phát triển kinh tế về rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kết luận: Vấn đề nhất quán là phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển rừng với việc nâng cao lợi ích cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những hộ dân sống gần rừng. Theo đó, mục tiêu đặt ra phải tăng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 55% vào năm 2020.

Nhiều nguyên nhân rừng và ĐLN Tây Nguyên bị tranh chấp và bị phá. Đó là: Việc sắp xếp lại các công ty (Cty) lâm nghiệp còn chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án sử dụng đất. Các Cty được giao QLBV rừng tự nhiên không thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; trong lúc không được khai thác gỗ, không thể tổ chức sản xuất, kinh doanh nên  khó khăn trong nguồn thu. Mặt khác, diện tích rừng do các Cty bị giải thể quản lý địa phương chưa xác định được phương án giao QLBV phù hợp do không tìm được chủ để giao. UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng lớn nhưng không được giao kinh phí và cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát nên thực tế không có chủ QLBV. 

 
Việc phân công, phân trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và ĐLN chưa rõ ràng; việc xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ rừng còn nhiều bất cập, thiếu kiên quyết. Cơ chế hưởng lợi từ rừng cũng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia QLBV và phát triển rừng. Công tác thu hồi diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép gặp nhiều khó khăn do đang bị lấn chiếm với diện tích lớn, người dân đã canh tác lâu năm, các đối tượng vi phạm chống đối quyết liệt, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Đó còn là, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như: mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm ĐLN... thiếu chặt chẽ, chưa nghiêm và chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm...
 
Giải pháp đặt ra
 
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp ĐLN ở Tây Nguyên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Cty nông-lâm nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh và có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện việc rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn rà soát đất đai của các công ty lâm nghiệp với giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
 
Mặt khác, cần đổi mới và nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và ĐLN của chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, buôn, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa bàn. Đẩy mạnh việc giao, cho thuê rừng và ĐLN do UBND cấp xã quản lý. Cần có giải pháp và lộ trình cụ thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các Cty lâm nghiệp. Tiếp tục tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các diện tích rừng bị phá, lấn chiếm và giao cho chủ rừng trồng, phục hồi, QLBV; không để phát sinh tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm ĐLN trái phép.
 
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và ĐLN; kiên quyết đình chỉ, thu hồi, xử lý các dự án có sai phạm, để xảy ra phá rừng, không thực hiện dự án hoặc thực hiện nhưng kém hiệu quả. Đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tại các dự án xảy ra phá rừng để xử lý nghiêm vi phạm và buộc phải bồi thường thiệt hại.                   
 
MINH ĐẠO